Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
TTO - 'Hôm nào rửa được bức ảnh đẹp, tôi ngồi trong phòng tối cười một mình như người điên', nhà quay phim vừa nói vừa thủng thẳng treo tấm rèm đen lên khung cửa.
Tắt đèn, căn phòng chỉ còn ánh sáng lờ nhờ của chiếc đèn đỏ và đèn mật ong (màu vàng). Nhà quay phim gạo cội bắt đầu tráng phim cho "thế hệ số" là chúng tôi xem.
Khi chiếc đồng hồ đếm giây ngừng lại, cũng là lúc đường nét hiện lên trên tấm giấy ảnh đang trôi trong khay đựng hóa chất. Đó chính là sự kì diệu của nhiếp ảnh máy cơ, mà những người dùng máy số không mấy khi được trải nghiệm.
Với ông Tuấn, chỉ có máy ảnh phim mới làm hiện lên những viền mây, dáng núi, những bảng lảng khói sương theo cách mà mắt ông nhìn thấy được. "Máy số cứ chụp được cái này thì mất cái kia, chán lắm", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn đã chụp ảnh suốt 40 năm nay, và chụp bao nhiêu ông lại cất vào ngăn kéo, như một người câu cá, câu xong lại thả cá xuống hồ.
"Nhiếp ảnh là thú chơi riêng tư, không phụ thuộc vào sự đồng cảm của người khác. Tôi thích cái này, người khác không thích đành chịu vậy.
Con chim này kêu lên chẳng may hợp tai người, gọi là họa mi, ghét thì gọi là quạ. Bản thân con chim đó không hề hay biết.
Khẩu vị là một thứ rất tráo trở, quần loe hôm nay mốt, ngày mai lỗi mốt là chuyện bình thường. Tôi chụp ảnh chỉ để giãi lòng mình, không mấy khi khoe", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn mê chụp ảnh phong cảnh làng quê Việt Nam. Tài sản 40 năm chụp ảnh là hàng chồng hộp ảnh xếp đầy trong các căn phòng. Nhiều nơi đã thay đổi hoàn toàn diện mạo vì đô thị hóa. Ông Tuấn nói ông cũng chẳng tự hào gì khi lưu giữ lại những hình ảnh giờ đã biến mất.
Nhiều nhiếp ảnh gia quốc tế khi sang Việt Nam thường nhờ ông Tuấn tìm địa điểm chụp, vì họ tin vào thẩm mĩ của ông. Trong những chuyến đi ngắn ngày, họ có nhiệm vụ đem về cho tờ tạp chí của họ những khuôn hình ấn tượng nhất.
Trong những cuốn sách ảnh họ tặng cho ông Tuấn, dễ nhận thấy "thế giới thứ ba" là thiên đường của nhiếp ảnh. Ở đâu có nạn đói, có xung đột sắc tộc, có chiến tranh, sẽ có nhiếp ảnh gia, và sau đó sẽ có giải Pulitzer.
Ông Tuấn nói ông không hề thích điều đó. Khi đến miền núi, ông không soi mói phong tục, không chụp cho thỏa sự hiếu kì, ông cũng không thích sự sắp đặt.
"Tôi không ngu dại gì sắp xếp lại cuộc sống để chụp ảnh vì không có gì tự nhiên đẹp đẽ hơn những gì đang diễn ra. Tôi thích chụp phong cảnh, vì nó hài hòa, trung dung, khiến tâm hồn tôi cảm thấy êm ả, dễ chịu vô cùng.
Tôi thích chụp những con người đang tự tin nhất khi họ là chính mình, tự tin với công việc họ đang làm. Những việc làm xấu, gương mặt ác tôi không lưu giữ. Bản thân cái đẹp, trong nội hàm của nó đã gồm cả cái xấu rồi", ông Tuấn nói.
Dù chỉ nhận là "người đi qua làng", nhưng với 40 năm chụp ảnh, ông Tuấn đang sở hữu một khối lượng tư liệu ảnh đồ sộ về nông thôn, về vùng núi phía Bắc ở Việt Nam. Những mảnh hồn làng đã neo lại trong tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ.
Là một người say mê hình ảnh, rất nhạy cảm với hình ảnh, sau khi rút lui khỏi công việc quay phim, nhiếp ảnh là thú vui nối dài đam mê hình ảnh. Ở đó người nghệ sĩ cảm thấy mình được sáng tạo một cách trọn vẹn nhất, cá nhân nhất.
Nhưng người ta vẫn nhớ đến Nguyễn Hữu Tuấn, người đứng sau những bộ phim nay đã trở thành kinh điển của điện ảnh Việt Nam.
là một trong những nghệ sĩ quay phim đa tài hiếm hoi của dòng điện ảnh nhà nước. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả ở Hà Nội, từ nhỏ anh em Nguyễn Hữu Tuấn ngoài học văn hóa còn được cha mẹ cho học nghệ thuật.
Năm 11 tuổi, Nguyễn Hữu Tuấn theo họa sĩ Phạm Viết Song học vẽ. 16 tuổi, anh học Trường trung cấp Mỹ thuật Hà Nội. Học xong Nguyễn Hữu Tuấn về Xưởng phim truyện Việt Nam làm công việc dựng cảnh.
Sau một thời gian xách xô màu đi quét tường, kê đặt đạo cụ theo sắp đặt của đoàn làm phim, anh nhận thấy công việc này "chỉ là chân lon ton, trong khi chí hướng của một thanh niên thời đó phải có nghề chuyên nghiệp".
Gần tới hòa bình, nhà nước đã cử nhiều thanh niên ra nước ngoài học. Năm 1968, Nguyễn Hữu Tuấn nhận giấy gọi đi học ở Thượng Hải, Trung Quốc học ngành hóa học hữu cơ. Anh hơi thất vọng vì muốn được đi Tiệp hoặc Đức.
Sang Trung Quốc nhập học, Hữu Tuấn cảm thấy hóa học thật kì diệu, mở ra muôn vàn ứng dụng trong đời sống. Ở Hà Nội thời đó, phải khó khăn lắm mới mua được đôi dép tổ ong thì bên Trung Quốc bạt ngàn đồ nhựa. Những du học sinh như Nguyễn Hữu Tuấn say mê nhìn người ta xây cầu, làm đường, mơ một ngày Việt Nam cũng phát triển như thế...
Trở về nước, Nguyễn Hữu Tuấn về làm ở Nhà máy nhựa Hà Nội. Anh nhanh chóng nhận ra những gì đã học không có cơ hội ứng dụng. Công việc ngày làm tám giờ khiến anh cảm thấy hết sức gò bó, đồng lương cũng không hơn công việc trước là bao. "Lúc đó tôi thấy thời xách xô màu vui hơn", Nguyễn Hữu Tuấn nói.
Năm 1972, Nguyễn Hữu Tuấn 23 tuổi, quyết định thi vào Trường Điện ảnh Việt Nam. Đây chính là bước ngoặt cuộc đời của chàng trai trẻ. Lần đầu tiên cầm máy quay phim, anh biết mình đã thuộc về bộ môn Nghệ thuật thứ bảy.
Năm 1976, Nguyễn Hữu Tuấn về Xưởng phim truyện Việt Nam học nghề, bắt đầu từ chân phụ quay phim. Không mất nhiều thời gian, chỉ ba năm ông lên quay phim chính. Phim đầu tay ông quay chính là Hi vọng cuối cùng của đạo diễn Trần Phương.
Sau phim này, ông quay Thị xã trong tầm tay, phim truyện nhựa đầu tay cho đạo diễn Đặng Nhật Minh. Đạo diễn Đặng Nhật Minh tự nhận lúc đó mình chỉ là "đạo diễn bậc hai" nên muốn tìm những cộng sự mới cho dễ bề cộng tác và đã chọn quay phim trẻ Nguyễn Hữu Tuấn.
Mới đọc kịch bản ông Tuấn cảm thấy phim này rất khó quay, vì kịch bản phát triển từ một tùy bút. Sau khi suy nghĩ, ông đưa ra phương án: "Tôi sẽ quay kiểu ước lệ, kiểu mà ở Việt Nam chưa ai làm, ông có chịu kiểu quay đó không?".
Với lối quay dùng cảnh tả tình, tận dụng lợi thế trường quay tự nhiên khổng lồ thời đó là thị xã Lạng Sơn sau cuộc chiến tranh biên giới, đạo diễn Đặng Nhật Minh và nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn đã làm nên chuyện.
Thị xã trong tầm tay đã đem về cho đạo diễn Đặng Nhật Minh giải Bông sen vàng Phim truyện xuất sắc và giải Kịch bản xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam 1983.
Đương nhiên đạo diễn Đặng Nhật Minh muốn được cộng tác với Nguyễn Hữu Tuấn cho phim kế tiếp Bao giờ cho đến tháng Mười (1984). Và ông không ngờ Nguyễn Hữu Tuấn dám bỏ qua một cơ hội tuyệt vời thế này.
Lúc đọc kịch bản ông Tuấn biết đây sẽ là một bộ phim đầy hứa hẹn, nhưng ngặt nỗi anh trai ông là đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện sau một thời gian bị "treo máy" đã quay trở lại làm phim vào đúng dịp này. Ông Tuấn đã quyết định "anh em là trên hết".
Sau rất nhiều khó khăn để tìm quay phim phù hợp, đạo diễn Đặng Nhật Minh làm xong Bao giờ cho đến tháng Mười, gặt hái rất nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Phim được kênh truyền hình CNN bình chọn là một trong 18 bộ phim châu Á hay nhất mọi thời đại.
Đặng Nhật Minh là một đạo diễn cầu toàn, cực kì kĩ tính, thậm chí dễ bẳn gắt trên hiện trường, chỉ bởi ông luôn muốn bộ phim tốt nhất có thể. Ông Minh là một đạo diễn giỏi, nhưng do tự học, bị hạn chế về kĩ thuật quay phim, nên trong quá trình làm việc không tránh khỏi gay gắt với quay phim những lúc đôi bên không hiểu ý nhau.
Là một người điềm đạm, thay vì tranh cãi, ông Tuấn luôn đưa ra giải pháp về hình ảnh, đôi lúc gỡ bí cho đạo diễn. "Nguyên tắc của tôi là không bao giờ bỏ phim. Dù quay phim có bị hoàn cảnh làm cho đảo điên thì quay phim vẫn không được bỏ máy. Bỏ máy là vi phạm đạo đức nghề nghiệp", ông Tuấn nói.
Mù ở đây là sương mù, là lớp không khí nóng ẩm mờ ảo bao phủ lên vạn vật ở xứ nhiệt đới nóng ẩm.
Phim Thương nhớ đồng quê là một dự án mà người làm phim nhà nước như đạo diễn Đặng Nhật Minh có cơ hội được làm phim kiểu "con nhà giàu". Với sự đầu tư hào phóng của Nhật Bản, nhiệm vụ quan trọng nhất của đạo diễn tài năng này là phải làm phim thật hay. Lần này ông lại tìm đến Nguyễn Hữu Tuấn.
"Tôi say mê phim này", Nguyễn Hữu Tuấn thừa nhận. Đây là bộ phim đạo diễn Đặng Nhật Minh, phó đạo diễn Nhuệ Giang, quay phim Nguyễn Hữu Tuấn bỏ ra không biết bao công sức.
Lúc đi chọn cảnh, đạo diễn và quay phim chọn cánh đồng ngô xanh mướt rất đẹp. Một tháng sau quay lại, lá ngô đã úa vàng. Ông Tuấn nhìn một lúc rồi bảo: "Không sao, quay ngô khô sẽ đẹp hơn". Đạo diễn bực mình mắng: "Ông tráo trở vừa thôi".
"Thực ra lúc đó tôi nhìn thấy gió lay những lá ngô khô xào xạc thấy rất gợi cảm…", ông Tuấn nói.
Cuối cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng chấp nhận phương án này. Khi gửi nháp phim đi, các chuyên gia Nhật Bản đã hồi đáp: Nếu giữ được màu sắc này, phim sẽ là một tác phẩm hội họa.
Sau khi phim làm xong, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn được mời sang Nhật nói về cách ông quay phim Fuji. "Phim do Nhật đặt hàng, mình chiều người ta dùng phim Fuji", ông Tuấn nói.
Người Nhật thắc mắc ở Việt Nam nóng ẩm, không khí luôn có một lớp sương mù mỏng màu xanh bao phủ, rất khó quay, làm cách nào ông Tuấn quay được đẹp như thế.
"Các ông chống mù, nhưng tôi muốn quay được cái nóng ẩm nên cố tình xông vào cái mù đó. Mặt đất ở Việt Nam bao giờ cũng có màu xanh, mà mắt thường nếu không để ý kĩ sẽ không nhìn thấy.
Khi trời ẩm, tia tím, tia lam rất nhiều. Người dùng phim Fuji rất sợ cái nóng ẩm và thích màu không khí trong sáng, tươi tắn. Tôi không ngờ Fuji bắt được cái ẩm ướt của quê tôi. Đừng sợ mù, càng tránh nó càng chết", ông Tuấn trả lời.
Khán giả bên dưới vỗ tay rào rào, các nhà làm phim Nhật nói họ sẽ không ngại mù nữa. Sau lần đó, ông Nguyễn Hữu Tuấn được đặc cách kết nạp vào Hội Kỹ sư hình ảnh của nước Nhật.
Trong quá trình sang Nhật làm hậu kì, những kĩ sư hình ảnh của người Nhật đã kiểm tra khả năng nhận biết màu của ông Tuấn để tiện cho việc chỉnh màu phim.
Sau khi kiểm tra ông Tuấn 10 cảnh và thấy kết quả đôi bên giống hệt nhau, kĩ sư người Nhật mới nói: "90% người thường bị loạn sắc mà không biết, hai vạn người mới có một người không bị loạn sắc. Tôi và ông là những người hiếm hoi không bị loạn sắc. Đó là lý do tôi được trả lương cao ở đây. Ok rồi, ông cứ đi chơi đi, tôi sẽ chỉnh màu".
Trong Thương nhớ đồng quê, Nguyễn Hữu Tuấn còn thuyết phục người Nhật thông qua những chi tiết rất tinh tế. Cảnh Thúy Hường đập lúa, Nguyễn Hữu Tuấn đã yêu cầu người ta xịt nước liên tục lên diễn viên để thấy mồ hôi rịn trên lưng áo, khiến khám giả cảm nhận được sự nóng ẩm.
Đạo diễn và quay phim đã dụng công tìm tổ chim non. Hay cận cảnh cặp ếch đang giao phối là sáng kiến của quay phim dùng sợi chỉ buộc hai con ếch vào nhau. Những tiểu tiết đó, tạo nên một tổng hòa duyên dáng, gợi ra không khí đặc trưng của làng quê Việt Nam.
"Nghề quay phim là nghề mệt nhoài, vì phải tư duy tại chỗ. Khi quay phim nhựa, người quay phim phải có linh cảm tốt để biết ngay tại chỗ cảnh đó đạt chưa, chứ về ăn cơm xong, hối hận cũng đã muộn. Phúc bảy mươi đời là tôi có linh cảm tốt, và linh cảm của tôi được khán giả đón nhận", ông Tuấn nói.
Hỏi về những thành bại trong cuộc đời, ông Tuấn bình thản: "Tôi không bao giờ thấy phim thắng lợi mà vui quá, càng không bao giờ thấy phim thất bại mà buồn vì phim là của đạo diễn. Người quyết định là người có trách nhiệm lớn hơn. Tôi quay phim được tự do hơn. Khi vinh quang đạo diễn nhận những tràng vỗ tay dài ba phút, còn tôi nhận được thêm hợp đồng, thế là tốt rồi. Tôi yêu làm phim vì cuộc sống lang bạt, nay đây mai đó".
Giờ về hưu ông Tuấn có thể thảnh thơi chơi với hình ảnh theo cách của mình.
Tin cùng chuyên mục
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận