30/10/2017 14:30 GMT+7

Nhà phê bình bị câu chữ quyến rũ

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Nhà văn, dịch giả Mai Sơn vừa cùng các văn hữu làm một cuộc tọa đàm, xoay quanh câu chuyện thưởng thức tác phẩm văn học và công việc của nhà phê bình.

Tôi quan niệm có bốn loại nhà phê bình, tạm gọi tên theo vần “T”: Thù tạc, Tài tử, Thanh toán và Trí thức. Nếu có thể, tôi chỉ thuộc loại nhà phê bình tài tử mà thôi
Nhà văn, dịch giả MAI SƠN

Sự kiện nhằm đánh dấu tập sách của Mai Sơn vừa ra mắt: Sự quyến rũ của chữ. 

Tập sách bao gồm phần lớn là các bài tiểu luận về văn học Việt Nam và văn học thế giới, do Trung tâm Tân Thư liên kết với Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành, vừa ra mắt hôm 27-10.

Mặc dù nhà văn, dịch giả Mai Sơn không tự nhận là nhà phê bình, nhưng có đến hai phần ba nội dung trong quyển Sự quyến rũ của chữ được mọi người đón nhận như những tác phẩm phê bình nghiêm túc.

Đề cập đến nhan đề tập sách cũng là nhan đề bài viết duy nhất về thơ trong cả tập, Mai Sơn thừa nhận nhà phê bình dường như phải để mình bị câu chữ quyến rũ mới được. 

Do vậy, "nhà phê bình phải đọc nhiều lắm, vì văn chương của anh lấy cơ sở từ văn chương của người khác".

Nhà phê bình bị câu chữ quyến rũ - Ảnh 2.

Trên cơ sở "tự lượng" đó, Mai Sơn tâm sự rằng khi đọc và viết về truyện ngắn, anh cố gắng phát hiện một điều gì đó cho mỗi tác phẩm hoặc một ý tưởng, một cấu tứ, một nét tư tưởng hay một cách đặc biệt trong sử dụng ngôn từ, "như vậy cũng là quý rồi". 

"Còn tiểu thuyết thì khó hơn, đọc tiểu thuyết như đến một thành phố lạ, ở đó có nhiều con đường, nhiều ngõ ngách, nhiều cảnh sống và nhiều câu chuyện... 

Viết về tiểu thuyết, tôi cố gắng tìm những điều ít ai thấy, những độc đáo trong cái "thành phố lạ" ấy" Mai Sơn nói.

Và thơ là lĩnh vực khiến nhà văn Mai Sơn ngại nhất khi viết phê bình. 

"Tôi rất thích thơ, đọc nhiều thơ, thậm chí có thể xem bài phê bình đầu tiên của tôi là viết về tập thơ của nhà thơ Nguyễn Đạt, nhưng tôi vẫn thấy viết về thơ khó quá".

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng góp một ý kiến, nhắc lại quan niệm rằng đọc một bài phê bình sách cũng như đọc lại một lần nữa cuốn sách đó với tất cả sự phát hiện thú vị, cảm nhận đặc biệt... mà lần đọc đầu tiên người đọc đã vô tình bỏ qua. 

Trong khi đó, GS.TS Huỳnh Như Phương thẳng thắn nhận định: "Tôi không nghĩ Mai Sơn viết phê bình như tay trái, vì anh dành tất cả tâm huyết cho công việc đọc và viết về các tác phẩm anh yêu thích. Anh lại gần gũi với giới trẻ, với phong cách hậu hiện đại".

Có thể nhận ra sự "toàn tâm toàn ý" của tác giả Mai Sơn trong tập sách vừa ra. 

Hãy xem cách anh nhận xét về Nguyễn Nhật Ánh: "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là tác phẩm độc đáo của Nguyễn Nhật Ánh. Chỗ độc đáo của nó là sự đan xen liên tục giữa văn bản tiểu thuyết hư cấu và văn bản triết luận". 

Có lẽ không phải ai cũng có khả năng và đủ tự tin để nhận ra điều đặc biệt ấy trong văn của Nguyễn Nhật Ánh.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên