Nhà phẫu thuật đeo đồng hồ xanh lá

ĐỨC HOÀNG 16/12/2015 19:12 GMT+7

TTCT - Đêm trao giải thưởng “Tình nguyện quốc gia 2015”, một cái tên nước ngoài được xướng lên trong danh mục giải thưởng dành cho cá nhân: bác sĩ Roberto de Castro. Ông vắng mặt vì đã về nhà đón Giáng sinh cùng gia đình, nhưng hình ảnh của nhà phẫu thuật ấy đã quá quen thuộc với những người yêu sự tốt đẹp trên đất nước này.

Bác sĩ Roberto khám cho một bệnh nhi -Đức Hoàng
Bác sĩ Roberto khám cho một bệnh nhi -Đức Hoàng

8g30 ngày 30-11, bác sĩ Roberto de Castro ngồi một mình trên băng ghế chờ trước khu mổ của Bệnh viện Nhi & phụ sản Đà Nẵng. Ông vừa trao đổi xong với các bác sĩ phụ mổ và người phiên dịch, và ngồi đó, trong khoảng 3 phút yên lặng, mắt nhìn về hướng phòng mổ.

Không có lo âu, cũng không có nhiều căng thẳng, vị chuyên gia hàng đầu thế giới về tiết niệu nhi chỉ như đang “thiền” để chuẩn bị bước vào một ca phẫu thuật dài. Trước mắt ông là 8 giờ liên tục đứng trong phòng mổ, không một phút nghỉ. Ca bệnh rất nặng. Bé Huy bị lộ bàng quang từ khi sinh, và đây đã là ca mổ thứ ba ông thực hiện cho bé.

8g40, bác sĩ Roberto bước vào phòng mổ, kiểm tra lần cuối mọi thứ. 8g45, cửa phòng mổ đóng lại, cuộc marathon bắt đầu. Trong tuần sau đó sẽ là hàng loạt những ca khám và mổ như thế, đưa cả chục đứa trẻ đến gần hơn với một hi vọng về cuộc sống bình thường.

Bác sĩ Roberto trao đổi với các bác sĩ Việt Nam, trên tay ông là chiếc đồng hồ màu xanh -Đức Hoàng
Bác sĩ Roberto trao đổi với các bác sĩ Việt Nam, trên tay ông là chiếc đồng hồ màu xanh -Đức Hoàng

“Bàn tay kim cương”

Trong phòng ăn một khách sạn tại Đà Nẵng, một người phụ nữ rưng rưng tiến tới bàn một người đàn ông nước ngoài lớn tuổi. Cô xúc động sờ lên tay ông, và cố cảm thán bằng một thứ tiếng Anh ngọng nghịu: “Gold hand, diamond hand” (Bàn tay vàng, bàn tay kim cương). Người phụ nữ ấy, không quen biết, vừa nhận ra bác sĩ Roberto de Castro và các bạn đồng hành, và chỉ xin được cho gia đình cô chụp một bức ảnh cùng đoàn.

Nhiều năm nay, bác sĩ Roberto có mặt tại Việt Nam hai lần mỗi năm để phẫu thuật miễn phí cho những trẻ em bị dị tật cơ quan sinh dục. Đi cùng ông là những gương mặt quen thuộc - Trần Mai Anh và vợ chồng Greig - Na Hương, những người đã cùng nhau điều trị cho bé Thiện Nhân những năm trước, rồi sau đó lập ra “Quỹ Thiện Nhân và các bạn”, thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật miễn phí cho trẻ em Việt Nam.

Có một điều đặc biệt ở nhà khoa học già: ông nhớ hết tên và tình trạng của từng bé. Tâm trí của ông như thể dồn hết cho số phận của những đứa bé này

Bác sĩ Roberto de Castro là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về tiết niệu nhi. Ông đã được Mai Anh - mẹ nuôi của Thiện Nhân - “tìm thấy” trên con đường chạy chữa cho con 7-8 năm về trước.

Sau khi nhận nuôi Thiện Nhân, cậu bé bị bỏ rơi và bị thú hoang ăn mất cơ quan sinh dục, Mai Anh đã thực hiện một cuộc hành trình dài bằng 3/4 vòng Trái đất để tìm lại cuộc sống bình thường cho con nuôi.

Trên hành trình đó, chị gặp bác sĩ Roberto. Phẫu thuật cho Thiện Nhân rồi, vị bác sĩ người Ý bất ngờ tìm thấy một duyên số nào đó với mảnh đất xa xôi này, và bây giờ mỗi năm sang đây hai lần, đứng trong phòng mổ hàng chục giờ để phẫu thuật miễn phí cho lũ trẻ.

21g, cả đoàn leo lên xe đi ăn kem. Bác sĩ Roberto nghiện kem và luôn phải có kem vào buổi tối. Lái xe chở đoàn đi là một vị “đại thiếu gia”: một ông chủ lớn ở Đà Nẵng đã mời đoàn về ở khách sạn 5 sao của mình, và cử con trai lớn, cũng là người quản lý khách sạn, đi lo hậu cần cho đoàn.

Nói như mẹ Thiện Nhân thì những người tốt cứ liên tục xuất hiện như thế chính là thứ đã đẩy chị đi tiếp hành trình không tưởng này, dù có còn sức lực hay không. Địa điểm là một quán kem nhỏ bên bờ sông Hàn, chị chủ quán đã bày tỏ mong muốn được mời bác sĩ Roberto ăn kem từ lúc còn chưa đặt chân đến Đà Nẵng.

Trong lúc mọi người chờ kem, ông chạy một mình sang bên kia đường, ngắm sông Hàn và cầu Rồng trong chốc lát. Vị bác sĩ già luôn tìm thấy giữa cuộc marathon này một khoảnh khắc nào đó cho riêng mình.

8g ngày 29-11, hành trình tại Đà Nẵng chính thức bắt đầu. Hành lang trước cửa phòng khám của khoa ngoại nhi Bệnh viện Nhi & phụ sản Đà Nẵng đã chật kín người. Những ông bố bà mẹ bế con trên tay mắt ngơ ngác nhìn qua khung cửa sổ chờ đến lượt vào khám.

Một số là gia đình những bệnh nhi đã được bác sĩ Roberto mổ từ đợt trước, nay tới tái khám, một số là những bệnh nhi tới khám lần cuối trước khi phẫu thuật vào ngày hôm sau, và một số khác là những người nghe tin bác sĩ Roberto đến đã tất tả đến viện mong được bác sĩ khám cho một lần.

Hồ Thành Công là một trường hợp như thế. Cô bé sinh ra với bộ phận sinh dục không giống phái nữ, có phần nhang nhác con trai. Ba mẹ Công đã đặt cho em một cái tên con trai. Cô bé 4 tháng tuổi, chỉ hơn 5kg, nằm lọt thỏm trong tay người mẹ lam lũ, đến để xác định số phận mình.

Bác sĩ Roberto khám, khẳng định đi khẳng định lại với mẹ Công rằng em chắc chắn là một cô gái xinh đẹp. Ông quyết định sẽ gây mê để khám sâu cho Công ngay hai ngày sau đó - một lịch đột xuất.

Hàng chục đứa trẻ lần lượt bước vào, nằm lên giường, trai có, gái có. Đi theo là những phụ huynh ngơ ngác. Họ đối mặt với một tình trạng hi hữu, khác với rất nhiều bệnh nhi trong các khoa của bệnh viện này. Không phải là hô hấp, tiêu hóa hay những chứng bệnh thường gặp ở trẻ con, mà là cơ quan sinh dục.

Sự biến dạng ở nơi đó không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động căn bản của đời sống là bài tiết mà còn là tâm lý, sinh lý, thậm chí có thể bẻ lái số phận con người theo một đường khác. Họ đến và mong đợi “đôi tay vàng” đã đi vào huyền thoại kia “nắn” lại cuộc đời cho con mình.

Không khí trong phòng khám căng thẳng. Lũ trẻ, có đứa ngoan, vừa nằm vừa chơi đồ chơi, có đứa khóc ngất khi nhìn thấy bác sĩ. Các bác sĩ Việt Nam trong khoa hồi hộp dõi theo từng lần khám. Sau mỗi lần khám, ông lại vẽ hình, ghi chú cẩn thận và giải thích cho các bác sĩ trong phòng. Nước uống bị quên không chuẩn bị, cũng chẳng ai nhớ ra mình khát.

Đến hơn 10g, cậu chủ khách sạn, người đã đi theo đoàn từ sáng và đứng kiên nhẫn chờ đợi, chạy ra ngoài mua về mấy chai nước lọc cho mọi người.

Bé gái Hồ Thành Công - bé mang một cái tên con trai vì dị tật cơ quan sinh dục - trên tay mẹ  -Đức Hoàng
Bé gái Hồ Thành Công - bé mang một cái tên con trai vì dị tật cơ quan sinh dục - trên tay mẹ -Đức Hoàng

Đằng sau những tượng đài

Cuộc khám bệnh trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Không chỉ có hi vọng, còn cả hoang mang và tức giận. Mai Anh và Na Hương, hai người phụ nữ điều hành chương trình, liên tục đối mặt với những ức chế.

Một bệnh nhi không xuất hiện dù đã hẹn lịch mổ. Không gọi được điện thoại, phải mấy ngày sau mới biết rằng người mẹ đã thay số mà chẳng báo với chương trình một câu. Một bệnh nhi khác đã được hướng dẫn tiêm hormone từ lần trước bác sĩ Roberto sang thăm khám, nhưng không thực hiện theo phác đồ.

Một bé gái đã được hướng dẫn đặt ống thông từ lâu nhưng gia đình chẳng làm theo. Rất nhiều trường hợp làm sai chỉ dẫn của bác sĩ - đối mặt với nguy cơ không thể thực hiện phẫu thuật, tức là ít nhất phải chờ 6 tháng nữa khi bác sĩ Roberto quay trở lại Việt Nam, và cũng tức là tước mất cơ hội của một bé khác có thể đã được mổ trong lần này.

Anh Greig, sáng lập viên của quỹ, giải thích rằng đôi khi đối với những con người này, nghèo khó và lam lũ, đối mặt với một dị tật đáng sợ của con, thì việc được mổ giống như là trúng số: họ không còn tỉnh táo để nghĩ cẩn thận nữa. Mẹ Thiện Nhân buồn.

Trong lúc chị ở đây và thuyết phục các bố mẹ khác có trách nhiệm hơn với con thì ở Hà Nội, bé Thiện Nhân đang sốt dịch và có nguy cơ phải nhập viện. Na Hương, vợ Greig, đã tha lôi em bé 8 tháng tuổi của mình đi khắp Sài Gòn, Đà Nẵng để theo chương trình. Nhưng họ chỉ dám trút ra với những người thân thiết ở hành lang bệnh viện.

Ở đó, bác sĩ Roberto vẫn ôn tồn giải thích cho những phụ huynh ngơ ngác kia rằng cần phải làm gì, Mai Anh và Na Hương vẫn nhẫn nại dịch lại mọi thứ, cố gắng căn dặn, giấu nỗi thất vọng vào trong.

Bác sĩ Roberto đã khám cho hàng trăm đứa trẻ trong những lần đến Việt Nam. Có một điều đặc biệt ở nhà khoa học già là ông nhớ hết tên và tình trạng của từng bé. Tâm trí của ông như thể dồn hết cho số phận của những đứa bé này.

Trên tay vị bác sĩ nổi tiếng thế giới đeo một chiếc đồng hồ Swatch màu xanh lá cây - một chi tiết hơi lạ, vì nó quá trẻ so với ông. Mai Anh cười: những chiếc Swatch màu sắc sặc sỡ ấy (chừng trên dưới 100 USD/chiếc) thường xuyên được bác sĩ Roberto tháo ra và tặng cho lũ trẻ. Cứ đứa nào bác sĩ quý, hoặc khóc quấy, ông lại tháo đồng hồ ra cho, cái đang đeo không biết là cái thứ mấy.

Bác sĩ Roberto trước giờ mổ -Đức Hoàng
Bác sĩ Roberto trước giờ mổ -Đức Hoàng

Đồng hồ màu xanh, thích ăn kem, trầm tĩnh mà vẫn có chút tinh nghịch, mọi điều ở bác sĩ Roberto dường như đều được “thiết kế” cho sự nghiệp của một nhà giải phẫu nhi.

Sau bữa tối ngày thứ hai, tức là trước các ca phẫu thuật, mọi người đùa rằng ở Đà Nẵng có một vũ trường to bậc nhất Việt Nam, có cả múa cột, hay là bác sĩ nên đi giải trí đôi chút. Ông cười, đùa: “Ai lại rủ nhau đi trước nửa đêm, phải sau 12g mới đi chứ” rồi về phòng, chuẩn bị tinh thần cho cuộc marathon trong phòng mổ.

Ở sân khấu của lễ trao giải “Tình nguyện quốc gia 2015”, hình ảnh bác sĩ Roberto trong trang phục phẫu thuật nở nụ cười rất tươi, xuất hiện trên màn hình lớn. Hình như ông là người xuất hiện tươi tắn nhất trong ngày hôm đó. Ông không có mặt vì phải về Ý để chuẩn bị cho kế hoạch đón Giáng sinh cùng bạn bè và người thân.

“Toàn mấy ông bà già, lên khu nghỉ trên núi chẳng biết làm gì cả đâu” - ông nhún vai. Bác sĩ Roberto gọi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, có lẽ bởi ở đây ông thấy vui hơn, bên những đứa trẻ tha thiết cần ông - nhà phẫu thuật đeo đồng hồ xanh lá.■

 

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận