30/11/2013 04:15 GMT+7

Nhà ở cho vùng bão lũ: Phải phù hợp với nông thôn

TRƯỜNG ĐĂNG
TRƯỜNG ĐĂNG

TT - Tiếp tục luồng ý kiến bàn luận về mô hình nhà ở phù hợp với vùng bão lũ ở miền Trung, chúng tôi giới thiệu hai ý kiến của chuyên gia và kiến trúc sư.

N89Ygc5y.jpgPhóng to
Ông Vũ Văn Bình, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trao quà và động viên học sinh vùng lũ - Ảnh: Trường Đăng

* Ông NGUYỄN ĐĂNG SƠN(phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng):

Xây nhà có gác tránh lũ

Miền Trung nước ta có nhiều sông nên vùng đất thường bị ảnh hưởng lũ lụt hằng năm rất rộng, ảnh hưởng đến hàng chục ngàn gia đình, đa số là người dân ở các vùng nông thôn nghèo. Phương án dùng đất đắp cao vượt lũ là không thể nên cần cải cách nhà ở nông thôn cho phù hợp với điều kiện lũ lụt. Thiết kế nhà tránh lũ đắt tiền quá thì ít người dân có khả năng xây được, nếu Nhà nước hỗ trợ thì kinh phí sẽ rất lớn, e không kham nổi. Cách làm chòi chống lũ như mẫu của Bộ Xây dựng không mới (do một kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Le Corbusier thiết kế từ thập niên 1930) mà rất tốn kém, lại không phù hợp với kiến trúc xây dựng ở nông thôn.

Tôi nhận thấy nhà ở nông thôn thường thiết kế theo kiểu một gian hai chái (đối với gia đình bình thường) hoặc ba gian hai chái (gia đình khá giả). Khi có lũ, người dân thường không kịp di chuyển mà lên trên phần áp mái nhà tránh. Do vậy người dân có thể làm thêm một gác trên một trong những gian chái của nhà bằng gỗ hoặc bằng tấm bêtông đúc sẵn. Cầu thang lên gác có thể đặt ở đầu hồi của căn nhà. Ngày bình thường gác này vẫn có thể ở được, mùa có lũ người dân đem lương thực, thức ăn khô và đồ quý hiếm để sẵn trên gác. Khi có lũ, người lên gác tránh lũ. Lương thực dự trữ có thể giúp người dân tồn tại vài ngày chờ lũ rút.

Đối với những nhà xây dựng mới, có thể áp dụng một phần mô hình chòi tránh lũ của Bộ Xây dựng. Nhà nước hoặc các mạnh thường quân hỗ trợ người dân xây dựng bốn cột thật chắc. Các cột này vừa có tác dụng chống lún cho nhà vừa giữ cho các cột không bị gió và dòng nước xô nhổ đi. Người dân có thể làm gác phía trên bằng gỗ hoặc tấm bêtông tùy khả năng. Phía dưới, người dân vẫn có thể xây dựng một căn nhà bình thường theo kiến trúc nông thôn, bốn cây cột ximăng có thể là bốn cột của một gian nhà. Phần gác có thể làm phòng ngủ, hoặc phòng kho thóc hay lương thực... Đến mùa lũ, người dân đưa lương thực và người lên gác tránh lũ. Cũng có thể chỉ làm nhà một gian hai chái như bình thường, trong đó một chái có gác tránh lũ.

Với những kiểu nhà “sống chung với lũ” này, tôi nghĩ phù hợp khả năng kinh tế của đa số người dân vùng lũ và là giải pháp khả thi trong tình hình nước ta hiện nay.

* Kiến trúc sư LÊ CÔNG SĨ:

Xác định rõ mô hình để đầu tư hiệu quả

Theo tôi, cần xác định rõ mô hình nhà chống/tránh lũ có kết hợp phòng tránh bão hay chỉ là nhà chống/tránh lũ (vốn chỉ sử dụng trong thời gian xảy ra mưa lũ nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản, công cụ sinh hoạt, sản xuất...) hay nhà sống chung với lũ (tức sử dụng quanh năm, kể cả mùa không mưa lũ). Việc xác định rõ mục đích như vậy sẽ quyết định việc lựa chọn giải pháp thiết kế kiến trúc, kết cấu và sử dụng vật liệu một cách phù hợp.

Mô hình chòi chống lũ theo đề xuất của Bộ Xây dựng và của kts Nguyễn Ngọc Dũng đều có chiều cao sàn mang tính cố định. Trong khi đó lũ miền Trung thời gian qua diễn biến cực kỳ phức tạp với hàng trăm con đập trên cao ồ ạt xả lũ, rừng đầu nguồn bị thu hẹp, lũ chồng lũ... khiến đỉnh lũ biến đổi phức tạp khó lường. Việc cố định một thông số nhất định về chiều cao với kết cấu “cứng” như đã nói có vẻ chưa thật phù hợp với sự biến đổi khôn lường của chiều cao đỉnh lũ, tức chưa đáp ứng một cách hiệu quả cho mục tiêu chống và tránh lũ. Theo tôi, cần nghiên cứu thêm mô hình nhà tránh lũ với chiều cao theo nguyên lý “nước lên thì thuyền lên”, tương tự các lồng bè nuôi cá hay nhà trên ghe tàu miền Tây.

Tiếp sức cho 1.500 học sinh vùng lũ Bình Định

Trong hai ngày 27 và 28-11, chương trình “Tiếp sức học sinh vùng lũ trở lại trường” của báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Bình Định đã trao 1.500 suất quà cho học sinh vùng lũ Bình Định tại các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và 50 suất quà cho các hộ dân có nhà bị sập trong trận lũ vừa qua. Tổng trị giá các phần quà là 800 triệu đồng, do Công ty cổ phần GreenFeed VN tài trợ.

Ông Trần Duy Vũ - bí thư Đảng ủy xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, Bình Định) - cho biết chương trình của báo Tuổi Trẻ là chương trình đầu tiên sau lũ hướng đến học sinh vùng này.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

TRƯỜNG ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên