13/06/2024 09:29 GMT+7

Nhà ở cho thuê: Quản đến đâu?

Thực trạng người dân vừa kinh doanh vừa cho thuê nhà ở bộc lộ nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn. Nếu buông lỏng quản lý chắc chắn thảm họa chết người sẽ tiếp tục xảy ra.

Khu nhà trọ nằm sâu trong ngõ trên phố Phùng Khoang, quận Thanh Xuân (Hà Nội)

Khu nhà trọ nằm sâu trong ngõ trên phố Phùng Khoang, quận Thanh Xuân (Hà Nội)

Các vụ cháy nhà khiến nhiều người chết vừa qua ở Hà Nội là lời cảnh báo. Ngay lúc này, cần có giải pháp quyết liệt, nghiêm ngặt để mô hình cho thuê nhà dần được quản lý, đầu tư bài bản, tránh rủi ro cho người ở.

Nhà ở thành nhà cho thuê trọ

Tại TP.HCM, thực hiện chỉ đạo của UBND TP về việc rà soát nhà ở có nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ có mật độ người ở cao, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP cuối năm 2023, thống kê sơ bộ TP có khoảng 60.460 công trình nhà trọ do người dân xây dựng cho công nhân, người lao động thuê để ở.

Theo ghi nhận, trên đường số 9, phường Linh Trung (TP Thủ Đức) có căn nhà của ông K. được tận dụng làm nhà ở và ngăn phòng cho thuê. Căn nhà có bốn tầng, chủ nhà sử dụng tầng trệt và tầng 1 để gia đình ở, còn tầng 2 và tầng 3 được ngăn thành tám phòng cho thuê.

Căn nhà có mở lối thoát nạn bằng cầu thang ở ban công trổ sang ban công nhà hàng xóm, khi xảy ra hỏa hoạn có thể thoát bằng lối này và một lối thoát nạn khác ở tầng trệt.

Nhà trọ được trang bị hệ thống báo cháy, các thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) như bình chữa cháy, tiêu lệnh PCCC, bản chỉ dẫn thoát nạn... Giá thuê mỗi phòng từ 1,8 - 2 triệu đồng/tháng, phòng rộng chừng 12 - 15m2.

Còn anh T. (ngụ TP Thủ Đức) chuyên kinh doanh mô hình nhà ở riêng lẻ cao tầng. Anh T. cho biết anh tìm thuê lại những căn nhà cao tầng (khoảng 3 - 4 tầng), sau đó cải tạo các căn phòng thành phòng trọ riêng biệt để cho thuê.

Điển hình như một căn nhà bốn tầng ở phường Phước Long B (TP Thủ Đức) anh T. ngăn mỗi tầng thành năm phòng, tổng cộng có 15 phòng cho thuê với giá từ 2 - 5 triệu đồng. Anh T. tâm sự thời gian qua nhiều vụ cháy lớn ở các căn nhà trọ dạng nhà ống nên thấy bất an. Vì thế, anh thường xuyên nhắc nhở người thuê trọ chú ý khi nấu nướng, thay thế hoặc sửa chữa các thiết bị điện trong phòng.

"Trước đây các trang thiết bị trong phòng trọ tôi bố trí sơ sài. Nay tôi tìm hiểu về các thiết bị PCCC và mua thêm nhiều bình chữa cháy để ở các lầu, khu vực dễ xảy ra hỏa hoạn, dây điện nào không cần thiết tôi kêu thợ dẹp gọn bớt, không để rối ren dễ xảy ra chập điện, hỏa hoạn", anh T. chia sẻ.

Trong khi đó, tại Hà Nội, chị Lê Thị Nhàn (29 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết với mức thu nhập hiện tại thì chị cùng em gái đang học đại học thuê phòng trọ chỉ rộng dưới 20m2, có giá 3,7 triệu đồng/tháng (cả điện, nước), ở ngõ 84 đường Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng).

Chị Nhàn nói: "Nhà tôi thuê có ba tầng, mỗi tầng ba phòng, chủ nhà ở bên dưới. Trước đây hai bên hông nhà bị bịt kín, nhưng sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân năm 2023 khiến 56 người chết, chủ nhà đã đục thông, làm cánh cửa có khóa và trang bị thêm thang dây, bình chữa cháy các tầng. Tuy nhiên, khu trọ này ở trong ngõ sâu chỉ di chuyển bằng xe máy, nếu xảy ra cháy tôi rất lo".

Theo chị Nhàn, trong hợp đồng giữa chủ nhà và người thuê phần lớn chỉ có các điều khoản về thời gian đóng tiền nhà và phí dịch vụ mà không hề nhắc đến việc xảy ra hỏa hoạn hay mất trộm tài sản thì trách nhiệm sẽ ra sao. "Nếu xảy ra cháy nổ thiệt thòi ở khách thuê, nhưng do thu nhập có hạn nên nhiều người đành phải thuê các nhà trọ giá thấp trong ngõ sâu", chị Nhàn nói.

Ông Lê Đăng Doanh - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - nhận định nhu cầu thuê nhà, phòng trọ ngày một cao, rất cấp bách nhưng Nhà nước vẫn chưa giải quyết hết được.

"Nhu cầu lớn nên có nhiều khu vực để cơi nới thoải mái, chủ nhà bịt hết cả lối thoát hiểm. Cần nghiêm cấm hình thành mới các khu trọ trong ngõ hẻm mà các phương tiện chữa cháy không thể tiếp cận, không đáp ứng các điều kiện về PCCC.

Bên cạnh đó, cơ quan giám sát cần phải quy trách nhiệm, ví dụ để cơi nới vi phạm trật tự xây dựng sẽ bị xử lý ngay, đặc biệt là với công trình như lưu trú, khách sạn hay phòng trọ...", ông Doanh cho hay.

Ông Doanh nói về lâu về dài cần hướng đến quy hoạch bố trí các quỹ đất để phát triển nhà ở cho thuê phù hợp với nhu cầu, mật độ dân cư khu vực đó.

Chính sách nhà ở cho thuê đối với người có thu nhập thấp, sinh viên cần phải được ưu tiên, đưa lên hàng đầu để triển khai.

Chị L.T.Y. ( Thanh Hóa) với căn trọ thuê chi phí thấp - Ảnh: DANH KHANG

Chị L.T.Y. ( Thanh Hóa) với căn trọ thuê chi phí thấp - Ảnh: DANH KHANG

Thủ tục xây nhà trọ rắc rối

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, phần lớn nhà cho thuê trọ do người dân tự cải tạo, ngăn chia nhà ở mà thành. Năm 2020, Sở Xây dựng TP.HCM có ban hành quy định hướng dẫn về trình tự đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động thuê và hướng dẫn thẩm định thiết kế xây dựng công trình.

Theo đó, nếu công trình nhà trọ có tổng mức đầu tư xây dựng từ 20 tỉ đồng trở lên thì hộ gia đình, cá nhân phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và thực hiện dự án theo quy định đối với doanh nghiệp.

Nếu tổng mức đầu tư xây dựng dưới 20 tỉ đồng thì không cần thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và thực hiện theo hướng dẫn này.

Nhận xét về hướng dẫn trên, ông N.G.T.B., một người chuyên kinh doanh cho thuê trọ, cho hay hộ gia đình, cá nhân khó có điều kiện để thực hiện theo hướng dẫn của thành phố.

"Trong khi Luật Xây dựng, Luật Nhà ở chỉ quy định nhà ở riêng lẻ nếu có quy mô bình thường thì chỉ cần xin phép xây dựng ở UBND cấp huyện là được.

Đồng thời pháp luật cũng không hạn chế quyền kinh doanh nhà trọ của người dân...", ông B. nói. Vì vậy theo ông B., ngoài những trường hợp có đất rộng để xây dãy phòng trọ độc lập thì đa phần người dân sẽ lựa chọn việc chuyển các phòng của nhà ở riêng lẻ thành phòng trọ.

Ông B. ví dụ năm 2019 ông thuê căn nhà trên đường Nguyễn Văn Giai (phường Đa Kao, quận 1) với giá 70 triệu đồng/tháng.

Nhà này vốn là nhà ở, dài 14m, rộng hơn 4m, có năm tầng, một hầm để xe, thời điểm xây dựng nhà được thẩm duyệt PCCC. Thuê xong, mỗi tầng ông B. bố trí ba phòng cho thuê trọ, chủ yếu là người làm văn phòng ở khu vực trung tâm. Ông B. đăng ký kinh doanh diện hộ kinh doanh cá thể và đóng thuế đầy đủ.

Nhà ở (TP Thủ Đức) được cho thuê trọ - Ảnh: M.HÒA

Nhà ở (TP Thủ Đức) được cho thuê trọ - Ảnh: M.HÒA

Ai quản lý nhà cho thuê trọ?

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, với 60.460 công trình nhà trọ do người dân xây dựng cho công nhân, người lao động thuê để ở tại nhiều quận, huyện, TP Thủ Đức, phân thành hai nhóm.

Cụ thể: nhóm 1 là dãy phòng cho thuê độc lập có 34.800 công trình với tổng số phòng cho thuê là 357.246 và số người thuê tối đa là 943.341 người. Nhóm 2 là nhà ở riêng lẻ ngăn chia từng phòng để cho thuê có 25.670 công trình, với tổng số phòng cho thuê 202.973 phòng, tổng số người cho thuê tối đa 486.726 người.

Theo Sở Xây dựng, các quy định pháp luật về xây dựng, nhà ở có quy định đầy đủ các hoạt động xây dựng công trình nói chung và nhà ở riêng lẻ nói riêng, trong đó có nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ.

Qua thực tế kiểm tra các công trình vi phạm xây dựng cho thấy vi phạm chủ yếu tập trung vào các nhóm: chuyển công năng sử dụng từ nhà ở riêng lẻ sang cho thuê để ở; tăng số lượng phòng trong công trình nhà ở riêng lẻ; thêm tầng lửng tại các tầng và ngăn chia thành các phòng ngủ cho thuê.

Bên cạnh đó, gần đây để đáp ứng nhu cầu lưu trú đa dạng ở TP.HCM, nhất là các quận trung tâm xuất hiện các phòng, giường cho thuê được gọi là hộp ngủ (sleep box).

Theo kết quả kiểm tra sơ bộ vào cuối năm 2023 của Sở Xây dựng có 67 công trình (với hơn 2.165 hộp ngủ). Đây là các nhà ở riêng lẻ nhiều tầng được phân chia, ngăn thành các hộp ngủ với mật độ người ở đông, không đảm bảo an toàn, rủi ro tính mạng rất cao cho người ở.

Theo Sở Xây dựng, năm 2019 UBND TP.HCM đã ban hành quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Đồng thời năm 2022 Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng kết luận "công trình xây dựng sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, chuyển UBND cấp xã để tiếp tục theo dõi, giám sát; trường hợp phát sinh vi phạm trật tự xây dựng, UBND cấp xã lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định".

Xử lý nghiêm nhà ở riêng xây thành nhà nhiều căn hộ

Chủ tịch UBND TP.HCM vừa giao Sở Xây dựng, UBND các quận huyện, TP Thủ Đức, các đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ các điều kiện cấp giấy phép xây dựng cho nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân, nhà trọ có nhiều người ở.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ về PCCC, quản lý chất lượng công trình, trật tự xây dựng. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ đơn thuần nhưng sau đó bán hoặc cho thuê theo hình thức nhà nhiều tầng, nhiều căn hộ.

Kiên quyết xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm. Giao Công an TP thực hiện nghiêm việc thẩm duyệt thiết kế PCCC công trình. Thường xuyên kiểm tra an toàn phòng cháy với nhà ở nhiều căn hộ, nhà thuê trọ, đình chỉ hoạt động cơ sở không đủ điều kiện PCCC và cứu nạn cứu hộ.

Thủ trưởng các sở ngành, quận huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra các vi phạm pháp luật về PCCC và trật tự xây dựng trên địa bàn, gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.

Cháy nhà cho thuê gây chết người: Có cần quy chuẩn xây trọ?Cháy nhà cho thuê gây chết người: Có cần quy chuẩn xây trọ?

Liên tiếp các vụ cháy nhà cho thuê đặt ra bài toán cần bộ tiêu chuẩn xây dựng, trong đó quy định diện tích tối thiểu, không gian để hạn chế rủi ro.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: nhà cho thuê nhà trọ