Nhà ở cho công nhân tại TP.HCM: “Khoán trắng” cho tư nhân

DƯƠNG NGỌC HÀ 18/12/2021 19:00 GMT+7

TTCT - Tháng 10 vừa qua, trong một cuộc tiếp xúc cử tri, ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, đề cập việc nghiên cứu xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân và lao động nhập cư để giữ chân họ khi thành phố trở lại trạng thái "bình thường mới", sau khi đại dịch cho thấy một khiếm khuyết nghiêm trọng trong vấn đề này, khi chỗ ở của công nhân cũng là những điểm nóng bùng phát dịch và điều kiện sống của họ có quá nhiều bất ổn. Chỗ ở ổn định giúp người lao động (NLĐ) yên lòng gắn bó lâu dài với TP.HCM. Nhưng nhiều năm nay, công nhân các tỉnh đến TP.HCM làm việc đều phụ thuộc vào số lượng nhà trọ do tư nhân xây dựng.

 
 Một khu nhà trọ công nhân tại huyện Bình Chánh. Ảnh: TỰ TRUNG

 

Ở “thủ phủ” nhà trọ

Đối diện Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Thủ Đức) qua hầm chui Linh Xuân là khu nhà trọ dày đặc của phường Linh Xuân. Gần như nhà nào ở khu này cũng có từ vài phòng đến mấy chục phòng trọ.

Ông Tư, chủ nhà trọ ở mặt tiền đường số 4, khu phố 3, phường Linh Xuân, cho biết ông còn hai phòng trọ do công nhân mới về quê đầu tháng 10. Qua cánh cổng rộng hơn 1m là khoảng sân vừa là đường đi vừa là nơi để xe máy. Từ sân đi vào khu trọ 20 phòng phải qua hai cửa vuông góc với nhau. 

Ông Tư dẫn khách thuê trọ đi vào hành lang tầng trệt với hai dãy phòng hai bên. Hành lang tối lờ mờ nhìn không rõ mặt người. Phía trên, hai hàng áo quần của các phòng trọ kéo từ đầu đến cuối hành lang. 

Căn phòng ở tầng trệt, diện tích 2,2x4m, có bếp và nhà vệ sinh, gác là sàn gỗ thấp, đủ chỗ nằm cho 3 người. Ông Tư nói nếu 3-4 người ở thì giá 1,4 triệu đồng/tháng, ở một người ông lấy 1,3 triệu đồng.

Từ đường số 4 rẽ qua một đường nhánh xuống một khu nhà ở được phân lô vuông vắn, những dãy nhà trọ san sát. “Không ai ở khu này xin được giấy phép xây dựng nhà trọ đâu cô!” - ông Minh Hậu, một chủ trọ có 10 phòng, phân trần khi khách hỏi về giấy đăng ký kinh doanh nhà trọ. 

5 năm trước, khi tính xây dựng dãy trọ một trệt một lầu, ông Hậu cũng tìm hiểu về thủ tục xin giấy phép xây dựng để kinh doanh cho hợp pháp. Tuy nhiên, theo đúng quy định thì miếng đất của ông chỉ xây được 3 phòng trọ, còn lại là khoảng thông thoáng, phòng cháy chữa cháy…

Ông chuyển qua xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ cho hộ gia đình rồi nhờ một thầu xây dựng quen xây lén thành mỗi tầng 5 phòng trọ. “Cả khu này, mấy trăm nhà có phòng trọ đều xin phép xây nhà riêng lẻ rồi tự ngăn phòng như nhà tôi”, ông Hậu khẳng định.

Theo Sở Xây dựng, quận Bình Tân có nhiều phòng trọ nhất TP.HCM với gần 88.000 phòng, trong đó phường Tân Tạo A có nhiều phòng trọ nhất, với hơn 11.000 phòng. Dễ hiểu bởi khu vực này nằm gần một doanh nghiệp may mặc có số lượng công nhân lớn nhất nhì TP là Công ty Pouyuen Việt Nam. 

Gần như nhà nào của khu này cũng có phòng trọ. Những khu đất phân lô bán nền ban đầu cho xây dựng nhà ở liên kế thì nay được xây thành năm, bảy phòng trọ bé xíu. Mỗi dãy có một đường nội bộ rộng chừng 1m, lúc nào cũng lờ mờ tối, kể cả buổi trưa.

Ba nữ công nhân quê ở miền Trung là Sương, Giang và Hòa chia nhau ở trong một căn phòng hơn 10m2, suốt ngày phải mở đèn. Giang cho biết tiền phòng, điện và nước mỗi tháng hơn 700.000 đồng/người. 

Bình thường họ đi làm suốt ngày, ăn trong công ty, tăng ca đến gần 21h mới về nên chỗ ở chỉ để ngủ qua đêm, dành dụm thêm chút tiền gửi về quê phụ cha mẹ. Đợt dịch vừa qua, cả ba phải ở nhà gần 4 tháng trời nên mới thấm sự bức bí của chỗ ở này. 

“Tụi em phải lén ra ngoài đường ngồi hít thở khí trời. Ra ngoài đó mới hay cả xóm thiếu không khí chứ không phải chỉ mỗi phòng em. Nhưng phòng trọ thoáng hơn chút thì mắc lắm, riêng tiền thuê phòng phải hơn 1 triệu đồng/người/tháng, tụi em không đủ tiền trả” - Giang nói.

 

 

Không ai quản nhà trọ?

Tháng 4-2020, Sở Xây dựng có hướng dẫn hộ gia đình cá nhân xây dựng nhà cho NLĐ thuê ở. Trong đó, quy định diện tích sử dụng của phòng trọ không nhỏ hơn 10m2, chiều rộng thông thủy không nhỏ hơn 2,4m, chiều cao thông thủy chỗ thấp nhất không nhỏ hơn 2,7m. 

Phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ bảo đảm nhu cầu thông gió và chiếu sáng tự nhiên, nền nhà phải cao hơn mặt đường, nhà vệ sinh trong phòng phải có vách ngăn với phòng ngủ… Chủ nhà phải có quyền sử dụng đất hợp pháp, có giấy phép xây dựng…

Nhưng một quan chức của quận Bình Tân cho biết từ trước đến nay, rất ít trường hợp được cấp giấy phép xây dựng nhà trọ. Các chủ nhà chủ yếu xin phép xây dựng nhà riêng lẻ hoặc sửa chữa nhà cũ rồi lén cải tạo thành phòng trọ. 

Khi cơ quan chức năng phát hiện thì công trình đã xây xong, cũng có quyết định xử phạt, cũng có yêu cầu tháo dỡ, cưỡng chế nhưng thực tế rất khó tháo dỡ phần xây dựng, cải tạo không đúng giấy phép kiểu này. 

Cũng theo cán bộ này, rất nhiều phòng trọ không đủ chuẩn về diện tích, chiều rộng và chiều cao thông thủy. Đặc biệt, hiện vẫn còn những khu trọ sử dụng nhà vệ sinh chung, không có khu riêng cho nam và nữ…

Tại một hội nghị chuyên đề của Thành ủy TP Thủ Đức gần đây, ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết số lượng nhà trọ trên địa bàn TP Thủ Đức khá lớn, nhất là khu vực 2 và khu vực 3 (quận 9 và Thủ Đức cũ), trong đó có nhiều nhà trọ có chất lượng trung bình và dưới trung bình. 

Nhiều nhà trọ xây dựng không phép, sai phép, xin xây dựng nhà ở riêng lẻ phát triển thành nhà trọ quy mô cả trăm phòng trong khi các điều kiện về an toàn quy chuẩn xây dựng, an toàn về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Có những khu nhà trọ hàng chục phòng nhưng chỉ có 1-2 nhà vệ sinh.

Hậu quả là thời gian qua, từ các khu nhà trọ không đảm bảo này phát sinh các ổ dịch lớn không kiểm soát được.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, lãnh đạo UBND phường Linh Trung (TP Thủ Đức) cho biết phường này có hơn 2.500 phòng trọ, rất ít nhà trọ được cấp giấy phép xây dựng theo quy chuẩn. 

Mỗi khi có nhà ở riêng lẻ nào được cấp phép với diện tích lớn, UBND phường giám sát rất chặt để tránh xảy ra tình trạng biến tướng thành nhà trọ. Nhưng lãnh đạo phường này thừa nhận: hằng năm, số lượng nhà trọ trên địa bàn phường vẫn tăng do những công trình sai phép chưa tháo dỡ được. 

Muốn tháo dỡ, chính quyền phải xây dựng phương án và qua nhiều thủ tục thẩm duyệt từ kỹ thuật an toàn đến tài chính. 

Nhưng chính quyền lại thiếu kinh phí để tổ chức tháo dỡ, thực tế không có nhiều đơn vị có chức năng và chuyên môn làm công việc này, đó là trở ngại khiến việc tháo dỡ nhà xây trái phép càng thêm chậm. Vì vậy, các nhà trọ xây sai phép vẫn còn tồn nhiều cho đến nay.

Một khu nhà trọ công nhân tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh. Ảnh: TỰ TRUNG

 

Nhà lưu trú cho công nhân: quá hiếm

Khu nhà lưu trú cho công nhân của Quỹ phát triển nhà TP ở số 219 đường Lê Văn Chí, P.Linh Trung luôn được bảo vệ nghiêm ngặt như một chung cư cao cấp. 

Ai đến khu nhà phải có lý do, khách muốn gặp người nào trong khu nhà cũng phải đăng ký qua bảo vệ. Xe khách để ở khu vực riêng, xe của công nhân ở khu riêng, tránh nhầm lẫn, mất mát. Đang mùa dịch, người lạ đến khu nhà phải trình chứng minh đã tiêm đủ hai mũi vắc xin ngừa COVID-19 hoặc là F0 khỏi bệnh. Các tài xế giao hàng đều phải để hàng trên một cái bàn gần cổng bảo vệ cho người mua xuống nhận…

Bên trong khu nhà, hành lang được lau dọn hằng ngày, sạch sẽ và ngăn nắp. Một vài phòng dán bảng khu vực có F0 cách ly tại nhà. Ở đây còn có một khoảng sân dành cho thể thao, phòng gym, phòng đọc sách, hội trường để công nhân tổ chức các hoạt động tập thể.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, trưởng ban quản lý nhà lưu trú, cho biết hiện khu nhà cho các doanh nghiệp thuê để bố trí cho công nhân ở chứ không nhận công nhân ở tự do. 

Hiện có 39 doanh nghiệp đăng ký thuê và trả tiền hằng tháng 236 phòng của khu nhà lưu trú. “Nhiều doanh nghiệp tìm hỏi thuê nhà cho NLĐ ở nhưng chúng tôi không còn phòng để tiếp nhận”, bà Tâm nói.

So với nhà trọ bên ngoài, giá cho thuê trong khu nhà lưu trú khá mềm: phòng 10 người ở giá 2,5 triệu đồng/tháng. Phòng 6 người ở giá 1,2 triệu đồng/tháng và phòng cho 4 người giá 1 triệu đồng/tháng.

Bà Tâm cho biết trong đợt cao điểm dịch COVID-19 vừa qua, trong khu nhà lưu trú 219 không có trường hợp nào bị dương tính.

Khu nhà lưu trú công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung II (P.Bình Chiểu) do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng sản xuất dịch vụ du lịch Thiên Phát làm chủ đầu tư cũng luôn kín người. Khu nhà có gần 400 căn hộ, mỗi căn rộng 35m2 có bancông, phòng khách, phòng bếp, nhà vệ sinh, phòng tắm và phòng ngủ. 

Công nhân muốn đăng ký thuê chỗ ở tại nhà lưu trú Thiên Phát phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn và chờ cho đến khi có chỗ trống.

Theo Sở Xây dựng, TP.HCM hiện có 12 nhà lưu trú cho công nhân với 15.000 chỗ ở. Tuy nhiên, hầu hết các khu nhà lưu trú này đã được sử dụng khoảng 10 năm về trước. Năm 2018, Công ty Thiên Phát được chấp thuận chủ trương đầu tư thêm một khu nhà lưu trú nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công được.

Sở Xây dựng cũng cho biết hiện có gần 20 dự án nhà ở cho công nhân đang triển khai nhưng chưa nói được tiến độ hoàn thành do nhiều dự án chưa xong khâu bồi thường giải phóng mặt bằng.

Mới đây, lãnh đạo TP Thủ Đức cho biết dự kiến quy hoạch ba khu đất để làm nhà ở cho công nhân và NLĐ làm việc trong Khu công nghệ cao TP. Ba khu đất diện tích hơn 90ha, tiếp giáp khu công nghệ, có thể đáp ứng được hơn 80.000 chỗ ở cho công nhân và NLĐ.

Trước đó, UBND quận 7 cũng đề xuất với UBND TP được sử dụng tạm 8 vị trí đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, có thể đáp ứng được chỗ ở cho 30.000 NLĐ.

Quận Bình Tân, huyện Bình Chánh cũng đang tìm chỗ xây dựng nhà lưu trú cho công nhân nhưng đến nay chưa thấy đề xuất quỹ đất hay có dự án nào. 

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, đến năm 2020, toàn TP có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao và 16 cụm công nghiệp với khoảng 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, ước lượng hơn 400.000 công nhân đang làm việc, khoảng 70% số công nhân (280.000 công nhân) từ các tỉnh khác đến TP.HCM cần thuê chỗ ở.

Hiện trên địa bàn TP có 5.514 phòng với hơn 286.000m2 nhà lưu trú cho công nhân, có khoảng 560.000 phòng trọ tương ứng khoảng 10 triệu m2 sàn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận