Những hy vọng thắp lên từ màu xanh mát mẻ và tươi non - Ảnh: MINH PHÚC
Má lên Sài Gòn lúc con gái đi mổ chỉ trước đợt giãn cách 2 ngày, kẹt lại luôn không về được. Một người anh kế tôi ở Bình Chánh cũng vừa mất việc. Vốn dĩ hay lo, má tôi "rầu rĩ hết sức" dù biết thể nào đám con cũng xoay trở được.
Hũ gạo trấn an
Tuy anh em tôi không thường xuyên thăm nom nhau nhưng không có cái cảm giác xa dịu vợi như lúc này. Vậy là chỉ còn cách online để thấy mặt, để chia sẻ những tin tức tốt đẹp, lành mạnh, nhắc nhở nhau mỗi ngày những điều nho nhỏ, kịp trấn an nhau khi ai đó xuống tinh thần. Dù sao, luôn cảm thấy NHÀ ở bên mình cũng là liệu pháp để tăng "chất lượng sống".
Vậy nhưng cũng thắt lòng khi nhìn thấy bữa cơm sáng người anh từ dưới quê chụp gửi vào nhóm gia đình, mấy cọng củ sắn xào, dĩa rau muống tím hái ngoài vườn cùng "đặc sản" là... 2 con chuột cơm chiên sả. Qua điện thoại, anh vẫn cười khì, nói nhà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, miễn là hũ gạo còn đầy. Đến giờ, anh vẫn giữ thói quen về "hũ gạo trấn an" lúc nhỏ. Tức là, ngày xưa khổ cực, thiếu thốn, anh em tôi luôn "thăm chừng" hũ gạo, hễ thấy còn đầy là có thể an tâm... ngủ ngon.
Đứa bạn tôi trên này cũng thấp thỏm khi quê nhà còn ba má. Ở một xã vùng quê, dễ gì đặt được thực phẩm online. Người lớn tuổi lại ở quê. Bạn tìm mọi cách "tiếp tế" ngược từ Sài Gòn về. Nói là "tiếp tế ngược" bởi nào giờ hầu như chỉ có những đứa xa quê như bạn, như tôi luôn được nhận lương thực của người thân từ quê nhà. Những trái ổi, trái xoài, nải chuối, mớ rau vườn... "bay" theo các chuyến xe, ghé lại những căn bếp của chúng tôi, là món được "để dành" lên phố.
Nhưng trong đại dịch này, người quê kẻ chợ đều chung một cảnh và (chắc là) sẽ chỉ thở phào nhẹ nhõm khi biết người nhà mình vẫn khỏe.
Tự mình "chữa thương"
Đợt giãn cách của mùa dịch năm trước, nhiều người ít nhiều vẫn còn "tận hưởng" chuyện làm việc ở nhà. Lần này, đã trải qua nhiều tuần lễ "làm việc tại nhà", cách ly khắc nghiệt hơn và dịch vẫn còn kéo dài, bụng dạ ai cũng đầy xáo trộn.
Làm việc tại nhà tức là người phụ nữ luôn có một ngày dài (và vất vả) vừa đảm bảo việc cơ quan, họp hành online, vừa nấu ăn ngày ba bữa, nghĩ cách chơi cùng con cái để bọn trẻ không phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị điện tử...
Và bên cạnh, người chồng cũng nối dài "cánh tay online" để đảm đương các công việc, các mối quan hệ xã hội... trong mối lo lắng về thu nhập có thể đang hoặc đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, hẳn là "sống sót" còn quan trọng hơn là "sống tốt".
"Sống sót" - là tồn tại được và giữ cho mình bình tĩnh. Không có cách nào khác hơn là tự mình phải "chữa thương" cho chính mình. Như cách bạn tôi, mỗi ngày sẽ xem một phim hoạt hình cùng con để giữ cho mình lạc quan hơn. Ngay cạnh nhà bạn là khu cách ly tạm thời của những trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ. Chiều chiều, tiếng loa gọi người lên tuyến trên dội qua nhà nghe rõ mồn một, dễ gì không mau xuống tinh thần nếu không tự làm gì đó để vực dậy.
Một người bạn khác cặm cụi gieo cải, trồng hành trong chậu xốp rồi tặng hàng xóm, làm chỉ để có cái gì đó chăm sóc, thả mình vào. Để có cái gì đó màu xanh mát mẻ và tươi non mà thư giãn tâm hồn trong ngôi nhà hẹp.
Một bạn kia hẻm nhà giăng dây đến lần thứ 3 từ đầu mùa dịch vẫn tận hưởng ly cà phê tự pha mỗi sáng. Uống cạn ly cà phê, bạn sẽ lại lao vào online cùng với nhóm bạn, tính chuyện phát rau củ ở những chỗ cách ly, chuyển những khoản tiền nho nhỏ nếu không tự tay làm được. Chia sẻ cũng là cách để hy vọng.
"Sống sót" ngay bây giờ rất khác với cảnh ngày khốn khó xưa. Bởi hũ gạo trấn an hay tủ lạnh núc ních đồ ăn cũng vậy thôi, nếu lòng đầy bi quan thì đời sống nào cũng uể oải cả. Thành ra, "sống sót" tức là giữ cho mình biết cười, giữ hy vọng, tận hưởng chút bình yên nhỏ nhoi và bằng lòng với không gian chật hẹp mà không thấy bức bối.
"Sống sót" còn là niềm hạnh phúc được ở bên nhau với những thành viên trong gia đình mình, ngay giờ phút này!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận