Theo nghị quyết, vùng nuôi chim yến là vùng nằm ngoài khu dân cư và quy hoạch đất khu dân cư, khu vực quy hoạch đất quốc phòng, quy hoạch đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, nhà nuôi yến phải đảm bảo khoảng cách đến khu dân cư tối thiểu 300m.
Đối với các tổ chức, cá nhân nuôi chim yến trước ngày nghị quyết có hiệu lực thi hành nhưng không đáp ứng các điều kiện nêu trên thì phải giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới.
Đồng thời, thực hiện theo các quy định tại khoản 2, điều 25, nghị định 13 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.
Cụ thể, ngoài giữ nguyên trạng, chủ cơ sở nuôi yến còn phải có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định; có hồ sơ ghi chép, lưu trữ thông tin về hoạt động nuôi chim yến; thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA; thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5h-11h30 và từ 13h30-19h mỗi ngày…
Theo ghi nhận, Bình Phước có nhiều điều kiện thuận lợi cho chim yến sinh trưởng, phát triển. Những năm trở lại đây, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã đầu tư nuôi chim yến.
Tuy nhiên, phần lớn các hộ này phát triển tự phát, cơi nới từ nhà ở, gần khu dân cư nên ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh. Đặc biệt là âm thanh phát ra từ loa dẫn dụ cũng như vấn đề ô nhiễm tiếng ồn.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh có khoảng 1.400 nhà dẫn dụ nuôi chim yến. Thị xã Chơn Thành, Phước Long, thành phố Đồng Xoài và huyện Bù Đăng là các địa phương tập trung nhiều nhất.
Trong đó, diện tích các nhà yến dao động 100-200m2, có nhà lên đến 1.000m2. Tuy nhiên, sản lượng tổ yến không đồng đều và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trung bình mỗi nhà thu hoạch khoảng 4kg tổ yến thô/năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận