Hằng năm Việt Nam đầu tư 100% cho một số bộ phim của hãng phim nhà nước, gọi là phim đặt hàng, nhưng làm xong thường "cất kho". Ít có phim tư nhân được giúp tiền.
Chỉ duy nhất một bộ phim tư nhân được đầu tư, đã đạt hiệu quả lớn không chỉ về thương mại là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, sản xuất năm 2015.
Nhiều vấn đề về phương thức đầu tư cho điện ảnh sao cho hiệu quả được gợi mở từ hội thảo điện ảnh quốc tế Chính sách và giải pháp phát triển công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Hội thảo do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức chiều 14-3 tại Hà Nội, trực tuyến với các diễn giả tại Anh, Đan Mạch, Indonesia.
Ưu tiên đầu tư cho phim trẻ em, phim độc lập
Từ Đan Mạch, ông JacobNeiiendam - trưởng ban quốc tế tại Viện phim Đan Mạch - mang tới những thông tin thú vị về việc nhà nước đầu tư cho điện ảnh ở đất nước này.
Theo đó, nhà nước không hỗ trợ 100% cho phim nào mà để nhiều thành phần cũng tham gia phát triển điện ảnh. Và nhà nước đầu tư trong nhiều khâu, từ đào tạo nhân lực, quảng bá, phát hành phim, sản xuất phim...
Ngoài ra, ở Đan Mạch, Quỹ điện ảnh dành 25% để đầu tư cho phim trẻ em, dành đầu tư cho đạo diễn trẻ làm phim đầu tay.
Chính sách đầu tư cho điện ảnh ở Anh cũng tương tự ở chỗ nhà nước đầu tư toàn diện cho nhiều khâu của ngành điện ảnh chứ không phải chỉ cho tiền làm phim.
Indonesia có tới 27 liên hoan phim, trong đó có những lễ hội phim được thiết kế bởi những đối tác quốc tế đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản.
Còn Thái Lan có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế để thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến làm phim tại nước này.
Đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi.
Từ trường hợp Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Có một ví dụ về chuyện nhà nước đầu tư cho phim được bà Ngô Phương Lan - chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam - đưa ra tại hội thảo rất đáng suy nghĩ.
Đó là trường hợp Nhà nước lần đầu tiên đầu tư cho một phim tư nhân và đã thu được hiệu quả rất thành công, không chỉ về mặt thương mại, với 80 tỉ đồng doanh thu. Đó là phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh năm 2015.
Khi đó bà Ngô Phương Lan còn là cục trưởng Cục Điện ảnh. Phải mất 2 năm mày mò để Nhà nước đồng ý tài trợ cho phim này 8 tỉ đồng (khoảng 70% dự toán làm phim).
Khi ra rạp, phim không chỉ thành công về doanh thu, mà còn giúp phát triển du lịch cho tỉnh Phú Yên - nơi có bối cảnh của những cảnh quay đẹp trong phim.
Thành công của bộ phim đã giúp điện ảnh nước nhà thời điểm đó chuyển từ dòng phim thị trường khai thác yếu tố sốc, sex... sang xu hướng làm phim quay trở về ký ức tuổi thơ trong sáng, lãng mạn.
Đây là bộ phim hiếm hoi mà Nhà nước đặt hàng nhưng thành công ngoài rạp chiếu.
Từ trường hợp này, vấn đề hợp tác công tư trong lĩnh vực điện ảnh được đặt ra.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông tại hội thảo cũng hứa hẹn về việc Nhà nước đang quan tâm tới việc thí điểm hợp tác công tư trong ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là công nghiệp điện ảnh.
Nhà làm phim Việt hãy kể câu chuyện Việt cho người Việt trước khi đến với thế giới
Về câu chuyện Nhà nước nên mở rộng hơn quỹ đầu tư cho điện ảnh, TS Đào Lê Na (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) nói lâu nay các nhà làm phim trẻ, nhà làm phim độc lập Việt Nam phải tìm đến các quỹ điện ảnh quốc tế.
Tuy nhiên các quỹ này (thường đến từ châu Âu) khá phức tạp và có chút màu sắc chính trị.
Vì vậy người Việt nên tự mở các quỹ điện ảnh nhiều hơn để hỗ trợ cho các nhà làm phim Việt, tránh tình trạng các nhà làm phim Việt phải lựa chọn các câu chuyện theo hướng chiều lòng các quỹ điện ảnh quốc tế, để có được tài trợ làm phim.
Ông Nguyễn Trinh Hoan - nhà sáng lập HK Film - rất tán thành với ý kiến này. Ông cho rằng các nhà làm phim Việt phải kể câu chuyện Việt Nam cho người Việt nghe trước khi đến với thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận