Sách vừa có ấn bản tiếng Việt qua bản dịch của Nguyễn Thị Hiệp (Viện Khảo cứu cao cấp Pháp), Alpha Books & NXB Đà Nẵng ấn hành.
Quyển sách thể hiện gần như mọi quan điểm của Lévi-Strauss trong nhiều lĩnh vực liên quan đến khoa học nói chung và nhân học nói riêng, bao quát rất nhiều chuyên ngành từ tự nhiên đến xã hội, từ sinh học đến khảo cổ học, từ kinh tế hiện đại đến các huyền thoại xa xưa.
Đặc biệt, trong bối cảnh mà toàn thế giới đang đối mặt với đại dịch COVID-19, ta lại thấy tác giả từng lý giải vì sao các xã hội "nguyên thủy" lại có thể duy trì được sự sống nội tại và không bị đe dọa bởi những rủi ro từ bên ngoài như dịch bệnh chẳng hạn.
Thật vậy, theo tác giả, các xã hội bị cho là "bị bỏ rơi", bị "vứt" ra ngoài lề trong tiến trình phát triển và có nguy cơ bị tuyệt chủng lại là những xã hội có những hình thái tổ chức xã hội độc đáo. Một trong những nét độc đáo là các xã hội này thường duy trì tỉ lệ sinh rất thấp - thường dưới 1% - chỉ đủ để bù đắp cho số người chết đi. Tại sao họ lại làm như thế? Họ duy trì dân số vừa đủ để loại bỏ những dịch bệnh trong cộng đồng.
Theo các nhà dịch tễ học, virus của những dịch bệnh chỉ sống trong cơ thể người một thời gian nhất định và bắt buộc phải di chuyển thường xuyên. Như vậy, virus chỉ có thể tồn tại lâu dài ở những cộng đồng có quy mô lớn vì khi đó có đủ "cơ thể người" để trú ngụ.
Các cộng đồng nguyên thủy duy trì tỉ lệ tăng dân số thấp, các hoạt động thể chất với cường độ cao, chế độ ăn uống đa dạng với nhiều chủng loại động thực vật, ít chất béo và nhiều chất xơ... đã giúp họ đối chọi tốt trước các dịch bệnh và gần như tránh được nạn béo phì, huyết áp cao và rối loạn tuần hoàn máu.
Thậm chí "căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS" có thể đã chung sống hài hòa với những bộ lạc thổ dân ở châu Phi từ hàng ngàn năm nay và chỉ trở thành đại dịch khi xâm nhập các xã hội hiện đại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận