Nhân viên giao hàng cho khách đặt mua online tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM ngày 23-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngay cả các trung tâm thương mại hiện đại cũng đang chịu sức ép từ các kênh bán lẻ trực tuyến. Các doanh nghiệp bán lẻ lớn của VN và có vốn nước ngoài đều đang đầu tư mạnh phát triển bán lẻ qua mạng.Việt Nam
Nhà nhà "lên sàn"
Bà Vưu Lệ Quyên, Phó tổng giám đốc Biti’s, cho biết từ năm 2012, doanh nghiệp này bắt đầu liên kết với các kênh bán hàng trực tuyến, đưa hàng lên đây bán bên cạnh hệ thống cửa hàng, đại lý truyền thống như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng có sẵn.
Kênh bán hàng mới đã giúp thương hiệu này tiếp cận hơn 23 triệu khách hàng trẻ, tăng độ nhận biết thương hiệu.
"Khoảng 30% sản phẩm mới đã được chúng tôi chọn phân phối qua kênh thương mại điện tử với doanh số chiếm khoảng 5%" - bà Quyên cho biết.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Dù đang đi thuê mặt bằng, nhiều cửa hàng tại các trung tâm thương mại cũng đầu tư mạnh để có thêm kênh bán hàng trên mạng. Thậm chí, có cửa hàng đã bỏ việc thuê chỗ bán hàng đắt đỏ để rút vào ngõ sâu, chỉ bán hàng qua mạng.
Các nhà bán lẻ lớn không bỏ qua xu hướng mới. Vincom, Lotte, Aeon hay Saigon Co.op... cũng đang phát triển trang bán hàng qua mạng với nhiều chương trình khuyến mãi, quảng bá lớn.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc kinh doanh Unilever VN, các nhà bán lẻ ngoại mạnh dạn đầu tư vào bán hàng trực tuyến là điều dễ hiểu do nền tảng sẵn có ngay tại quốc gia mình. Điều tích cực của thị trường hiện nay là sự tham gia mạnh mẽ của các nhà bán lẻ trong nước.
Theo đại diện trang thương mại Adayroi, ngoài các sản phẩm nội bộ của Vingroup (như Vinmec, Vinpearl, VinMart, VinEco, VinPro, VinDS...), trang này còn phối hợp đưa sản phẩm của các nhà cung cấp uy tín đang có mặt trong hệ thống trung tâm thương mại Vincom lên sàn điện tử, phục vụ đầy đủ nhu cầu cuộc sống của gia đình Việt.
Trong năm 2017, điện tử - xe tiếp tục là ngành hàng mang lại doanh số cao nhất, nhưng tiêu dùng tổng hợp lại là ngành có số lượng đơn hàng nhiều nhất của Adayroi.
Là thành viên của Tập đoàn Vingroup, Adayroi có sẵn lợi thế hệ thống siêu thị VinMart và các sản phẩm rau củ quả sạch VinEco.
Đặc biệt, đây cũng là đơn vị duy nhất bán trực tuyến ôtô - xe máy cũng như bán độc quyền các sản phẩm của Vinmec như gói dịch vụ thai sản kết hợp lưu trữ máu cuống rốn, gói sàng lọc ung thư...
Du lịch giải trí cũng là ngành có tỉ lệ tăng trưởng cao nhờ cung cấp những voucher, combo nghỉ dưỡng tại Vinpearl với dịch vụ tốt nhất cùng mức giá ưu đãi.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, thay vì đến tận siêu thị để mua bó rau, con cá... như trước, người tiêu dùng hiện đã chấp nhận lên mạng chọn hàng được giao tận nhà. Thậm chí, nhiều người còn mua hàng để tặng, nhờ giao cho một người ở thành phố khác.
"Nhu cầu về sự tiện lợi sẽ trở nên nhiều hơn bao giờ hết để tiết kiệm thời gian cho cuộc sống cá nhân" - ông Sơn phân tích.
Cơ hội vì khách nhiều hơn
Không phải ngẫu nhiên nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn đầu tư rất mạnh vào thương mại điện tử. Theo một báo cáo mới đây của Kantar Worldpanel (hãng nghiên cứu thị trường đa quốc gia), gần 6% hộ gia đình thành thị ở VN đã trải nghiệm mua sắm trực tuyến cho ngành hàng tiêu dùng nhanh ít nhất một lần trong năm.
Và khi mua hàng, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn gấp 3-4 lần so với mức trung bình vì không cần phải mang tất cả lên xe của họ.
Cuộc đua khốc liệt
Năm 2017 được xem là năm tăng trưởng vượt bậc của Adayroi với tổng số đơn hàng tăng gấp 2 lần, giá trị giao dịch tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Website Adayroi luôn giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường về mức độ hài lòng của khách hàng với hơn 60% phản hồi tích cực trên mạng xã hội.
Trong khi đó, sau hơn 9 tháng hoạt động tại Việt Nam, trang thương mại của Lotte đã đạt cột mốc 1 triệu đơn hàng. Theo ông Kim Kyou Sik - CEO trang thương mại điện tử Lotte.vn, tập đoàn này sẽ đầu tư 25 triệu USD vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam, chấp nhận một cuộc chơi lâu dài.
Đầu tháng 10-2017, sàn thương mại điện tử Lazada tung ra chính sách giảm hơn 50% chi phí hoa hồng cho nhà bán hàng.
"Số lượng các đơn hàng hiện đã tăng trưởng đến một quy mô đủ lớn sẽ là cơ sở để chúng tôi bắt đầu cắt giảm hoa hồng cho các nhà bán hàng" - Alexandre Dardy, giám đốc điều hành Lazada VN, nói.
Ngoài ra, việc nhận vốn từ Alibaba cũng đã giúp Lazada có nhiều hơn điều kiện để thực hiện các chính sách "kích cầu". Động thái của Lazada cho thấy thị trường thương mại điện tử đã bước vào giai đoạn khốc liệt hơn.
Trong khi đó, từ đầu năm 2017, Vingroup đã đầu tư tới gần 100 tỉ đồng với dàn xe Camry làm giải thưởng tặng khách may mắn có... thẻ khách hàng thân thiết.
Với hệ thống dịch vụ sản phẩm đa dạng, liên kết ưu đãi, giảm giá từ du lịch, nghỉ dưỡng lẫn mua sắm hằng ngày, hệ thống sản phẩm dịch vụ của tập đoàn này đã có một lượng khách hàng thường xuyên khổng lồ, kích thích tiêu dùng khép kín các sản phẩm, dịch vụ của chính họ cung cấp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán lẻ trên mạng cơ bản ít đặt mục tiêu thu hồi vốn trong thời gian ngắn hạn.
Ông Kim Kyou Sik cho biết mục tiêu từ đây đến năm 2020, tập đoàn này sẽ đầu tư 100 triệu USD/năm. Adayroi cũng đang tập trung để thu hút được nhiều nhãn hàng uy tín tham gia sàn thương mại điện tử của mình nhằm có các sản phẩm chất lượng, phù hợp với người tiêu dùng, cũng như đẩy mạnh hệ thống giao vận để tạo nên những lợi thế riêng.
Nhiều nhà bán lẻ đều kỳ vọng lớn vào doanh thu bán lẻ qua mạng với thế hệ người tiêu dùng mới sẽ phá vỡ hoàn toàn cách thức mua sắm trước đây. Hiện các nhà bán lẻ đang đầu tư lớn, liên kết với các nhà sản xuất và doanh nghiệp dịch vụ thanh toán nhằm đem đến nhiều khuyến mãi, tiện lợi hơn cho khách hàng.
Dịch vụ giao nhận tăng trưởng nhanh
Cùng với sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử Việt Nam, các dịch vụ giao nhận phục vụ thị trường này ngày càng sôi động, mở ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Các đại gia trong lĩnh vực giao nhận thế giới như UPS, DHL hay Fedex đều có hoạt động triển khai đón đầu tiềm năng phát triển thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, ngành giao nhận vận tải tại Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt mức doanh thu 1,4 tỉ USD vào năm 2019.
Trong khi đó, ông Thomas Harris, giám đốc điều hành DHL eCommerce VN, cho rằng các giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam mới chỉ chiếm 1% thị trường chung, có nghĩa 99% còn lại sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh trong 3 năm tới. Do đó, việc đầu tư hiện nay là mang tính chiến lược, lâu dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận