09/03/2017 09:51 GMT+7

Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn 'bất yếm, bất quyện'

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Nhiều thế hệ học trò của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (1926-2011) đều nhìn nhận ông chính là nhà giáo “bất yếm bất quyện” (không mệt không chán - hai đức tính đáng quý của một người thầy).

Ảnh: L.Điền
Ảnh: L.Điền

Sau khi giáo sư Nguyễn Tài Cẩn qua đời, các học trò và giới chuyên ngành ngôn ngữ học tưởng niệm ông bằng hàng loạt bài viết mang đậm tính học thuật.

Đây thực sự là những tiểu luận có hàm lượng kiến thức cao, được viết ra từ những chuyên gia đang nối bước một bậc thầy, chứ không phải là những lời ca ngợi suông khi ai đó nằm xuống như thường thấy.

Bản thảo được tạp chí Văn Hóa Nghệ An hình thành từ mấy năm trước, nay được NXB Tổng Hợp TP.HCM bổ sung và tái bản với tên gọi Nguyễn Tài Cẩn - học giả “bất yếm bất quyện”.

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã dành trọn cả đời đóng góp cho ngành ngôn ngữ và văn hóa nước nhà, đặc biệt trong lĩnh vực Hán Nôm và văn bản học. Có thể tìm thấy ở tập sách này những ghi nhận của các nhà ngôn ngữ về vai trò cực quan trọng của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn trên hành trình nghiên cứu về chữ Nôm của học giới nước ta.

Quan trọng đến mức những phương pháp và đề xuất của ông có tính tiên phong, tạo ra bước ngoặt quan trọng “trước và sau Nguyễn Tài Cẩn” trong quá trình nghiên cứu chữ Nôm ở ta (bài của Nguyễn Tuấn Cường).

Hoặc như những ghi nhận quan trọng khác, khiến cho tập sách như một hồ sơ thu gọn, vừa giới thiệu chuyên sâu các công trình học thuật mà cả đời giáo sư đã đóng góp, vừa gợi nhắc những kỷ niệm trong quan hệ sư đệ, đồng nghiệp mà thực chất cũng là một nội dung “thân giáo” còn hữu ích cho nhiều thế hệ mai sau: Ba tiểu khúc về thầy Nguyễn Tài Cẩn (Đinh Văn Đức), Mấy mẩu ký ức về giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (Hoàng Dũng), Tôi đã ghi nhớ và làm theo lời thầy dạy (Nguyễn Thiện Giáp), Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, một tài năng trong bao niềm cay đắng và vinh quang (Hữu Đạt)...

Đặc biệt tập sách còn một phần giới thiệu 10 bài nghiên cứu quan trọng của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn về Truyện Kiều, chữ Nôm, văn bản bài thơ Phạm Quý Thích, câu văn của Hồ Chủ tịch..., chỉ là những chọn lọc rất nhỏ từ cả sự nghiệp của giáo sư, nhưng qua đó cũng có thể truyền cảm hứng cho những bạn đọc đang nặng lòng với văn học cổ và vốn ngôn ngữ của nước nhà.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên