Cô Kate Bartlett khi đang hát bài Bụi phấn để gửi tặng các thầy cô giáo Việt Nam nhân ngày 20-11 - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ cung cấp
"Ca sĩ" này là cô Kate Bartlett, nhà ngoại giao Mỹ đến từ bang Florida.
Bartlett hiện là tùy viên văn hóa thuộc phòng văn hóa - thông tin, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Hôm 19-11, cô Bartlett đã chia sẻ với Tuổi Trẻ về quá trình thu âm bài hát gửi tặng các thầy cô giáo Việt Nam.
Giáo dục giúp mở ra những cánh cửa. Giáo dục cho tôi cơ hội nhận học bổng để đến Indonesia, Tajikistan, và đến nhiều quốc gia khác nhau để tìm hiểu về thế giới tươi đẹp này.
Cô Kate Bartlett
Giáo dục mở ra những cánh cửa
* Cô đã hát bài Bụi phấn bằng tiếng Việt để gửi lời chúc đến các thầy cô giáo ở Việt Nam nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11. Cô đã luyện tập như thế nào?
- Vâng, đó là cả một quá trình dài. Không đơn giản như chuyện sáng sớm tôi thức dậy và tuyên bố "tôi sẽ hát đây".
Trước tiên, tôi phải hiểu nghĩa từng từ trong bài hát. Có nhiều từ tôi không biết, chẳng hạn từ "bụi phấn" - tên bài hát và ý nghĩa của nó. Tôi ngồi với cô giáo dạy tiếng Việt của mình, hỏi nghĩa và cô giải thích cho tôi hiểu.
Sau đó, tôi học thuộc lời bài hát. Tôi đi dạo quanh khu phố, nhớ đến lời bài hát trong đầu và hát ngân nga.
Thách thức của tôi khi hát Bụi phấn chính là phần phát âm tiếng Việt. Tôi phải phát âm các từ tiếng Việt sao cho đúng. Đôi lúc khi tôi nói tiếng Việt mọi người không hiểu, và tôi phải sửa phát âm của mình.
Khi thực hiện bài hát này, ở phần đầu, chúng tôi cố gắng theo giai điệu gốc, thể hiện sự nghiêm túc của việc dạy và học, bày tỏ sự tôn kính với thầy cô giáo.
Trong phần thứ hai, chúng tôi làm cho bài hát vui tươi hơn, cho thấy việc dạy học thật vui và giáo dục mang lại cho chúng ta hy vọng. Từ lúc bắt đầu đến khi hoàn thành, tôi mất khoảng 2 tuần.
* Từ trải nghiệm của bản thân, cô nhận định như thế nào về tầm quan trọng của giáo dục?
- Giáo dục giúp mở ra những cánh cửa. Việc học tốt ở trường trung học đã giúp tôi có một nền giáo dục tốt và bước vào đại học.
Giáo dục cho tôi cơ hội nhận học bổng để đến Indonesia, Tajikistan và đến nhiều quốc gia khác nhau để tìm hiểu về thế giới tươi đẹp này. Do đó, không có giáo dục sẽ không có cơ hội để học hỏi. Giáo dục đã mang đến sự nghiệp của tôi.
Thật thú vị vì hiện tại với vai trò là tùy viên văn hóa, tôi làm việc về văn hóa, giáo dục và các chương trình trao đổi.
Tôi nghĩ rằng mình đang giúp những người khác thực hiện ước mơ của họ, chẳng hạn bằng cách tạo điều kiện để sinh viên Việt Nam sang Mỹ theo học các chương trình như chương trình học bổng, trao cơ hội cho sinh viên Mỹ đến Việt Nam theo các chương trình như Fulbright. Tôi nghĩ rằng những loại cơ hội giáo dục này sẽ mở ra nhiều cánh cửa.
Quảng bá di sản Việt Nam
* Cô có thể kể về công việc và cuộc sống hiện tại ở Hà Nội?
- Chúng tôi tìm kiếm các cách khác nhau để làm đối tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, để kết nối nhân dân và hai đất nước chúng ta với nhau.
Hai lĩnh vực chính của chúng tôi hiện nay là các chương trình trao đổi để tạo ra cơ hội cho người Việt Nam đi du lịch, học tập ở Mỹ và người Mỹ sang Việt Nam, và văn hóa. Chúng tôi tin các chương trình trao đổi có tác động lớn đến các cá nhân cũng như chuyên môn nghề nghiệp, học vấn, văn hóa...
Người Mỹ học hỏi được rất nhiều từ những người Việt Nam đến sống ở địa phương họ. Tương tự, tôi cũng hy vọng người Việt Nam có thể học từ những người Mỹ đến Việt Nam.
Về văn hóa, chúng tôi đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ để quảng bá di sản văn hóa của Việt Nam. Mọi người đều biết Việt Nam là một đất nước có lịch sử lâu dài với bản sắc văn hóa đậm đà.
Đây là điểm nhấn hấp dẫn du khách. Chúng tôi muốn giúp các bạn bảo tồn những nét văn hóa độc đáo này, để hồn cốt của nó được truyền cho các thế hệ sau qua chương trình quỹ bảo tồn văn hóa của đại sứ. Quỹ này hoạt động như một cuộc thi.
Chúng tôi đang làm việc cùng các đối tác ở Việt Nam về đề xuất dự án và hy vọng một di sản của Việt Nam sẽ được chọn trong năm nay.
Năm 2018, chúng tôi đã tài trợ 92.500 USD để tu sửa mái vòm và bảo tồn cổng thành phía nam Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa. Từ năm 2001, nhiều dự án giúp tu bổ, bảo tồn vốn di sản phong phú của Việt Nam đã được trao tài trợ với số tiền tổng cộng hơn 1,13 triệu USD.
* Trong nhiệm kỳ 3-4 năm của mình, cô có kế hoạch khám phá Việt Nam ra sao?
- Tôi rất muốn đến nhiều nơi ở Việt Nam, khám phá Hà Nội và các nơi khác. Với chuyến đi đầu tiên, tôi dự định sẽ đến TP.HCM.
Tôi chưa bao giờ đến TP.HCM nhưng đã nghe nhiều về nơi này. Tôi có những người đồng nghiệp tốt tôi muốn gặp ở đó. Tôi cũng muốn đến thăm Trường đại học Fulbright và tìm hiểu các hoạt động của họ.
Ngoài ra, tôi muốn lên rừng, xuống biển, đi bộ đường dài. Nghĩ đến việc đi đó đây khắp Việt Nam là tôi thấy vô cùng phấn khởi rồi. Tôi mới ở Việt Nam hai tháng, tất cả mọi thứ vẫn còn rất mới mẻ và vô cùng thú vị. Ngay cả đi bộ ở nơi tôi sống cũng rất thú vị rồi. Tôi có thể quan sát cảnh người người buôn bán trên đường phố, những mặt hàng người ta bán, mua.
Tôi vẫn đang học nhiều về Việt Nam, về món ăn, thức uống ở đây, môn thể thao yêu thích, bài hát thịnh hành...
Một trong những cách mà tôi đang khám phá Hà Nội là vi vu trên xe máy, tự đi đến chỗ này chỗ kia. Tôi biết mình sẽ còn có nhiều, rất nhiều những kỷ niệm khó quên nữa vì tôi sẽ gặp nhiều người Việt Nam và biết thêm về họ.
* Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, cô có lời nhắn gì đến các thầy cô Việt Nam không?
- (Nói bằng tiếng Việt) Chúc mừng Ngày nhà giáo Việt Nam về những cống hiến tuyệt vời của các thầy cô (cười).
* Xin cảm ơn cô!
Mời bạn đọc xem video cô Kate Bartlett hát Bụi phấn
Cô Kate Bartlett gửi lời chúc nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và phần thể hiện bài hát "Bụi Phấn" - Video: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam
Biết 5 ngoại ngữ
* Cô có thể nói 5 ngôn ngữ, gồm tiếng Tây Ban Nha, Bahasa, Romania, Ba Tư và tiếng Việt. Là do công việc hay điều gì đó ngoài công việc đã truyền cảm hứng cho cô học tiếng Việt?
Cô Kate Bartlett biết 5 ngoại ngữ Tây Ban Nha, Bahasa (Indonesia), Romania, Ba Tư và tiếng Việt - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ cung cấp
- Tôi học những ngôn ngữ trên vì tôi đã sống ở những quốc gia có sử dụng ngôn ngữ đó. Tôi từng sống ở Colombia, Indonesia, Moldova, Afghanistan và giờ là Việt Nam.
Bạn biết đấy, tôi sử dụng những ngôn ngữ này để làm việc, kết bạn và đi chợ, phục vụ cuộc sống hằng ngày. Với tiếng Việt cũng vậy, lý do ban đầu của tôi khi học là vì công việc.
Học tiếng địa phương là cách quan trọng để giao tiếp với mọi người. Khi đó, bạn có thể nói với mọi người rõ ràng hơn và hiểu nhau hơn.
Tôi nghĩ khi sử dụng ngôn ngữ của người dân địa phương, điều đó cũng tạo ấn tượng với họ vì người nghe sẽ cảm thấy bạn tôn trọng họ và văn hóa của họ.
Lúc đầu là vậy. Nhưng sau khi đến Việt Nam, tôi có động lực để tiếp tục học tiếng Việt. Tôi thắc mắc mọi người đang nói chuyện gì khi họ đi chợ, tại quán cà phê. Họ nói quá nhanh và tôi không nghe kịp. Điều đó khiến tôi muốn học tiếng Việt nhiều hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận