Nhân dịp Quốc khánh 2-9, ông Lê Lương Minh, nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam đảm nhiệm vai trò Tổng thư ký ASEAN và hai lần ngồi ghế chủ tịch điều hành Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chia sẻ với Tuổi Trẻ những câu chuyện thú vị về nghề ngoại giao cũng như các dấu mốc hội nhập của đất nước.
Cân đối lợi ích riêng và chung
* ASEAN khi ông làm Tổng thư ký và ASEAN ngày nay khác nhau như thế nào, thưa ông?
- Khi tôi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thư ký ASEAN tháng 1-2013, ASEAN mới đến giữa chặng đường tiến tới thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, tổng GDP của cả khối mới chỉ khoảng 2.300 tỉ USD, là nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới.
Hiện nay tổng GDP của ASEAN đã đạt mức khoảng 3.800 tỉ USD, là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới.
ASEAN cũng đã và đang ở chặng cuối hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025, và đã hoàn thành nội dung Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025 đến 2045. Nhìn chung, trong lĩnh vực kinh tế, ASEAN đã có tiến triển vượt bậc mặc dù cũng phải gánh chịu hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực an ninh - chính trị, tình hình đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều do xung đột tại Myanmar, với nhiều hệ lụy nguy hiểm như sự xuất hiện của những ý tưởng và kiến nghị nhạy cảm đe dọa tính trọn vẹn của Phương cách ASEAN.
Thời gian nhiệm kỳ Tổng thư ký của tôi, ASEAN bằng các nỗ lực trung gian, hòa giải nội khối đã giải quyết tốt hậu quả của tranh chấp biên giới giữa hai nước thành viên, giúp Myanmar dần ổn định tình hình dưới sự lãnh đạo của Chính phủ hòa giải và trở thành điểm thu hút lớn đầu tư của nước ngoài, và giúp Thái Lan sớm khôi phục các cơ chế dân chủ sau chính biến năm 2014.
Hiện tại ASEAN đang nỗ lực triển khai thực hiện Đồng thuận 5 điểm về Myanmar, nhưng rất khó khăn khi xung đột tại Myanmar ngày càng khốc liệt.
* Công việc của ông tại Liên Hiệp Quốc và ASEAN có điểm khác biệt gì lớn nhất?
- Liên Hiệp Quốc và ASEAN có điểm chung đều là các tổ chức đa phương nhưng khác nhau về quy mô: toàn cầu và khu vực.
Về quy mô, ASEAN như một Liên Hiệp Quốc thu nhỏ: 10 so với gần 200 thành viên. Về phạm vi công việc thì chẳng khác nhau là bao bởi hầu như mọi vấn đề được đưa ra bàn thảo tại Liên Hiệp Quốc đều thuộc chương trình nghị sự của ASEAN ở những cơ chế khác nhau, thuộc ba trụ cột là an ninh - chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa ASEAN và Liên Hiệp Quốc là cơ chế thông qua và ý nghĩa của các nghị quyết hay quyết định. Liên Hiệp Quốc ra quyết định chủ yếu thông qua việc bỏ phiếu, trừ trường hợp có đồng thuận đạt được trong quá trình tham vấn.
ASEAN không có cơ chế bỏ phiếu, trừ trường hợp bỏ phiếu kín bầu hai trong số bốn phó tổng thư ký. Các quyết định của ASEAN chủ yếu được thông qua trên cơ sở đồng thuận, là một trong những nguyên tắc cơ bản của Phương cách ASEAN với mục đích đảm bảo tính tự nguyện, không bỏ ai ở lại phía sau và tính khả thi của các thỏa thuận, qua đó duy trì sự nhất trí, đoàn kết trong khối.
Quan hệ và tiếp xúc, tương tác giữa các đồng nghiệp ở Liên Hiệp Quốc và ASEAN cũng khác nhau. Nếu như tại Liên Hiệp Quốc, đồng nghiệp có thể là đại diện của nước đồng minh, nước trung dung hay nước đối nghịch thì tại ASEAN, đồng nghiệp là quan hệ giữa đại diện các nước thành viên chia sẻ lợi ích chung trong khuôn khổ "Gia đình ASEAN".
* Kinh nghiệm nào tại Liên Hiệp Quốc đã giúp ông hoàn thành trọng trách ở ASEAN?
- Kinh nghiệm làm việc và những mối quan hệ tại Liên Hiệp Quốc đã giúp ích tôi rất nhiều trong việc hoàn thành trọng trách ở ASEAN. Đó là nhiệm kỳ gần tám năm với cương vị Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực tại Liên Hiệp Quốc (trong đó lần đầu tiên Việt Nam được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an) và hai lần đảm nhiệm cương vị chủ tịch điều hành công việc của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, kinh nghiệm hoạt động tại các diễn đàn đa phương cũng như phương châm xuyên suốt sự nghiệp của tôi trong quan hệ với đồng nghiệp là phải chân thành theo nguyên tắc "không phải khi nào cũng có thể nói thật, nhưng không bao giờ nói dối".
* Khi ông đảm đương cương vị Tổng thư ký ASEAN, đâu là những vấn đề khó, thậm chí nan giải mà Ban Thư ký ASEAN phải đối mặt giải quyết và vượt qua được?
- Trong thời gian tôi làm Tổng thư ký và cho đến nay, Biển Đông vẫn là một trong những vấn đề nan giải và khó khăn nhất ASEAN và Ban Thư ký ASEAN phải đối mặt. Không ít lần khi phát biểu nêu lập trường chung của ASEAN, tôi đã bị đại diện của một nước ngoài ASEAN là bên tranh chấp chỉ trích đích danh.
Duy trì vai trò trung tâm đòi hỏi ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và bản thân Tổng thư ký ASEAN phải dũng cảm và biết điều hòa, cân đối giữa lợi ích quốc gia và lợi ích chung của cả khối.
* Ông nghĩ gì về nhận định rằng dù trong bối cảnh nào, ASEAN cũng sẽ phải luôn đứng giữa Mỹ và Trung Quốc?
- Đúng như nhận định là nhiều năm nay ASEAN luôn ở trong tư thế bị kẹt trong cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ, cạnh tranh giữa các nước lớn, không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà ở cả các khu vực rộng lớn châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chính sách không chọn bên trong tranh chấp giữa các nước lớn của ASEAN phải được hiểu là không chọn liên minh với nước này chống nước kia, chứ không phải là ASEAN phải cách ly lẽ phải dù lẽ phải đó nhiều khi không nằm giữa hai phía. Và lẽ phải, đối với ASEAN, phải luôn là lợi ích đối với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như từng nước thành viên.
Vượt trên nhiều cách diễn giải khác và nhiều khi trái ngược nhau, theo tôi, đấy mới là nội hàm cơ bản của chính sách đóng vai trò trung tâm của ASEAN.
Mở ra cục diện mới
* Là người có cả sự nghiệp gắn với ngoại giao đa phương, ông đánh giá như thế nào về cột mốc Việt Nam gia nhập ASEAN?
- Theo tôi, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập ASEAN gần như cùng thời điểm đã mở ra cục diện Việt Nam đã thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của bao vây, cấm vận và trở thành thành viên của một trong hai tổ chức khu vực được đánh giá thành công và nhiều triển vọng phát triển nhất trên thế giới.
* Có nhận định khi Việt Nam gia nhập ASEAN, chúng ta ở thế bị động trong việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) vì chỉ tham gia với tư cách là thành viên ASEAN trong FTA với đối tác khác. Quan điểm của ông ra sao?
- Nhận định đó là đúng nhưng chưa đủ. Chúng ta hội nhập, mở cửa nền kinh tế muộn hơn các nước gia nhập ASEAN trước, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, kinh nghiệm đàm phán hạn chế nên thận trọng trong việc tham gia các FTA song phương là đương nhiên.
Nhận định này sẽ đầy đủ hơn nếu chỉ ra rằng các FTA song phương Việt Nam ký kết với các đối tác thường có các cam kết và chuẩn mực cao hơn so với các hiệp định ASEAN hoặc các nước thành viên ASEAN đã ký, do xuất phát từ phía ta là chủ trương hội nhập sâu hơn, phát triển nền kinh tế ưu tiên xuất khẩu và từ phía đối tác là không chấp nhận mức độ cam kết và các chuẩn mực thấp hơn những gì họ đã thỏa thuận với các đối tác trước đó. Có thể lấy FTA Việt Nam đã ký với Liên minh châu Âu (EVFTA) là một ví dụ điển hình.
* Là tiếng nói ngày càng quan trọng trong ASEAN, Việt Nam cần làm gì để tiếp tục là tiếng nói đi đầu trong các vấn đề của khối, thưa ông?
- Ngoài Liên Hiệp Quốc và ASEAN, Việt Nam còn là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng khác như Cộng đồng Pháp ngữ, Phong trào Không liên kết, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu, Tổ chức Thương mại thế giới và đã ký 16 hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng.
Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết thành viên Liên Hiệp Quốc, trong đó có quan hệ Đối tác toàn diện, Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện với 30 quốc gia, gồm cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Điều đó cùng với sự ổn định chính trị và tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc tạo cho Việt Nam ưu thế rất lớn, tiếng nói có trọng lượng trong việc giải quyết các vấn đề của ASEAN, nhất là những vấn đề tác động đến lợi ích thiết thực của ta như Biển Đông, biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng dòng nước sông Mekong, chống khủng bố, phòng chống buôn bán ma túy...
Để tiếp tục phát huy vai trò đi đầu, dẫn dắt trong các vấn đề quan trọng và thiết thực này, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, phối hợp với các nước thành viên khác duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Điều này không luôn dễ dàng do sự khác biệt về lợi ích giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông.
ASEAN ưu tiên hợp tác về thanh niên
* Nhìn về tương lai, ông kỳ vọng giới trẻ Việt Nam và các nước thành viên sẽ đóng góp như thế nào cho cộng đồng tương lai ASEAN?
- Gần 40% dân số ASEAN hiện nay có độ tuổi từ 15-35, được xác định là độ tuổi thanh niên. Với xu hướng già hóa dân số đang diễn tiến ở nhiều nước ASEAN, trong các thập niên tới, thanh niên ngày nay sẽ đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội nhiều mặt trong Cộng đồng ASEAN.
Từ nhiều năm nay, hợp tác về thanh niên luôn là một lĩnh vực ưu tiên của ASEAN. Từ năm 2017, ASEAN đã xây dựng biểu chỉ số về phát triển thanh niên ở các nước thành viên. Trong ban lãnh đạo của một số nước thành viên đã xuất hiện những khuôn mặt trẻ, thậm chí rất trẻ mà trước đây ta chỉ có thể thấy ở các nước phát triển.
Với những chính sách ưu tiên, định hướng đúng đắn của ASEAN nói chung và từng nước thành viên, cộng với bản chất năng động sẵn có của thanh niên khu vực Đông Á, Đông Nam Á, tôi hoàn toàn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của thanh niên ASEAN nói chung và thanh niên Việt Nam chúng ta nói riêng, cũng như những đóng góp của thanh niên vào việc hiện thực hóa mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 đến năm 2045 xây dựng một ASEAN tự cường, năng động, bao trùm, lấy người dân làm trung tâm và hài hòa với thanh niên.
Sự nghiệp gắn chặt ngoại giao đa phương
Ông Lê Lương Minh (sinh năm 1952) bắt đầu sự nghiệp ngoại giao ngay từ những tháng ngày đầu của nước Việt Nam thống nhất năm 1975, khi ông được cử làm cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Canada sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại giao và tham gia khóa đào tạo chuyên sâu về tiếng Anh và ngôn ngữ học tại Đại học Jawaharlal Nehru của Ấn Độ.
Ông có 10 năm giữ cương vị thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho đến khi nghỉ hưu theo chế độ năm 2018, với sự nghiệp gắn chặt ngoại giao đa phương. Ông có nhiều năm làm việc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ) và Geneva (Thụy Sĩ).
Trên cương vị người đứng đầu Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, ông đã hai lần ngồi vào ghế Chủ tịch Hội đồng Bảo an khi Việt Nam lần đầu tiên trúng cử ủy viên không thường trực nhiệm kỳ 2008 - 2009.
Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên giữ cương vị Tổng thư ký ASEAN nhiệm kỳ từ ngày 1-1-2013 đến ngày 31-12-2017. Đây là một chức vụ mà theo nguyên tắc luân phiên, phải 50 năm kể từ năm 2013 mới có một người Việt Nam nữa đảm nhận vị trí này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận