Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (đứng) chia sẻ về quá trình tìm kiếm tư liệu để viết sách - Ảnh: L.ĐIỀN |
Bộ sách là công trình khảo cứu đồ sộ công phu do nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Tư hoàn thành vào lúc ông bước sang tuổi 94.
Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ có thể xem như bộ tư liệu tường minh về quá trình người Pháp hiện diện trên đất Nam kỳ không chỉ từ khi nổ súng tấn công vào Đà Nẵng năm 1858, mà cả những mối quan hệ trước đó giữa người Pháp với Nguyễn Ánh.
Tác giả Nguyễn Đình Tư đã đọc và xử lý kho tư liệu khổng lồ bao gồm: Công báo Pháp, các nghị định, thông tư, sắc lệnh... liên quan đến việc cai trị và tổ chức bộ máy hành chính, quản trị xã hội Nam kỳ trải qua thời gian gần 100 năm. Và vì thế, công trình có giá trị đặc biệt quan trọng ở phương diện cung cấp tư liệu cho học giới có thể từ đây tìm hiểu các “ngóc ngách” xã hội Nam kỳ thời thuộc Pháp.
Đó có thể là thông tin về những trận đánh chiếm thành Gia Định, đánh đồn Phú Thọ, đánh đồn Chí Hòa, đánh tỉnh Định Tường... hoặc tư liệu về công tác quy hoạch và quản lý hành chính TP Sài Gòn. Đặc biệt ở phần trình bày quá trình người Pháp khai thác công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, bạn đọc sẽ gặp nhiều tư liệu về các nhà máy của Pháp thời bấy giờ.
Trong bộ trang phục áo dài truyền thống, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tại buổi ra mắt sách nhã nhặn cho biết hai tập sách với hơn 1.000 trang này là kết quả của những tháng ngày “ăn dầm nằm dề” tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 để tìm kiếm, đọc và ghi chép tư liệu.
“Tôi cứ sáng sớm đến thư viện trung tâm lưu trữ đọc tài liệu, trưa đến giờ đóng cửa thì ra ngoài ăn cơm hộp, xong trải áo mưa nằm nghỉ chờ đến 1g30 chuông reo thư viện mở cửa thì vào đọc tiếp, cứ như vậy suốt 4-5 năm trời”, lời tâm sự của một ông lão tuổi ngoài 90 đã nhận được hàng tràng vỗ tay tán thưởng của khách dự giao lưu và cả những lời thán phục của đồng nghiệp ít tuổi hơn đang có mặt.
Không những thế, theo tác giả Nguyễn Đình Tư, ông còn phần ba của bộ sách này, là tư liệu về các tỉnh trong địa phận Nam kỳ và quá trình thay đổi địa danh hành chính của người Pháp ở Nam kỳ. Phần này, theo thông tin từ NXB Tổng Hợp TP.HCM sẽ được sớm xuất bản trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận