
Liên danh nhà thầu đang huy động đội ngũ chuyên gia giỏi nhất đến Việt Nam để ưu tiên cho dự án quan trọng này, cũng như lựa chọn các nhà thầu phụ tại Việt Nam có năng lực để tham gia thi công - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Ngày 20-6, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) đã có thông tin về tình hình triển khai dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2, có tổng mức đầu tư hơn 524 triệu USD (tương đương 11.133 tỉ đồng).
Dự án gồm có 8 gói thầu xây lắp, trong đó gói thầu quan trọng nhất là xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức.
Theo chủ đầu tư, nhà máy xử lý nước thải áp dụng công nghệ xử lý sinh học MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor), sử dụng các giá thể dạng di động cho vi sinh vật bám dính và phát triển để loại bỏ các chất hữu cơ trong nước thải.
Đây là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay và đây chính là nhà máy xử lý nước thải lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nước thải sau khi được xử lý đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường sẽ được xả ra sông Sài Gòn.
Tập đoàn Vinci Construction (Pháp) và Aceciona Agua (Tây Ban Nha) là liên danh nhà thầu triển khai thi công, xây dựng nhà máy.
Tại công trường, ông Patrick Kadri - chủ tịch nhóm dự án lớn thuộc Tập đoàn Vinci Construction - cho hay tiến độ xây dựng nhà máy đạt khoảng 41% giá trị hợp đồng.
Các hạng mục quan trọng đều đang được triển khai, các thiết bị cơ điện chính đã được đặt hàng và dự kiến bắt đầu về công trường từ tháng 8-2024.
"Chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của dự án này đối với TP.HCM. Do đó, liên danh đã thống nhất dành mọi nguồn lực cần thiết cho dự án quan trọng này và cam kết cùng với chủ đầu tư, tư vấn giám sát để đẩy nhanh tiến độ, với mục tiêu hoàn thành công tác xây dựng nhà máy vào ngày 30-6-2025", ông Patrick Kadri nói.

Tổng vốn đầu tư xây dựng nhà máy là 5.466,2 tỉ đồng (tương đương 235,1 triệu USD)

Hạng mục bể lắng bùn tại nhà máy xử lý nước thải

Ngoài đẩy nhanh tiến độ thi công, liên danh nhà thầu cũng cho biết luôn chú trọng công tác đảm bảo an toàn lao động trong quá trình thi công để không xảy ra bất kỳ sự cố nào

Khi nhà máy xử lý nước thải hoàn thành, toàn bộ nước thải của cư dân dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trải dài qua các quận 1, 2, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình đều sẽ được đưa về nhà máy xử lý, thay vì hiện nay nước thải vẫn đổ ra sông Sài Gòn
Nâng công suất xử lý nước thải lên 1,1 triệu
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, hiện nay tổng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị của TP.HCM là 644.000m3/ngày, mới đạt khoảng 40% lượng nước thải hằng ngày.
Với việc hoàn thành nhà máy xử lý nước thải thuộc dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 sẽ nâng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị lên hơn 1,1 triệu m3/ngày đêm. Vì vậy, dự án này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người dân TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận