22/12/2017 15:57 GMT+7

Nhà máy soda 2.300 tỉ nguy cơ thành sắt vụn

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Nhà máy soda đầu tư trên 2.300 tỉ đồng đặt tại Chu Lai, Quảng Nam đã phải trùm mền sau ít tháng hoạt động và đứng trước nguy cơ thành đống sắt vụn.

Nhà máy soda 2.300 tỉ nguy cơ thành sắt vụn - Ảnh 1.

Quang cảnh đìu hiu, bê trễ suốt hai năm nay tại Nhà máy soda Chu Lai - Ảnh: T.B.D

Trưa 19-12, trước cổng chính của nhà máy soda Chu Lai là một chốt bảo vệ. Một nhân viên túc trực tại đây nói rằng mình là người của ngân hàng Agirbank Quảng Nam, được giao nhiệm vụ gác cổng chính trong thời gian ngân hàng đang tiến hành thủ tục thu hồi công nợ.

Từ tiềm năng trở thành… ngõ cụt

Từ trên cao nhìn xuống, nhà máy chỉ là những khối sắt, cần cẩu, cầu thang dẫn vào các trung tâm chính đầy những vết rỉ sét loang lỗ.

Bên ngoài cổng nhà máy, một số hạng mục đã bị xuống cấp. Hàng rào tại hố chứa nước thải đã bị xô đổ, nằm ngả nghiêng và cỏ dại bắt đầu bao trùm lên. Điện cho sản xuất cũng bị cúp. 

Dự án Nhà máy sản xuất soda Chu Lai với công suất 200.000 tấn/năm đặt tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai (Quảng Nam).

Dự án đầu tư 2.300 tỉ đồng vốn, tạo nguồn việc cho 400 lao động tại chỗ, mục tiêu đóng 60 tỉ đồng thuế mỗi năm…

Nhà máy soda Chu Lai khởi công từ 2010 và từ khi vận hành vào 2015 thì bắt đầu bê trễ. 

Lúc đó, một người dân ở Chu Lai kể, nhiều người dân kéo lên phản ứng vì chuyện xả thải. 

Các đoàn công tác từ Trung ương và địa phương cũng vào kiểm tra, xử lý. Đến tháng 7-2016, sản xuất bị gián đoạn, hoạt động thêm vài ba tháng rồi dừng cho đến nay.

"Thời điểm nhà máy vận hành thì giá soda xuống thấp quá nên sản xuất bị thua lỗ. Việc xả thải không có gì độc hại nhưng người dân ở xung quanh phản ứng nhiều đã làm khó cho chúng tôi", Giám đốc Công ty CP Soda Chu Lai Nguyễn Thái Dũng cho biết và nói rằng có nhiều phát sinh công ty không lường trước được. 

Ông Dũng phủ nhận việc thiết bị máy có nguồn gốc từ Trung Quốc khiến dây chuyền sản xuất gặp sự cố và nói có nguyên nhân từ việc các quy định bảo vệ môi trường càng ngày càng thắt chặt hơn, trong khi dây chuyền xử lý xả thải nhà máy chưa đầu tư kịp.

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Nam cho biết tháng 7-2016, sau khi xuất hiện tình trạng ô nhiễm sau xả thải Tổng cục Môi trường đã cho thanh tra và kết luận nhiều nội dung.

Cụ thể nhà máy này phải khắc phục ô nhiễm, đầu tư hoàn thiện công nghệ xử lý thải cho tới khi được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, đồng ý thì mới được đưa nhà máy tái hoạt động. 

"Từ đó đến nay chúng tôi cũng chưa nhận được thông tin nào đồng ý cho nhà máy hoạt động trở lại, Công ty Soda cũng kẹt vốn", bà Hạnh nói.

Nhà máy soda 2.300 tỉ nguy cơ thành sắt vụn - Ảnh 3.

Quang cảnh đìu hiu, bê trễ suốt hai năm nay tại Nhà máy soda Chu Lai - Ảnh: T.B.D

Phải cứu nhà máy để thu hồi nợ

Về việc xảy ra sự cố Công ty Soda Chu Lai cho biết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường khi lập dự án và đã xin điều chỉnh, công ty này đã tính toán toàn bộ nước thải và bùn thải công nghiệp từ các tháp chưng cất soda sẽ được bơm ra hai hồ lắng rộng 12ha, sau đó nước sẽ được bơm ra sông, bùn thải thì đưa đi nơi khác. 

Tuy nhiên, thực tế khi vận hành lại nảy sinh các sự cố như: nước thải sau sản xuất có nồng độ pH, nồng độ TS, COD… vượt quá quy chuẩn xả thải. Việc xử lý đúng chuẩn phải tốn chi chi phí khoảng 20 tỉ đồng, vì thế nhà máy này "đang tính toán". 

Ngoài ra, một lượng không nhỏ NaCl bị thất thoát ra ngoài làm cho nước thải trong hồ chứa có nồng độ Cl- rất cao. 

Tuy nhiên do điểm tiếp nhận nguồn thải của nhà máy là vung ven biển nên hàm lượng này không được tính đến trong điều kiện xả thải...

Về việc gỡ tình thế khó khăn hiện tại, đại diện các ngân hàng cho biết đang tiếp tục làm việc với chủ đầu tư để tìm ra lối thoát tốt nhất. 

Ông Hà Thạch, Giám đốc Agribank Quảng Nam, một trong những chủ nợ của Soda Chu Lai cho biết tình thế rất "sốt ruột" buộc ngân hàng này phải đẩy nhanh thủ tục thu hồi nợ. 

"Nếu chủ đầu tư có tiền bỏ ra thì chúng tôi sẽ tiếp tục bơm vốn, khi có sản phẩm thì có doanh thu để mình thu hồi nợ. Còn nếu họ không có vốn thì để nhà đầu tư khác tham gia", ông Thạch nói.

Ông Thạch cũng cho rằng nhà máy sử dụng công nghệ Trung Quốc không phải là lí do dẫn đến việc ngưng trệ như hiện tại. 

Ông Nguyễn Thái Dũng cho biết hiện đã có ba đối tác Trung Quốc và một số đối tác trong nước đặt vấn đề tham gia tái đầu tư đưa nhà máy vào hoạt động. 

"Hiện nay giá soda đang rất cao. Ba doanh nghiệp Trung Quốc đã ngỏ ý và hai đối tác trong nước đã đặt vấn đề nhưng quy trình thủ tục phức tạp nên chúng tôi cũng chưa xử lý được", ông Dũng nói.

Nhà máy soda 2.300 tỉ nguy cơ thành sắt vụn - Ảnh 4.

Quang cảnh đìu hiu, bê trễ suốt hai năm nay tại Nhà máy soda Chu Lai - Ảnh: T.B.D.

"Đã cản nhưng không được"

Một nguyên lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Nam nói rằng thời điểm đặt vấn đề làm nhà máy soda ở Chu Lai, ông đã có góp ý với lãnh đạo tỉnh là không nên chấp thuận bởi sẽ có nhiều hệ luỵ về sau.

Theo vị này, chủ đầu tư đã đi tới ba tỉnh khác xin làm soda nhưng không được rồi mới vào Quảng Nam.

Chất thải của nhà máy soda rất độc hại, trong khi đó vị trí làm nhà máy lại trên hướng các hồ nuôi tôm của dân.

Hơn nữa, thời điểm nhà máy khởi công thì hệ thống xử lý thải tập trung của Khu kinh tế Chu Lai chưa động thổ, trong khi đó lượng thải của riêng nhà máy soda đã gấp nhiều lần năng lực xử lý.

"Vì những lẽ đó, tôi đã góp ý là không nên cho triển khai nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn quyết", vị này nói.

Ông cũng khẳng định rằng "một trong những mục đích làm nhà máy soda là có ý đồ để bán thiết bị công nghệ từ Trung Quốc".

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên