30/03/2014 08:11 GMT+7

Nhà máy rác của ông Minh "khùng"

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TT - Thấy rác ngổn ngang khắp nơi bốc mùi hôi thối, ông Trương Minh (49 tuổi) ở thôn Châu Me, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) quyết định bỏ tiền túi ra thu gom rác và xử lý rác thải.

Jh1mX6Tz.jpgPhóng to
Ông Minh và vợ làm việc như bao người khác ở nhà máy xử lý rác - Ảnh: Trần Mai

Hành động lạ đời đó khiến bà con thân yêu gọi ông là “khùng”. Ông Minh “khùng” đã giúp những con đường quanh xã Đức Phong không còn là “bãi chứa rác” như ngày nào và nhà máy rác của ông là nhà máy tư nhân duy nhất ở xứ Quảng Ngãi.

Ném tiền vào... rác

"Nhà máy rác của ông Minh là tiên phong trong toàn tỉnh Quảng Ngãi, góp phần rất lớn để xã nhà xanh sạch. Hiện chính quyền xã đứng ra thu tiền phí vệ sinh 10.000 đồng/tháng hơn 2.500 hộ dân (chiếm 55% với 5.000 hộ dân toàn xã) để nhà máy có nguồn chi phí hoạt động. Xã cũng đang vận động toàn bộ người dân tham gia, góp sức cùng ông Minh để xử lý rác tốt hơn"

Ông Nguyễn Đình Long(chủ tịch UBND xã Đức Phong)

Những con đường xã Đức Phong hôm nay đã sạch sẽ. Những con đường bêtông liên xã, liên thôn không còn thấy ngập trong rác. Được như hôm nay nhiều người dân được hỏi đã nói phải cảm ơn sự liều lĩnh của ông Minh khi “ném” hơn nửa tỉ đồng vào... rác, làm chuyện “vác tù và hàng tổng”.

Nhớ lại những ngày đầu, ông Minh kể: “Hồi ấy những bãi rác dân sinh ứ đọng khắp nơi. Trong các cuộc họp giữa người dân và chính quyền xã, vấn đề xử lý rác được đặt ra “mổ xẻ” với trăm phương nghìn kế để giải quyết. Nhưng rồi đâu lại vào đấy. Những núi rác khổng lồ ứ đọng từ năm này qua năm khác khắp nơi từ đầu làng đến cuối xóm. Nhân dân trong xã ngao ngán.

Sau đó, những cuộc vận động thu gom rác đi tiêu hủy thì đường làng sạch được vài ngày rồi rác vẫn cứ ra đường. “Cái chính là người dân không biết đổ rác đi đâu, vận động thu gom rác một năm vài lần thì sao hết được rác” - ông Minh nhớ lại.

Tháng 6-2010, ông Minh mang đơn lên huyện trình bày ý nguyện sẽ thu gom rác trong xã đi tập trung xử lý, giải quyết tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng ở địa phương. Đồng thời ông xin hỗ trợ vốn để biến cái ý định trong đầu thành sự thật nhưng “huyện không đồng ý hỗ trợ vốn vì tôi không có bằng cấp, đầu tư vốn cho một nông dân xử lý rác rất “phiêu” nên huyện không dám mạo hiểm” - ông kể.

Thất bại trong việc tìm kiếm nguồn đầu tư, ông Minh quyết định tự bỏ vốn ra làm. Ba tháng quần quật cùng những người thợ xây, ông Minh có được nơi chứa và xử lý rác đúng ý mình. “Tôi nghĩ xử lý rác không khó, quan trọng là mình phải thu gom, phân loại rồi xử lý mỗi loại rác khác nhau sao cho hợp lý” - ông Minh kể.

Bà Nguyễn Thị Hoanh (vợ ông Minh) nói: “Chẳng hiểu sao ông liều dữ, bỏ ra 360 triệu đồng thuê đất làm nhà máy xử lý rác, rồi thêm 200 triệu đồng mua xe thu gom, thuê người thu gom rác. Tôi đang làm trong Sài Gòn nghe mẹ chồng điện vào nói, tá hỏa vội lên xe trở về thấy trước nhà có bảng Đội thu gom rác xã Đức Phong. Tôi hỏi tiền đâu làm thì ổng đưa cho tôi một mớ giấy nợ”.

Ngày khánh thành nhà máy, bà con trong xã đến góp vui cùng gia đình, nhiều người mừng rỡ. Ông Nguyễn Tấn Hảo (58 tuổi), cựu chiến binh thôn Châu Me, nhớ lại: “Lúc chú Minh nói sẽ xây nhà máy rác, tụi tui ở đây cũng bán tín bán nghi vì gia đình ổng đâu khá giả gì. Vậy mà ổng tự bỏ tiền túi ra để làm, bà con ở đây ai nấy đều rất cảm kích”.

Ấp ủ phân vi sinh

Những ngày đầu tiên vận động người dân đóng tiền, mỗi hộ 10.000 đồng/tháng nhưng không mấy người mặn mà. Để nhà máy vận hành, ông Minh oằn mình gánh lỗ mỗi tháng cả chục triệu đồng. Song ông không nản chí. Để nhà máy không bị chết yểu, ông Minh bấm bụng đi vay “nóng” 260 triệu đồng. Số tiền ấy đến bây giờ gia đình ông chưa trả xong, hằng tháng phải đóng tiền lãi 2 triệu đồng, chưa kể tiền nợ ngân hàng gần 400 triệu đồng.

Khu chứa rác rộng khoảng 2.000m2, mùa nắng đưa rác ra sân phơi, mùa mưa đưa vào bể chứa và khu phân loại rác. Sau khi rác được phân loại sẽ đưa vào lò đốt thủ công, tiêu hủy những loại rác không thể tận dụng được. Mỗi tuần hai lần, chiếc xe tải 7 tấn sử dụng hết công suất thu gom rác khắp các đường làng ngõ hẻm ở Đức Phong. Vào thứ ba, thứ sáu hằng tuần, người dân Đức Phong đã quen với tiếng xe chạy chậm chậm qua những con đường, mọi người tự động đem rác ra bỏ vào xe như một thói quen. Ba năm hoạt động, mỗi tuần nhà máy rác của ông Minh xử lý khoảng 80m3 rác. Tết, nhà máy quá tải khi phải xử lý 700-800m3 rác. Ông Minh cười nói cực mấy cũng được miễn đường làng sạch sẽ, bà con có ý thức sống thân thiện với môi trường là tốt rồi.

Ông Minh cho biết đang tính đến chuyện đầu tư thêm vốn để làm phân sinh học. “Nếu thành công trong việc chế tạo phân vi sinh, tôi sẽ có một nguồn thu đáng kể để đầu tư mở rộng nhà máy xử lý rác khoa học hơn” - ông nói.

dOon6WbH.jpgPhóng to
Ông Minh đưa rác thải vào lò đốt tiêu hủy - Ảnh: Trần Mai
Theo ông Trương Minh, nhà máy xử lý rác của ông tuy còn thô sơ nhưng không đốt bao nilông để giảm thiểu tối đa những chất độc hại thải ra môi trường. Toàn bộ số bao nilông thu gom được rửa sạch để bán cho các cơ sở tái chế, dù tiền bán không đủ chi tiền công nhưng đó là trách nhiệm của ông với môi trường. Cho đến nay nhà máy của ông Minh đã được trao 17 bằng khen, giấy khen, thư khen ngợi của Bộ Tài nguyên - môi trường, tỉnh, huyện, xã... vì đã có đóng góp làm môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.
TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên