17/10/2019 15:24 GMT+7

Nhà máy nước Sông Đà: doanh thu cấp nước vượt xa giá vốn 151 tỉ đồng

TRẤN KIÊN
TRẤN KIÊN

TTO - Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (mã UPCom: VCW) có hai cổ đông lớn là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex (chiếm tỉ lệ sở hữu 60,46%) và Công ty CP Cơ điện lạnh (mã REE - chiếm tỉ lệ sở hữu 35,88%).

Nhà máy nước Sông Đà: doanh thu cấp nước vượt xa giá vốn 151 tỉ đồng - Ảnh 1.

Từ 9h15 ngày 15-10, Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà dừng cấp nước cho các công ty phân phối nước sạch tại một số khu vực của TP Hà Nội - Ảnh: T.T.

Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex có vốn điều lệ hiện tại là 2.300 tỉ đồng, do Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam nắm 100% vốn.

Ở Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex là cổ đông lớn nhất, chiếm tỉ lệ sở hữu 60,46%, tương ứng với gần 453,5 tỉ đồng.

Cổ đông lớn thứ hai là Công ty CP Cơ điện lạnh (mã REE), chiếm tỉ lệ sở hữu 35,88%, tương ứng với 269,1 tỉ đồng.

Hiện tại, REE là một doanh nghiệp thuộc nhóm 30 cổ phiếu hàng đầu sàn chứng khoán HoSE (VN30). Doanh nghiệp do bà Nguyễn Thị Mai Thanh làm chủ tịch HĐQT.

REE là một trong hai công ty niêm yết đầu tiên trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Theo báo cáo thường niên năm 2018 của REE, lợi nhuận mảng cơ điện lạnh chỉ đạt 243 tỉ đồng, suy giảm đến hơn 32%. Trong khi các mảng bất động sản, điện, nước lần lượt tăng trưởng kéo lợi nhuận.

Cơ sở hạ tầng điện và nước là một trong ba trụ cột kinh doanh được REE xác định trong báo cáo thường niên năm 2018, được ưu ái rót vốn các dự án lên đến hơn 12.000 tỉ đồng, vượt xa hai trụ cột bất động sản và cơ điện lạnh.

Hiện REE đang có vốn góp tại 9 dự án thủy điện và phong điện từ Bắc vào Nam, có 4 dự án đạt giá trị sở hữu trên 1.000 tỉ đồng.

REE cũng đang sở hữu 24,09% cổ phần tại Nhiệt điện Phả Lại, đây là giá trị sở hữu lớn nhất trong các dự án, đạt 3.262 tỉ đồng.

Báo cáo tài chính bán niên soát xét của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà cũng cho thấy doanh thu cấp nước bán niên 2019 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018, với giá trị gần 258,7 tỉ đồng.

Trong khi đó, giá vốn hoạt động cấp nước chỉ có 107,7 tỉ đồng. Như vậy, doanh thu vượt xa giá vốn khoảng hơn 151 tỉ đồng.

Báo cáo cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế và lãi cơ bản trên cổ phiếu VCW bán niên 2019 của doanh nghiệp này tăng mạnh, lần lượt đạt giá trị hơn 126,5 tỉ đồng và 1.687 đồng/cổ phiếu.

Vì lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm 2018 tăng đến gần 31% nên Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà đã có giải trình theo quy định về khoản chênh lệch lớn.

Theo đó, công ty cho rằng do nhu cầu khách hàng sử dụng nước tăng cao nên sản lượng bán ra tăng 20,12%, tương ứng tăng gần 8,42 triệu m3 nước sạch, khiến doanh thu tăng theo. Ngoài ra, chi phí lãi vay cũng giảm được 90,9%.

Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà ghi nhận trên báo cáo có một khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang trị giá đến hơn 620 tỉ đồng đối với giai đoạn 2 - Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Nhà máy nước Sông Đà cấp nước trở lại Nhà máy nước Sông Đà cấp nước trở lại

TTO - Đến khoảng 22h đêm ngày 16-10, khu vực quận Hà Đông, Hà Nội đã tiếp nhận lại nước từ Nhà máy nước Sông Đà theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.

TRẤN KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên