Trả lời Tuổi Trẻ về bài viết "Phải mua xăng dầu giá cao?" đăng ngày 10-7, ông Nguyễn Việt Thắng - phó tổng giám đốc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR (vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất) - khẳng định cơ chế xác định giá xăng dầu được thực hiện trên cơ sở quy định tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu và do Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chủ trì điều hành, quản lý và giám sát chặt chẽ.
Cụ thể, theo nghị định số 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các nghị định sửa đổi/bổ sung, sản phẩm xăng dầu của BSR được bán ra thị trường qua các thương nhân đầu mối xăng dầu theo hợp đồng định hạn (term) quy định giá 6 tháng/lần và bán theo hợp đồng chuyến (spot) nằm ngoài khối lượng hợp đồng term, trên cơ sở thỏa thuận bình đẳng giữa BSR và các doanh nghiệp đầu mối.
Theo ông Thắng, giá bán xăng dầu của BSR được xác định theo nguyên tắc tương đương và cạnh tranh với nguồn hàng nhập khẩu, nguồn hàng trong nước khác. Theo đó, giá bán xăng dầu được xác định theo công thức giá thế giới (do tạp chí Platts công bố tại thị trường Singapore) + phụ phí thị trường (premium) và các loại thuế theo quy định.
Premium được các bên thống nhất trên cơ sở đánh giá tình hình thị trường tại thời điểm giao dịch và có xét đến yếu tố kỳ hợp đồng, premium giao dịch trên thị trường khu vực và hàng nhập khẩu về VN cũng như lợi thế so sánh giữa nguồn hàng trong nước và nhập khẩu.
Tuy nhiên theo ông Thắng, do thuế nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu từ các nước khu vực ASEAN (theo các hiệp định thương mại ASEAN - ATIGA) hiện nay bằng 0 nên giá nhập khẩu tương đương so với mua BSR.
Trước phản ánh của doanh nghiệp về việc giá hợp đồng mua xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước không linh hoạt, áp dụng cứng theo nguyên tắc 5-1-5, ông Thắng cho rằng giá của hợp đồng định hạn (term) được áp dụng cho kỳ 6 tháng để ổn định cho cả người mua và người bán, được xác định thông qua phương thức chào giá kết hợp.
Trong đó, giá bình quân mỗi chu kỳ giao hàng sẽ được tính trên cơ sở 11 ngày xoay quanh ngày nhận hàng, bao gồm 5 ngày trước, ngày nhận hàng và 5 ngày sau (nguyên tắc 5-1-5) tương tự như các hợp đồng nhập khẩu.
Theo lãnh đạo BSR, việc áp dụng giá bình quân linh hoạt và có thể thay đổi tùy thuộc thỏa thuận của bên bán và bên mua.
Ngoài ra, liên quan đến chi phí vận chuyển, hiện đa số hàng nhập khẩu về thị trường miền Nam (TP.HCM và các khu vực lân cận) tương đương với Dung Quất về miền Nam.
Đối với thị trường phía Bắc, hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc cũng cạnh tranh rất lớn với BSR về vận chuyển.
"Giá bán cùng một công thức, không có chênh lệch giữa hàng nhập khẩu và BSR. Riêng phụ phí (premium) thì tùy từng thời điểm nhưng do thị trường quyết định, có lúc trong nước cao hơn hoặc có khi thấp hơn nhưng không nhiều và phụ phí được các bên thống nhất, thỏa thuận trên cơ sở thuận mua vừa bán, không có bị ép hợp đồng" - ông Thắng khẳng định.
Vì vậy theo ông Thắng, một số ý kiến phản ánh giá bán BSR cao hơn so với hàng nhập khẩu, làm cho giá bán bình quân cao hơn là chưa có căn cứ và không phản ánh sát thực tế.
Như Tuổi Trẻ (ngày 9-7) thông tin, theo một số thương nhân đầu mối, giá thành bình quân nhập vào VN trong 6 tháng đầu năm nay đối với mặt hàng xăng là 21.650 đồng/lít và dầu DO là 18.850 đồng/lít, trong khi mua từ nhà máy lọc dầu trong nước với xăng RON95 là 21.700 đồng/lít và dầu là 18.750 đồng/lít.
Ngoài ra, chi phí premium tại nhà máy trong nước ở mức cố định là 2,8 USD/thùng với xăng và 1,3 USD/thùng với dầu DO, trong khi chi phí này với hàng nhập thay đổi theo ngày và tùy theo kích cỡ lô hàng nhưng giá bình quân là 80 cent - 1 USD/thùng với dầu và 2 USD/thùng với xăng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận