Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 chưa được cấp chứng nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường nhưng đã phát điện. Trong ảnh: tại bãi thải xỉ của Trung tâm điện lực Duyên Hải, Trà Vinh - Ảnh: V.TR. |
Chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường nhưng trước áp lực nhu cầu điện miền Nam, Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 ở tỉnh Trà Vinh đã phát điện thương mại suốt 10 tháng qua.
Phê duyệt một đằng, làm một nẻo?
Có mặt tại Trung tâm điện lực Duyên Hải ở xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh những ngày cuối tháng 10, chúng tôi thấy nhiều xe tải chuyên dụng hứng xỉ thải trực tiếp ở 3 bể chứa (silô) cao hàng chục mét rồi chở ra đổ ở bãi thải rộng 39ha sát bờ biển.
Đây là xỉ thải của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, là loại xỉ khô chứ không phải xỉ ướt như đã nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt tháng 12-2009. Mặc dù nhà máy mới vận hành 10 tháng nhưng bãi thải đã có hơn 1 triệu tấn xỉ than.
Ông Âu Nguyễn Đình Thảo, phó giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, cũng xác nhận Nhà máy Duyên Hải 1 đang sử dụng công nghệ thải xỉ khô.
Vì sao chủ đầu tư thay đổi công nghệ thải xỉ ướt thành khô? Trả lời Tuổi Trẻ, một đại diện Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết Duyên Hải 1 là nhà máy đầu tiên được lập dự án trong Trung tâm điện lực Duyên Hải nên đã lên phương án thải xỉ ướt.
Trong quá trình triển khai dự án, do khả năng về nguồn cấp nước ngọt và diện tích đất hạn chế, nên phương án thải xỉ khô là phù hợp hơn. Do đó chủ đầu tư đã lựa chọn phương án thải xỉ khô để đảm bảo khả năng tái sử dụng tro xỉ và hóa giải nguy cơ về môi trường.
Trong văn bản trả lời, EVN cũng giải thích công nghệ thải xỉ khô được áp dụng rộng rãi trên thế giới, phù hợp với khu vực huyện Duyên Hải rất khan hiếm nước ngọt. EVN cho biết việc thay đổi công nghệ thải xỉ đơn vị này đã báo cáo với Tổng cục Môi trường.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Anh Dũng - phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - cho biết dự án Trung tâm điện lực Duyên Hải nằm trên địa bàn tỉnh nhưng do trung ương quản lý nên tỉnh không được biết việc Nhà máy Duyên Hải 1 tự thay đổi công nghệ thải xỉ và phát điện khi chưa đủ điều kiện về môi trường.
Ông Dũng nêu khi ra Hà Nội công tác, lãnh đạo tỉnh có qua Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) báo cáo việc này. Sau đó, bộ cho kiểm tra thì phát hiện Tổng cục Môi trường có cho phép Nhà máy Duyên Hải 1 thay đổi công nghệ thải xỉ. Sau đó, Bộ TN-MT đã thu hồi văn bản này. “Chúng tôi mong Bộ TN-MT sớm kết luận vụ việc” - ông Dũng nói.
Phóng viên Tuổi Trẻ đã đặt câu hỏi cho Bộ TN-MT: “Vì sao Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 chưa được xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường mà vẫn để nhà máy phát điện?”. Bộ TN-MT đã giao Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường trả lời.
Tuy nhiên, ông Lương Duy Hanh (cục trưởng) cho biết cục đang thu xếp cuộc họp với các chuyên gia để xem xét các vấn đề tồn tại của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1. Khi nào có kết quả mới trả lời.
Theo đánh giá tác động môi trường được Bộ TN-MT phê duyệt, Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 và 3 có bốn tổ máy, công suất 600 MW/tổ.
Tuy nhiên thực tế hiện nay công suất đã được nâng lên 622,5 MW/tổ. EVN giải thích việc thay đổi công suất của nhà máy là do mẫu máy của nhà sản xuất. Điều này phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt và cũng đã được Tổng cục Môi trường chấp thuận.
Thiếu... thủ tục
Theo quy định, trước khi vận hành chính thức thì EVN phải lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án gửi Bộ TN-MT kiểm tra, xem xét cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường.
Ông Đỗ Diễn Tài, phó giám đốc Ban quản lý dự án nhiệt điện 3, xác nhận hiện tại Bộ TN-MT vẫn chưa cấp giấy xác nhận này cho Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1. “Thực tế chúng tôi chỉ thiếu thủ tục xác nhận thôi. Còn các thông số kỹ thuật khí thải, khói, bụi... đều đã được bộ vào đo đạc. Tất cả đều nằm trong giới hạn cho phép”.
Ông Âu Nguyễn Đình Thảo cho biết thêm Nhà máy Duyên Hải 1 có hai tổ máy công suất 1.245 MW. Trong 9 tháng đầu năm nay đã chuyển tải lên lưới điện quốc gia khoảng 5 tỉ kWh điện.
“Nếu chờ thủ tục cấp giấy xác nhận của Bộ TN-MT mới được vận hành chính thức thì 9 tháng qua EVN phải chi thêm 10.000 tỉ đồng để phát điện bằng dầu cho 5 tỉ kWh điện mà Nhà máy Duyên Hải 1 đã sản xuất” - ông Thảo nói.
Ngoài việc chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, Nhà máy Duyên Hải 1 cũng chưa được Bộ TN-MT cấp phép sử dụng nguồn nước và giấy phép xả thải vào nguồn tiếp nhận.
Trong khi đó hằng ngày nhà máy này sử dụng và thải ra môi trường một lượng nước rất lớn. Tổng lưu lượng nước thải thường xuyên từ hoạt động vận hành của nhà máy lên tới hơn 4,8 triệu m3/ngày.
Bộ TN-MT cũng đã kiểm tra, lấy mẫu phân tích xem nước thải ra biển có an toàn không nhưng chưa trả lời cho Tuổi Trẻ biết kết quả.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Lương Duy Hanh cho biết đoàn công tác của bộ đã vào làm việc với Công ty Nhiệt điện Duyên Hải. Bộ đang thu xếp mời các chuyên gia họp xem xét, đánh giá các vấn đề tồn tại của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, trong đó có việc chủ đầu tư thay đổi công nghệ thải xỉ ướt thành khô. Hiện bộ chưa kết luận có chấp thuận cho EVN thay đổi công nghệ thải xỉ hay không.
Lee & Man: “Khi nào cơ quan chức năng cho phép mới vận hành” Đó là khẳng định của ông Patrick Chung, Công ty sản xuất giấy Lee & Man VN, tại buổi họp báo ở Hà Nội ngày 1-11 để cung cấp thông tin liên quan đến Công ty Lee & Man “bức tử” sông Hậu mà Tuổi Trẻ đã đăng tải. Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy của Lee & Man tại Hậu Giang sẽ bao gồm hai dự án đầu tư nhà máy sản xuất bột giấy và nhà máy sản xuất giấy bao bì cao cấp. Tuy nhiên tại họp báo, ông Chung một lần nữa khẳng định cho đến thời điểm này công ty chưa tính đến việc đưa vào vận hành nhà máy bột giấy. Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường cho nhà máy giấy khi nào sẽ được công ty hoàn thiện và gửi lên cơ quan chức năng để thông qua, ông Chung cho biết sẽ gửi trong thời gian sớm nhất. Đồng thời khẳng định sẽ nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và chỉ khi nào có sự đồng thuận của cơ quan hữu quan liên quan mới đưa vào vận hành nhà máy. Công ty Lee & Man cho biết sau hoạt động thanh tra toàn diện nhà máy của Bộ Tài nguyên - môi trường diễn ra tháng 7 vừa qua, nhà máy này đã bổ sung một số hạng mục công trình để đáp ứng yêu cầu của cơ quan chức năng. Cụ thể, công ty đưa vào hệ thống xử lý nước thải ba cấp, trong đó đã đưa vào bể sinh thái lớn có sức chứa ba ngày xả thải, ông Chung khẳng định đảm bảo 100% an toàn với môi trường. Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về công nghệ sử dụng hiện nay, tổng giám đốc Công ty Lee & Man khẳng định các thiết bị được nhập khẩu từ Đức, Mỹ. Tuy nhiên, khi được đặt câu hỏi nếu có vi phạm gây nên ô nhiễm môi trường, công ty có chấp thuận “đóng cửa nhà máy”, ông Chung không trực tiếp trả lời mà chỉ khẳng định sẽ tuân thủ quy định, pháp luật của VN. |
Xỉ than đảm bảo an toàn Công ty Nhiệt điện Duyên Hải cho biết Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 2 (Quatest 2) đã phân tích các mẫu xỉ than của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 tại bể chứa tro và bãi xỉ. Kết quả: hàm lượng thành phần các chất đều nằm trong giới hạn cho phép, tức không phải là chất thải độc hại. EVN nêu đã nỗ lực tìm kiếm đối tác tiêu thụ xỉ thải và hiện có ba doanh nghiệp đã ký hợp đồng mua 1,62 triệu tấn xỉ/năm làm gạch không nung. Ngoài ra, ngày 2-3-2016 Tổng cục Môi trường đã có văn bản cho phép tận dụng xỉ than của các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân và Duyên Hải để san lấp mặt bằng Khu công nghiệp Ông Kèo ở Đồng Nai. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận