17/08/2017 07:54 GMT+7

Nhà máy Mỹ đỏ mắt tìm công nhân

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Trong khi các nhà máy ở Mỹ đang vận hành những cỗ máy tối tân, thì công nhân lại là những người không “tối tân” như thế.

*** Error ***
Công nhâm Mỹ hiện có rất nhiều cơ hội việc làm nhưng trình độ lại ít tương xứng với yêu cầu vận hành máy móc phức tạp - Ảnh: REUTERS

“Kiểu nhà máy hiện nay không giống những gì chúng ta biết ở những năm 1960 hay 1980, hoặc thậm chí là năm 2000

YANNICK SCHILLY (lãnh đạo Công ty chuyên tự động hóa và thiết bị khí nén Festo)

Tuần trước, ban vận động chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố đoạn video cho chiến dịch 2020 với những thông tin tích cực từ 7 tháng cầm quyền của ông Trump, bao gồm “tạo ra 1 triệu việc làm” và “tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất từ năm 2001 tới nay”.

Nghịch lý

Lĩnh vực lao động, việc làm là một trong những điểm hiếm hoi ông Trump đã thực hiện tốt theo lời hứa lúc tranh cử năm 2016. Với tuyên bố mang lại việc làm cho người Mỹ, ông Trump đã nhận những lá phiếu của thành phần “cổ xanh”, tức công nhân. Tuy nhiên, vẫn có những lấn cấn nhất định bên cạnh thống kê tích cực.

Hãng tin AP ngày 15-8 dẫn lại câu chuyện của Herbie Mays, một công nhân hiện thất nghiệp, để diễn tả nghịch lý rằng: trong khi số lượng việc làm đang đầy ắp, dân thất nghiệp ở các ngành công nghiệp rất nhiều, hoặc không có mức lương như mong đợi.

Ông Mays là một trong những công nhân phải rời khỏi 3M, tập đoàn kinh doanh đa ngành ở bang Minnesota (Mỹ) hồi tháng 3 năm nay. Với xu hướng cắt giảm chi phí và tái tập trung vào các danh mục đầu tư, 3M đóng cửa công ty thuộc nhánh sản xuất các dụng cụ y tế của mình.

Ở tuổi 62, giờ đây ông Mays không thể tìm được công việc như ý nữa, bất chấp gần khu ông ở có GE Aviation - một công ty đang mở rộng và tuyển dụng đông đảo.

Nguyên nhân đơn giản vì ở GE, công nhân phải có trình độ cao, đáp ứng được những công việc đòi hỏi kỹ năng để chế tạo động cơ máy bay ít tốn nhiên liệu hơn và vận hành ở nhiệt độ cao hơn. “Nếu bạn không theo kịp thời đại, bạn sẽ mất cơ hội” - ông Mays chia sẻ.

Tại bang Ohio có khoảng 30.000 vị trí làm việc trong các nhà máy như thế đang cần người, nhưng ít người có đủ trình độ ứng tuyển. Dữ liệu liên bang cho hay trong 7 năm qua, các nhà máy Mỹ đã tuyển gần 1 triệu việc làm, trong đó có tới gần 390.000 công việc tương tự như ở GE.

Khoảng cách trình độ

Theo dự báo của Công ty tư vấn Deloitte và Viện Việc làm Mỹ, trong thập kỷ tới các nhà máy sẽ cần lấp đầy 2 triệu công việc. Tuy nhiên các công nhân chuyên xử lý các công việc lặp đi lặp lại như ông Mays sẽ không còn mấy hữu dụng.

Đơn giản vì trong thời đại máy móc, công nhân phải là những người vận hành được những cỗ máy điều khiển bằng phần mềm, vi tính, bao gồm robot, để đáp ứng những yêu cầu phức tạp.

Trong khi đó, phần lớn những lao động có trình độ cao đang tập trung vào ngành nghề khác. Số liệu của Công ty phân tích thị trường Burning Glass Technology cho thấy vào năm ngoái, ngành nhân viên kinh doanh đứng đầu bảng tuyển dụng, tiếp đến là ngành phát triển phần mềm.

Một vấn đề nữa là trong khi nước Mỹ đang bùng nổ việc làm, các công ty nơi đây không sẵn sàng đào tạo công nhân. Thay vào đó, họ mong muốn tuyển dụng những người sẵn sàng vào việc ngay, có trình độ cao.

Scott Paul, chủ tịch Liên minh các nhà sản xuất Mỹ, nhận xét rằng chi phí đào tạo tại tất cả các ngành công nghiệp nhà nước lẫn tư nhân đều giảm trong hai thập kỷ qua. Nước Mỹ hiện tại kém hẳn các đối thủ ở châu Âu và Nhật Bản trong việc đào tạo công nhân.

Theo dữ liệu của Chính phủ Hoa Kỳ, công nhân nhà máy sản xuất ở Mỹ, bao gồm các vị trí quản lý, nhận thù lao trung bình 44.000 USD/năm. Con số này tăng chỉ 2,8% và đã điều chỉnh theo tỉ giá lạm phát, so với một thập kỷ trước.

Tuy nhiên, nếu là một kỹ sư điện tử có bằng cấp hẳn hoi, được đào tạo 4 năm, thì sẽ nhận mức lương trung bình 97.000 USD/năm, còn một nhà phát triển phần mềm nhận 100.000 USD/năm.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên