Hai bể nước treo và cột ống khói là một phần của nhà máy kẽm hiện thuộc khu vực quản lý của Công ty TNHH Sao Vàng - Ảnh: Đức Hiếu |
Tôi không phản đối việc xây dựng để phát triển nhưng phải kết hợp bảo vệ công trình mang dấu ấn công nghiệp VN từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 này |
Điều đáng kinh ngạc là sự tồn tại khá nguyên vẹn của nhà máy kẽm này trong khi ở VN cũng như ở Đông Nam Á hầu như không nơi nào có, thậm chí rất hiếm thấy cả trong phạm vi toàn cầu |
Theo TS Nguyễn Việt (giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á), Nhà máy kẽm Quảng Yên là một trong những công trình công nghiệp đầu tiên tại Quảng Ninh, được người Pháp xây dựng từ khoảng năm 1912 - 1913. Theo quan sát của PV, hiện nay nhà máy thép còn lại hai ống khói, hai bể nước treo, khung nhà máy sàng quặng và khá nhiều bồn, trụ lớn thuộc phần đất do tiểu đoàn 1047 (lữ đoàn 147 hải quân) và Công ty TNHH Sao Vàng quản lý.
Đầu tháng 11-2015, UBND thị xã Quảng Yên đã có văn bản đề nghị được tháo dỡ các công trình cũ của nhà máy kẽm để đảm bảo an toàn (cột ống khói được xây bằng gạch cao hàng chục mét đứng sừng sững bên cạnh những khu nhà xưởng sản xuất mũ giày, mũ dép của Công ty Sao Vàng với cả ngàn công nhân làm việc bên trong - PV) và chuẩn bị mặt bằng xây dựng tổ hợp trung tâm tài chính, thương mại của Công ty cổ phần tập đoàn Đại Dương theo quy hoạch được duyệt.
Ngày 24-11, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh có công văn gửi phúc đáp UBND thị xã Quảng Yên, trong đó có nhấn mạnh: “Đề nghị UBND thị xã Quảng Yên phối hợp với Sở VH-TT&DL và các tổ chức nghiên cứu về lịch sử để xem xét nếu nhà máy kẽm cũ có giá trị lịch sử cần gìn giữ, tôn tạo và phát huy thì đề xuất với UBND tỉnh xem xét, chấp thuận phương án bảo tồn, tôn tạo (giữ lại hoặc giữ lại một phần đảm bảo lưu trữ được dấu tích lịch sử gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương)”.
Ngày 19-12, TS Nguyễn Việt trong đơn kiến nghị dự kiến gửi Hội đồng di sản quốc gia, Hội Di sản văn hóa VN, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) và Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh đã viết: “Phạm vi xây dựng trung tâm thương mại bao trùm hầu hết phần hiện còn của Nhà máy kẽm Quảng Yên - một công trình kiến trúc công nghiệp có giá trị văn hóa, lịch sử cao, được xây dựng và hoạt động từ trên dưới 100 năm trước. Đáng tiếc trong quyết định phê duyệt 1108/QĐ-UBND chỉ quan tâm đến vấn đề môi trường mà đã quên đi hiện trạng di sản với một công trình kiến trúc công nghiệp đồ sộ gồm hai ống khói cao hiếm có và hệ thống tháp nước, nhà tuyển, lò luyện, bến cảng bằng bêtông phân bố trên mấy ngàn mét vuông... Nguy cơ một công trình di sản kiến trúc công nghiệp đồ sộ, hiếm có bị san phẳng hoàn toàn trở thành hiện hữu trước mắt”.
Ông cũng thẳng thắn nói rằng việc để cho công trình kiến trúc công nghiệp này hoang tàn, xuống cấp là trách nhiệm của ngành di sản văn hóa, khi đã không xếp hạng di tích để có chế độ bảo tồn, phát huy thích đáng.
“Chúng ta cần công tâm trước số phận một di sản kiến trúc quý hiếm, đồng thời không thể xem nhẹ sự an toàn và tính mạng của người dân” - TS Nguyễn Việt nêu quan điểm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TSKH Vũ Minh Giang (ĐH Quốc gia Hà Nội, phó chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia) cũng đồng tình cần phải giữ lại Nhà máy kẽm Quảng Yên: “Tôi ủng hộ giữ Nhà máy kẽm Quảng Yên như một di sản, bởi vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, nước ta được coi là nơi có ngành công nghiệp kẽm quan trọng nhất Đông Nam Á”.
PGS.TS Đặng Văn Bài (phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN) thì cho rằng: “Tôi nghĩ rằng xây thì vẫn có thể xây, nhưng phải giữ lại những cột ống khói của nhà máy kẽm. Nếu phá cả những cột ống khói đi thì rất vô lý. Tôi không phản đối việc xây dựng để phát triển nhưng phải kết hợp bảo vệ công trình mang dấu ấn công nghiệp VN từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 này”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Đức Hưởng - phó chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên - nói: “Trong tháng 1-2016, chúng tôi sẽ có văn bản gửi các sở liên quan để thực tế, đánh giá về giá trị công trình, nếu thấy cần thiết thì sẽ xin ý kiến chỉ đạo từ phía UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét có điều chỉnh quy hoạch, có tháo dỡ công trình hay không. Trong thời gian này, các đơn vị không được hoạt động gì liên quan đến việc tháo dỡ cả. Còn về ý kiến của ông Nguyễn Việt là thành lập bảo tàng lịch sử công nghiệp tại đây, chúng tôi cũng sẽ đưa ra để lấy ý kiến các sở ngành liên quan”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận