Lãnh đạo Công ty cổ phần xuất nhập khẩu gạo Ngọc Thiên Phú đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi vì khu vực này không được xây dựng nhà máy gạo mà chuyển thành công viên, giải trí - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 4-5, phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, ông Lê Thành Nhân - giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu gạo Ngọc Thiên Phú cho biết từ năm 2017, đơn vị đã có chủ trương đầu tư của Sở Kế hoạch - đầu tư An Giang về việc xây dựng dự án đầu tư "nhà máy chế biến xuất khẩu gạo Ngọc Thiên Phú" (gọi tắt nhà máy gạo) tại thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú với quy mô hơn 2.700 tỉ đồng.
Dự án đã được Sở Tài nguyên - môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đến nay, công ty đã góp vốn đầu tư hơn 20% trên tổng vốn đầu tư, ước trên 540 tỉ đồng (mua đất, thuê đất, mua sắm tài sản và san lấp mặt bằng…) để xây dựng trên diện tích 25.000m2.
Ngày 19-5-2021, Công ty Ngọc Thiên Phú nộp bản vẽ chi tiết 1/500 gửi Phòng kinh tế - hạ tầng huyện Châu Phú xin phê duyệt quy hoạch, nhưng 6 tháng trôi qua, chính quyền huyện Châu Phú không trả lời bất kỳ văn bản nào.
Mãi đến ngày 11-2, Phòng kinh tế - hạ tầng huyện Châu Phú trả lời văn bản như sau: "Theo quyết định số 3241, ngày 31-12-2021 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu huyện Châu Phú. Vị trí xin thực hiện dự án nhà máy gạo được quy hoạch là khu vui chơi giải trí công cộng, không phải đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. Vì vậy, chưa đủ điều kiện cấp phép quy hoạch cho Công ty Ngọc Thiên Phú".
Toàn cảnh trong khu vực dự án hơn 25.000m2 của dự án nhà máy gạo Ngọc Thiên Phú nay đã hoang vu, cỏ mọc um tùm do không thi công dự án được - Ảnh: BỬU ĐẤU
Theo ông Nhân, dự án được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích đất là đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (phù hợp với mục tiêu của dự án). Tuy nhiên, theo quyết định số 3241 của UBND tỉnh An Giang, tại vị trí thực hiện dự án nhà máy gạo bị quy hoạch là khu vui chơi giải trí công cộng, không phải đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, nên công ty không thể triển khai thực hiện dự án đúng theo quy định.
"Hiện chính quyền trì hoãn ngày nào chúng tôi sẽ thua lỗ ngày đó, ngày càng nhiều hơn. Tiền vay mấy chục tỉ đồng giờ phải đóng tiền lãi hơn 400 triệu đồng/tháng. Tại sao lại xuất hiện quy hoạch đất làm công viên ở đây? Nếu quyết định làm công viên thì ai sẽ bồi thường thỏa đáng các chi phí đầu tư mua đất của doanh nghiệp?", ông Nhân đặt câu hỏi.
Trong khi đó, một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho biết: "Sau khi hội ý các ngành chuyên môn, chúng tôi đã giao Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh và huyện Châu Phú phối hợp tổ chức đối thoại với doanh nghiệp. Huyện Châu Phú mong muốn hình thành cây xanh ở khu vực dự án vì khu vực này đang nằm trong vùng sạt lở. Khi nào có kết quả chúng tôi sẽ thông tin".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận