16/02/2019 06:00 GMT+7

Nhà máy gang thép Thái Nguyên: 8.100 tỉ đồng thành đống sắt gỉ

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên có tổng mức đầu tư 8.100 tỉ đồng được xây dựng từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn 'đắp chiếu', Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại dự án này.

Nhà máy gang thép Thái Nguyên: 8.100 tỉ đồng thành đống sắt gỉ - Ảnh 1.

Toàn cảnh dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Thái Nguyên - Ảnh: NAM TRẦN

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, ngày 15-2, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận thanh tra dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Hiện nay, tuy nhà thầu Trung Quốc đã rút người về sau khi nhận hơn 90% tiền của chủ đầu tư thanh toán nhưng nhà máy vẫn chỉ là đống sắt nằm im lìm.

Rót 4.500 tỉ đồng, dự án vẫn là đống sắt gỉ

Theo kết luận thanh tra, từ tháng 10-2004, Thủ tướng Chính phủ có văn bản cho phép TISCO lập báo cáo nghiên cứu khả thi nâng công suất sản xuất phôi thép từ 250.000 tấn lên 750.000 tấn/năm. Khoảng nửa năm sau, Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư.

Dự án có 2 gói thầu chính là mỏ sắt Tiến Bộ tổng giá trị 442 tỉ đồng và gói thầu tổng EPC số 01 dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá tổng giá trị 143 triệu USD (tương đương gần 2.300 tỉ đồng). Ngoài ra, dự án còn phải thực hiện 22 gói thầu khác.

Nhà máy gang thép Thái Nguyên nhìn từ trên cao - Video: NAM TRẦN

Theo số liệu của TISCO, tổng giá trị thanh toán tính đến 31-12-2016 là gần 4.500 tỉ đồng, trong đó chi phí thiết bị hơn 2.100 tỉ, chi phí xây dựng gần 1.000 tỉ... Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả của dự án là 3.900 tỉ (hiện lãi vay phải trả trên 40 tỉ đồng/tháng).

Mặc dù hơn 4.500 tỉ đồng đã được đổ vào đây nhưng thực tế cỏ dại mọc xung quanh nhà máy, khắp nơi là ống thép, khung nhà, thiết bị... làm dở dang. Từ nhiều năm nay nhà máy này "đắp chiếu", các thiết bị được đầu tư mua tiền tỉ về lắp đặt nay chịu cảnh gỉ sét.

Theo TTCP, thực tế dự án này đã phải kéo dài, chậm tiến độ trên 10 năm, đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay. Tổng mức đầu tư của dự án đã phải tăng nhưng toàn bộ các hạng mục chính chưa hoàn thành. Nhà thầu là Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc chưa chuyển đủ thiết bị theo danh mục, tình trạng máy móc thiết bị hư hỏng, sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật... ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án.

Nâng tổng mức đầu tư lên 8.100 tỉ sai quy định

Một trong những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng được TTCP chỉ ra là tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh tăng thêm hơn 4.200 tỉ đồng thiếu cơ sở căn cứ pháp lý.

Theo đó, trên cơ sở báo cáo của TISCO, tháng 8-2012 Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) có văn bản gửi Bộ Công thương. Sau đó, bộ này báo cáo Thủ tướng đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 3.800 tỉ lên 8.100 tỉ.

Ngày 20-11-2012, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của phó thủ tướng giao Bộ Công thương tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành về đề nghị tăng tổng mức đầu tư dự án.

5 tháng sau, cơ quan này tiếp tục có văn bản gửi Bộ Công thương và VNS thông báo ý kiến của phó thủ tướng về tổng mức đầu tư. Ngày 15-5-2013, chủ tịch HĐQT TISCO ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng thêm hơn 4.200 tỉ, thời gian thực hiện đến hết năm 2014 đi vào hoạt động.

Theo kết luận thanh tra, trước khi tổng mức đầu tư dự án được tăng lên 8.100 tỉ, Văn phòng Chính phủ yêu cầu một số bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước cho ý kiến. Các bộ, ngành có ý kiến việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là thiếu cơ sở căn cứ pháp lý, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án.

Kết quả thanh tra cho thấy TISCO, VNS và các cơ quan tư vấn, Bộ Công thương đã có nhiều khuyết điểm sai phạm. Cụ thể, theo quy định thì dự án không được điều chỉnh tổng mức đầu tư do sử dụng trên 30% vốn nhà nước và không có cơ sở điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với hợp đồng EPC 01. Việc thẩm tra và rà soát hiệu quả kinh tế chưa được thực hiện đầy đủ.

Theo kết luận thanh tra, Văn phòng Chính phủ còn có 2 văn bản trình phó thủ tướng và thông báo ý kiến của phó thủ tướng, trong đó có nội dung đồng ý TISCO thanh toán các khoản chi phí trả cho MCC (vật tư và thiết bị hư hỏng bởi gỉ sét, lão hóa do để lưu kho bãi lâu ngày...).

"Những nội dung nêu tại 2 văn bản này không đúng với hợp đồng EPC, quy định pháp luật về đầu tư", TTCP kết luận. Trách nhiệm liên quan đến việc tăng tổng mức đầu tư này theo TTCP thuộc về lãnh đạo và các cán bộ liên quan thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, lãnh đạo của VNS, TISCO...

Nhà máy gang thép Thái Nguyên: 8.100 tỉ đồng thành đống sắt gỉ - Ảnh 3.

Dự án mở rộng giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) - Đồ họa: T.ĐẠT

Chuyển kết luận thanh tra đến Cơ quan cảnh sát điều tra

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra sai phạm, khuyết điểm của 11 cơ quan bộ ngành và cơ quan chính phủ. Trong đó trách nhiệm chính thuộc về TISCO. Đơn vị này đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa đầy đủ cơ sở trình VNS, Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ; thành lập ban quản lý dự án không đủ năng lực; phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu EPC không đúng quy định...

Tổng công ty Thép Việt Nam là đại diện chủ sở hữu vốn tại TISCO nhưng không làm đầy đủ trách nhiệm. Cơ quan này đã chấp thuận nội dung báo cáo do TISCO lập chưa đầy đủ cơ sở trình Bộ Công thương và Thủ tướng; thẩm định phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu cơ sở; thiếu kiểm tra giám sát... Nhà thầu Trung Quốc không thực hiện các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai chủng loại, xuất xứ, chưa hoàn trả nhiều khoản tiền thuế cho TISCO.

Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Xây dựng có ý kiến thống nhất trình Thủ tướng điều chỉnh tăng chi phí phần C 15,57 triệu USD từ nguồn dự phòng của dự án không làm tăng tổng mức đầu tư nhưng không đúng với hợp đồng EPC.

TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra những sai phạm có dấu hiệu hình sự. TTCP đã chuyển nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan cho Cơ quan cảnh sát điều tra. Trong đó có sai phạm liên quan đến việc tổng giám đốc TISCO và một số cán bộ ký hợp đồng, văn bản tiếp nhận nhiều loại máy móc, thiết bị không đúng chủng loại, thông số kỹ thuật ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Tổng giám đốc TISCO và một số cán bộ trình, phê duyệt và thanh toán nhiều khoản tiền cho nhà thầu vi phạm quy định.

TTCP cũng chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, sai phạm thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Nhà máy gang thép Thái Nguyên: 8.100 tỉ đồng thành đống sắt gỉ - Ảnh 5.

Do để ngoài trời nên một số nguyên vật liệu và thiết bị đã bị gỉ sét - Ảnh: NAM TRẦN

Nhà máy gang thép Thái Nguyên: 8.100 tỉ đồng thành đống sắt gỉ - Ảnh 6.

Nhà máy gang thép Thái Nguyên - Ảnh: NAM TRẦN

Nhà máy gang thép Thái Nguyên: 8.100 tỉ đồng thành đống sắt gỉ - Ảnh 7.

Nhà máy gang thép Thái Nguyên - Ảnh: NAM TRẦN

Nhà máy gang thép Thái Nguyên: 8.100 tỉ đồng thành đống sắt gỉ - Ảnh 8.

Nhà máy gang thép Thái Nguyên - Ảnh: NAM TRẦN

Nhà máy gang thép Thái Nguyên: 8.100 tỉ đồng thành đống sắt gỉ - Ảnh 9.

Nhà máy gang thép Thái Nguyên - Ảnh: NAM TRẦN

Nhà máy nợ nần, sếp Gang thép Thái Nguyên xây "biệt phủ"

TTO - Trong khi Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đang nợ nần chồng chất, ông Trần Văn Khâm, lãnh đạo chủ chốt của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên từ năm 2009 đến nay lại xây biệt thự hoàng tráng to nhất vùng.


THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên