03/11/2016 15:54 GMT+7

​Nhà máy Ethanol: đập bỏ hay hoạt động tiếp?

 VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Các nhà máy sản xuất Ethanol hàng ngàn tỉ đồng rơi vào tình trạng thua lỗ là một trong các dự án được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu tại phiên Quốc hội thảo luận kinh tế xã hội ngày 3-11.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung tại phiên thảo luận ngày 3-11 tại Quốc Hội - Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Đại biểu Huỳnh Thành Chung tại phiên thảo luận ngày 3-11 - Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Cùng với những dự án thua lỗ như xơ sợi Đình Vũ, đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên... Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng mục tiêu lớn nhất là làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và không để mất vốn nhà nước, mất nguồn lực ở các dự án đã thua lỗ này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương mong muốn các đại biểu Quốc hội cùng tham gia thảo luận để tìm hướng tháo gỡ.

Ngay sau phần giải trình của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) đã giơ bảng tranh luận và đưa ra quan điểm về các dự án Ethanol đang thua lỗ. Ông cho rằng cần phải có biện pháp để “gỡ gạc” lại đồng vốn của nhà nước thay vì đập bỏ dự án đã thua lỗ này.

Theo đại biểu này, nguyên nhân thua lỗ của các nhà máy Ethanol là khi lập dự án, giá dầu rất cao nhưng sau đó giá dầu giảm, dẫn tới việc vận hành và chi phí kinh doanh Ethanol không hiệu quả. Tuy nhiên cần tính toán để khôi phục lại các nhà máy này.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung cho biết ông từng có quá trình nghiên cứu về năng lượng sạch và thấy rằng nếu pha trộn với xăng, chỉ 5% Ethanol sẽ giảm được khí phát thải về ô nhiễm môi trường trên 20%.

“Chúng ta không nên xem đó chỉ là vấn đề đầu tư về kinh tế mà phải xem tác động xã hội cũng giống như vấn đề môi trường của quốc gia hiện nay” - đại biểu Huỳnh Thành Chung nói.

Ông đề nghị phải có chính sách để khuyến khích người dân cũng như chế tài để xăng Ethanol được sử dụng một cách triệt để.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung đưa dẫn chứng TP.HCM và Hà Nội hiện nay, khí thải do các phương tiện giao thông đã vượt ngưỡng và có mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng dân cư ở các đô thị lớn.

“Tôi kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ rằng các nhà máy loại này cần có một lăng kính và xem xét theo khía cạnh là nó có tác động xã hội và có hiệu quả nhất định không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt môi trường” - ông Chung đề nghị.

Ông cho rằng cần có hướng để khuyến khích người dân cũng như chế tài để tỷ lệ xăng Ethanol được sử dụng một cách triệt để. Như vậy, sẽ tránh lãng phí tài sản đã đầu tư. Đồng thời với những tỉnh có nhiều vùng đất xấu, chỉ chuyên canh sắn như Tây Ninh, Bình Phước, thì các nhà máy Ethanol sẽ tạo đầu ra cho vùng nguyên liệu thâm canh sắn.

“Những nhà máy này chúng ta đã đầu tư hàng ngàn tỉ, nếu phải đập bỏ hoặc hủy bỏ nó đi thì quá  lãng phí tài sản” - đại biểu Huỳnh Thành Chung nói.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên