Theo trang New Atlas, Công ty Varda ở bang California (Mỹ) thông báo đã triển khai thành công vệ tinh mang "nhà máy dược" trên tên lửa Falcon 9 của Space X, phóng lên vũ trụ vào ngày 12-6 vừa qua.
Trong tuần tới, nhà máy sẽ chạy thử nghiệm các hệ thống.
Nhà máy dược trên không
"Nhà máy dược" này thật ra có kích thước chỉ bằng một quả bóng tập yoga, sẽ quay quanh quỹ đạo trong hơn một tháng ở độ cao hơn 1.000km.
Nó sẽ thử nghiệm sản xuất một loại thuốc HIV/AIDS cũ có tên là Ritonavir. Bộ phận thí nghiệm sẽ làm nóng và làm nguội thuốc để kiểm tra sự khác biệt trong cấu trúc tinh thể của thuốc khi các tinh thể được phát triển trong không gian.
Sau đó vệ tinh sẽ bắn ra một bộ tăng áp cổ điển có góc nghiêng để làm chậm và đưa nhà máy dược trở về hoạt động bình thường, cuối cùng là rơi trở lại Trái đất.
Khi rơi qua chân không của không gian, nhà máy sẽ tăng tốc lên 31.000km/h. Bầu khí quyển sẽ làm nó chậm lại và nóng lên khi không khí bắt đầu dày hơn, nhưng nó sẽ ở tốc độ siêu thanh.
Cho đến khi cách Trái đất khoảng 40km, nó sẽ bung dù để hạ cánh nhẹ nhàng xuống khu vực của không quân Mỹ ở bang Utah.
Các điều kiện khắc nghiệt khi quay trở lại này sẽ không ảnh hưởng đến các loại thuốc kết tinh trên nhà máy.
Công ty gọi đó là "chiếc hộp giao thuốc nhỏ từ thiên đường".
Vì sao phải sản xuất thuốc trong không gian?
Trong môi trường không trọng lực, dòng đối lưu không tồn tại, và các hạt trong chất lỏng không tạo thành khối và nổi lên bề mặt hoặc chìm xuống đáy giống như trên Trái đất.
"Kết quả là sự phân bố kích thước hạt có thể điều chỉnh được, nhiều tinh thể có trật tự hơn và có các dạng mới. Điều này có thể dẫn đến điều kiện sinh học khả dụng được cải thiện, thời hạn sử dụng kéo dài", theo giải thích từ Công ty Varda.
Theo NASA, những yếu tố trên được chứng minh là cực kỳ hữu ích đối với lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), cụ thể là sự phát triển của tinh thể protein.
Chỉ cần một lượng rất nhỏ tinh thể protein hình thành trong điều kiện không trọng lực, các nhà máy dược có thể sản xuất thuốc đủ dùng cho toàn cầu.
Các phòng thí nghiệm vi trọng lực dưới mặt đất đều có thể sản xuất thuốc ở dạng tinh thể với độ chính xác như trên vũ trụ. Nhưng thành phần của những loại thuốc này đòi hỏi số tiền đầu tư "khủng" cho mỗi kg.
Chẳng hạn, thuốc trị liệu miễn dịch bệnh bạch cầu Blincyto có giá 114,3 tỉ USD/kg. Hoặc mRNA của vắc xin COVID-19 của Pfizer ngốn tới hàng chục tỉ USD. Nhưng nếu những tinh thể protein này được sản xuất trong vũ trụ, giá thành sẽ rất thấp.
Hiện nay, chi phí đầu tư cho vệ tinh phóng vào không gian đang giảm mạnh, nhờ các công ty vũ trụ tư nhân như SpaceX với các tên lửa tái sử dụng của họ. Khi Starship đi vào hoạt động, những chi phí đó sẽ còn giảm mạnh hơn nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận