19/10/2015 09:14 GMT+7

Nhà máy 7.000 tỉ đồng ... “đắp chiếu”

MAI CÔNG THÀNH - C.V.KÌNH (dangdv@tuoitre.com.vn)
MAI CÔNG THÀNH - C.V.KÌNH ([email protected])

TT - Chỉ sau hơn một năm hoạt động, nhà máy cùa Tập đoàn dầu khí VN phải liên tục “đắp chiếu”, lỗ hơn 1.700 tỉ đồng và đứng trước nguy cơ phá sản.

Nhà máy ngàn tỉ của PVN hiện vẫn đang phải tạm dừng hoạt động,  chỉ có vài công nhân bảo dưỡng đến trông coi - Ảnh: Mai Công Thành
Nhà máy ngàn tỉ của PVN hiện vẫn đang phải tạm dừng hoạt động, chỉ có vài công nhân bảo dưỡng đến trông coi - Ảnh: Mai Công Thành

Bỏ ra gần 7.000 tỉ đồng đầu tư Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng) với mong muốn VN làm chủ nguyên liệu dệt may.

Thế nhưng chỉ sau hơn một năm hoạt động, nhà máy liên tục “đắp chiếu”, lỗ hơn 1.700 tỉ đồng, đứng trước nguy cơ phá sản…

Nhà máy này do Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỉ đồng), dự định dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi với mục đích giúp VN tự chủ một phần nguyên liệu dệt may.

Nhưng ngay từ khi chạy thử rồi vận hành vào tháng 5-2014, nhà máy này liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng nhà máy...

Ba lần “tạm đắp chiếu”

Có mặt tại nhà máy của PVTex trưa 12-10, trái ngược với dòng xe ra vào cảng Đình Vũ rầm rập đi lại, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi khu vực khuôn viên rộng lớn của nhà máy PVTex không một bóng người, trừ mấy bác bảo vệ ngồi buồn thiu ở cổng.

Bên trong khu vực của nhà máy đều ở tình trạng “cửa đóng then cài”, chỉ có một vài công nhân lo điện nước, bảo dưỡng thiết bị.

Trao đổi với anh Nguyễn Tiến G.A. - nhân viên PVTex, giọng anh ỉu xìu: “Nhà máy phải dừng sản xuất. Từ đầu năm đến giờ dừng mấy lần rồi. Bọn em đang tính phải tìm nghề khác kiếm sống”...

Theo thông tin từ PVTex, đây là lần thứ hai trong năm nay nhà máy lâm vào cảnh “tạm thời đắp chiếu” và là lần thứ ba phải “tạm dừng” kể từ khi hoàn thành việc chạy thử.

Riêng năm 2015, đợt một dừng hoạt động hơn hai tháng từ ngày 6-1 đến 12-3. Đợt hai từ tháng 9-2015 và dự kiến kéo dài đến tận tháng 12.

Nhà máy xơ sợi Đình Vũ được xây dựng với mục tiêu ban đầu đầy tham vọng: đáp ứng 40% thị phần thị trường sản phẩm xơ và 12% sợi trong nước, “hỗ trợ ngành dệt may giảm nhập khẩu, chủ động về nguyên liệu”...

Tuy nhiên, đến nay thành tích của PVTex vẫn là những câu chuyện buồn.

Theo Bộ Công thương, nhà máy của PVTex được thiết kế để sản xuất 500 tấn xơ sợi/ngày, phục vụ ngành công nghiệp dệt, may trong nước.

Thế nhưng ngay khâu thi công nhà máy chậm tiến độ tới... hai năm. Khi đi vào hoạt động năm 2014, chỉ vận hành khoảng bảy tháng nhà máy lỗ hơn 1.085 tỉ đồng, doanh thu không đủ bù chi phí tối thiểu.

Và mục tiêu “hỗ trợ” ngành dệt may giảm nhập khẩu đến nay vẫn là... mong ước. Bởi rất nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước không mua xơ sợi của PVTex do chất lượng và giá hàng nhập khẩu cạnh tranh hơn.

Do nhà máy “đắp chiếu”, khoảng 1.000 công nhân viên PVTex đang phải tạm nghỉ việc.

Tính toán một đằng, thực tế một nẻo

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, ngay từ báo cáo nghiên cứu khả thi nhiều số liệu chứng minh dự án có hiệu quả, cần phải xây dựng nhà máy, nhưng đến nay thực tế vận hành đều... không đúng.

Báo cáo của Bộ Công thương gửi Thủ tướng cũng cho biết nhiều dữ liệu tính toán trong nghiên cứu khả thi “phi thực tế” khiến phát sinh khoản chênh lệch rất lớn so với tính toán.

Cụ thể chi phí điện cả năm theo báo cáo nghiên cứu khả thi chỉ tốn khoảng 4,69 triệu USD, nhưng thực tế lên tới 12 triệu USD; chi phí hóa chất, phụ liệu khác theo tính toán chỉ 500.000 USD song thực tế lên tới 11 triệu USD.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo PVN thừa nhận các chi phí của PVTex như: khí đốt, chi phí nhân công đều tăng 1,5 - 3 lần. Dự kiến nhà máy khi hoàn thành chỉ cần khoảng 500 nhân viên, song thực tế đang phải thuê tới 1.000 nhân viên vận hành nhà máy. Chưa hết, do chất lượng có vấn đề nên có thời điểm PVTex phải đi thuê thêm kho để... chất hàng tồn vì không bán được.

Một điểm đáng chú ý khác, đó là tính toán ban đầu cho rằng nhà máy có khả năng thu hồi vốn trong 8 năm 8 tháng, nhưng khi tính toán lại phải mất tới 22 năm 10 tháng mới thu hồi được vốn, chênh lệch tới 14 năm 2 tháng.

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cho biết năm tháng đầu năm 2015 PVTex sản xuất trên 32.000 tấn sản phẩm nhưng tiêu thụ được chỉ 23.000 tấn, chưa kể còn một phần hàng tồn của năm trước.

Có nghĩa vừa tiêu thụ hết hàng tồn năm 2014 thì tiếp tục… tồn kho sản phẩm năm 2015. Trong khi đó, mỗi tấn sản phẩm PVTex lỗ ít nhất 3,3 triệu đồng.

Đến ngày 31-3-2015, tổng lỗ của PVTex lên tới 1.732 tỉ đồng.

Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng) trị giá hàng ngàn tỉ đồng hiện phải tạm dừng hoạt động - Ảnh: Mai Công Thành
Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng) trị giá hàng ngàn tỉ đồng hiện phải tạm dừng hoạt động - Ảnh: Mai Công Thành

Lại xin cơ chế đặc thù...

Trước thực tế thua lỗ liên tục và sắp hết vốn hoạt động tại PVTex, PVN đã đề nghị Nhà nước cần có hỗ trợ bằng cơ chế đặc thù đưa nhà máy “trăm triệu đô” này hoạt động ổn định và thu hồi vốn đầu tư.

Cụ thể, dù có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngành dệt may nhưng để doanh nghiệp trong nước tăng mua sản phẩm của PVTex, PVN đề nghị Bộ Tài chính áp thuế nhập khẩu và hạn ngạch đối với sản phẩm xơ sợi polyester nhập khẩu.

PVN cũng đề nghị cần miễn giảm thuế giá trị gia tăng; miễn giảm chi phí điện, nước, chi phí thuê đất, chi phí quản lý, xử lý nước thải của Khu công nghiệp Đình Vũ với PVTex trong hai năm...

Đặc biệt, dù đã là cơ chế thị trường nhưng theo Bộ Công thương, PVN đã đề nghị cần cho phép xây dựng cơ chế tiêu thụ sản phẩm trong nước theo hướng yêu cầu các doanh nghiệp dệt may “phải sử dụng các sản phẩm của PVTex”.

PVN đề xuất các nhà máy kéo sợi trong nước muốn được tiếp cận vốn ưu đãi của ngân hàng, ưu đãi thuế... phải dùng sản phẩm xơ sợi DTY nội địa với tỉ lệ ít nhất là 30% trong năm đầu tiên, từ năm thứ hai là 50%.

Mặc dù chia sẻ với khó khăn của PVTex, nhưng nhiều kiến nghị của PVN đã bị Bộ Công thương và Bộ Tài chính đánh giá “trái với cam kết gia nhập WTO” và “không có cơ sở để thực hiện” hay “rất khó thực hiện”.

Để giải quyết khó khăn trước mắt, Bộ Công thương cho biết đã có văn bản gửi các doanh nghiệp, hiệp hội dệt may đề nghị ưu tiên sử dụng các sản phẩm của PVTex. Bộ Tài chính cũng nâng thuế mặt hàng xơ polyester từ 0% lên 2%. Dù vậy, Bộ Công thương vẫn cho rằng “tình hình tài chính của PVTex là hết sức khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản”.

Tồn kho nhiều do giá cao hơn hàng nhập

Theo ước tính của các chuyên gia lâu năm trong ngành xơ sợi, năng lực sản xuất xơ hóa học của VN hiện khoảng 500.000 tấn/năm, trong đó có 200.000 tấn/năm sợi filament, 300.000 tấn/năm xơ polyester, do năm doanh nghiệp trong nước cung ứng là PVTex, Formosa, Hoa Long, Sợi Thế Kỷ và Đông Tiến Hưng. Nhu cầu sử dụng trong nước đối với xơ polyester trên 400.000 tấn/năm.

Năm 2014, VN đã nhập khẩu khoảng 246.000 tấn xơ polyester, trị giá 405,8 triệu USD, chủ yếu từ Đài Loan (khoảng 40%), Thái Lan (26%), Trung Quốc (15%) và Hàn Quốc (18%). Theo Tổng cục Hải quan, giá nhập khẩu trung bình năm 2014 đối với xơ polyester khoảng 1.237 USD/tấn.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, giá thành sản xuất xơ của PVTex trung bình ba tháng cuối năm 2014 khoảng 1.434 USD/tấn. Như vậy, giá xơ của PVTex cao hơn giá nhập khẩu trung bình năm 2014 khoảng 197 USD/tấn.

Một chuyên gia cho rằng nếu PVTex chạy hết công suất thiết kế 145.000 tấn xơ/năm (chứ không phải chỉ khoảng 50% hoặc thấp hơn như hiện nay), giá thành sản xuất xơ của công ty này vẫn cao hơn giá nhập khẩu khoảng 53 USD/tấn.

“Giá cả cao hoặc thấp cũng chỉ là một yếu tố. Vấn đề quan trọng nhất, theo chúng tôi, là chất lượng xơ polyester của PVTex thật sự không ổn định. Cho nên Nhà nước có nâng thuế để hạn chế xơ nhập khẩu như đề xuất của PVTex đi chăng nữa thì các doanh nghiệp sản xuất sợi, dệt vẫn tiếp tục sử dụng nguyên liệu xơ nhập khẩu” - một chuyên gia trong ngành xơ sợi khẳng định.

TRẦN VŨ NGHI

Vinatex đã rút hết vốn khỏi PVTex

Tháng 1-2008, PVTex được thành lập trên cơ sở thỏa thuận giữa Tập đoàn Dầu khí VN và Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) với góp vốn ban đầu cho mỗi bên là 50/50. Sau đó Vinatex và đơn vị thành viên là Tổng công ty CP Phong Phú đã giảm tỉ lệ vốn góp vào PVTex còn 19%, đến tháng 9-2014 hai đơn vị này đã thoái vốn khỏi PVTex.

Nhà thầu EPC của dự án này là liên danh nhà thầu HEC-LGI-PVC (Hàn Quốc và VN). Đơn vị lập báo cáo nghiên cứu khả thi (DFS) là Công ty Industrial Engineering GmbH (Đức).

MAI CÔNG THÀNH - C.V.KÌNH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên