20/08/2024 07:56 GMT+7

Nhà mạng và những 'món nợ' với người dùng

Siết thuê bao di động để hạn chế sim rác, cuộc gọi lừa đảo chuyển qua số điện thoại cố định. Các đầu số 1900 đang bị lạm dụng... Đây là các "món nợ" mà các nhà mạng vẫn chưa giải quyết rốt ráo.

Nhà mạng và những 'món nợ' với người dùng - Ảnh 1.

Người dùng mong nhà mạng trách nhiệm hơn nữa trong việc ngăn các cuộc lừa đảo qua điện thoại - Ảnh: Q.Đ.

Sau nhiều đợt siết thuê bao di động tôi không còn bị làm phiền bởi các sim số rác, nhưng phải đối mặt với một vấn đề mới: các cuộc gọi rác từ số cố định.

Ở quê tôi, sau đợt thay đổi cách thức nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua thẻ ATM, nhiều người đi mua sim đăng ký tài khoản ngân hàng đã gặp phải sim đã qua sử dụng.

Sim mới mua, số đăng ký chính chủ đàng hoàng nhưng người dùng bị nghe cả trăm cuộc gọi đòi nợ kiểu khủng bố mỗi ngày.

Khi đưa sim ra nhờ đại lý can thiệp, họ chỉ hướng dẫn chặn trên điện thoại, nhưng chặn sao hết khi có đến hàng chục số gọi mỗi ngày. Nhà mạng sẽ giải quyết ra sao để bảo vệ người dùng?

Một "món nợ" tiếp theo mà tôi cũng muốn các nhà mạng có câu trả lời rốt ráo, đó là chuyện các đầu số 1900. Ngày nay ai cũng có thể đăng ký một đầu số 1900 để tính cước chiều gọi và nhận chiết khấu từ nhà mạng. Điều này là kẽ hở để các "tổng đài dỏm" giăng bẫy người dùng.

Một người bạn của tôi vừa bị mất "tiền oan" gần 100.000 đồng vì gọi hơn 10 phút đến một tổng đài mạo danh Ngân hàng Vietcombank.

Sau khi mất thẻ ngân hàng, cần gọi tổng đài để khóa gấp nhưng không nhớ số nên bạn tôi gõ tìm kiếm "tổng đài Vietcombank miễn phí" và nhận được các kết quả đầu tiên theo gợi ý của Google...

Sau khi nhấp chuột vào đường link một website, ngay trang chủ hiển thị các số bắt đầu từ 1900xxxxxx. Khi bấm gọi, họ tư vấn dông dài để câu giờ, sau 10 phút "tư vấn" số tiền trong tài khoản điện thoại của người bạn tôi "bị trừ sạch". Nhiều ngân hàng khác và cả tổng đài của các công ty giao hàng cũng đang bị "mạo danh" cách này.

Các nhà mạng chuẩn bị tắt sóng 2G, đây là một xu thế tất yếu nhằm "bịt lỗ hổng an ninh", bảo vệ người dùng. Một mối nguy khác cũng xuất hiện: hàng chục triệu thuê bao chuyển qua 4G, tiếp cận điện thoại thông minh sẽ trở thành nhóm người dùng bị bọn tội phạm lừa đảo nhắm tới.

Đặc biệt là nhóm người dùng lớn tuổi, lần đầu tiên "lên đời" điện thoại, yếu thế về công nghệ, không có kỹ năng phân biệt thật giả, dễ bị lừa cài đặt ứng dụng, nhấp vào link lạ... Nhà mạng không thể "bỏ mặc" người dân giữa ma trận lừa đảo của những tổ chức rất sành sỏi về công nghệ.

Cơ quan quản lý các nhà mạng cần có quy định cụ thể để chặn cuộc gọi rác, "sim từng rác"... và bắt buộc các nhà mạng tuân thủ quy định này.

Ngoài ra, cần siết chặt quản lý, tăng mức phạt (hiện nay mức phạt quá ít so với doanh thu của các nhà mạng) hoặc cấm nhà mạng phát triển thuê bao từng là sim rác, thuê bao mới nếu không tuân thủ.

Đã đến lúc các nhà mạng cần siết chặt quản lý các đầu số 1900 để trả đầu số này về đúng chức năng của nó.

Nhà mạng và những 'món nợ' với người dùng - Ảnh 2.'Bỗng dưng cả phố quảng cáo... hút hầm cầu!': Sẽ xử lý nhà mạng không quản lý được sim rác

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM có phản hồi sau bài phản ánh của báo Tuổi Trẻ về tình trạng số điện thoại của dịch vụ hút hầm cầu dán tràn lan trên cổng rào, tường nhà dân khiến cả khu phố thành nơi quảng cáo cho dịch vụ này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên