26/08/2010 08:45 GMT+7

Nhà lưu trú cho công nhân: "muối bỏ bể"

HỒ VĂN - TRUNG CƯỜNG
HỒ VĂN - TRUNG CƯỜNG

TTO - Tại TP.HCM, theo dự báo đến năm 2015, số lượng công nhân (CN) trong các KCX-KCN tăng 500.000 người, trong đó số CN có nhu cầu về nhà ở khoảng 40%.

Tuy nhiên hiện nhà lưu trú cho CN như “muối bỏ bể”, trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư không mặn mà với việc xây nhà lưu trú. Nguyên nhân do đâu?

"Muối bỏ bể"

ywGXfgyd.jpgPhóng to
Nhà lưu trú cho CN của công ty Acecook

Chúng tôi đến nhà lưu trú của Công ty Nissei (Khu chế xuất Linh Trung 1) gặp lúc nhóm CN ca ba chuẩn bị vào công ty làm việc. Hai block nhà lưu trú năm tầng trông như những khu chung cư hiện đại khang trang. CN ở đây cho biết nhà lưu trú trang bị máy giặt, máy nước nóng... cho CN sử dụng miễn phí.

Phương, CN ở đây nói trước đây cô thuê nhà ở gần chợ Linh Xuân, chi phí các khoản đã hết một nửa thu nhập, khi chuyển vào nhà lưu trú đỡ được chi phí nhà trọ. “Khi ở nhà trọ đi làm về là ngủ vùi, áo quần dơ dồn đến cuối tuần mới giặt. Giờ ở nhà lưu trú chỉ cần bấm nút máy giặt là xong”, Phương nói.

Nhà lưu trú Nissei còn có thư viện đủ loại sách báo, tạp chí để CN đọc khi rảnh rỗi, hay vào phòng karaoke “làm ca sĩ”. Anh Huỳnh Lê Khanh, giám đốc phòng tổng vụ công ty Nissei, cho hay hai block có sức chứa gần 1.500 người hiện đã lấp đầy. Mỗi phòng rộng 24m2 cho tám CN ở, chiếu, chăn, mùng cũng do công ty trang bị.

Ngoài Nissei, công ty Acecook cũng xây dựng một khu nhà lưu trú năm tầng với sức chứa 500 người. “CN đã đăng ký vào ở gần đầy, tuy nhiên do chưa có đường vào nên nhiều CN chưa vào ở”, một cán bộ Văn phòng công ty Acecook cho biết.

Ban quản lý các Khu chế xuất-công nghiệp TP (Hepza) cho biết nhiều DN đang có xu hướng xây nhà lưu trú cho công nhân mình ở miễn phí. Tuy nhiên chỉ mới vài ba DN tự bỏ tiền túi ra, còn lại các dự án nhà lưu trú đều do các DN đầu tư để kinh doanh.

Theo kế hoạch, từ 2009-2015, TP.HCM xây dựng 18 nhà lưu trú công nhân với 91.730 chỗ ở. Số chỗ ở này nếu hoàn tất cũng chưa đáp ứng được 50% nhu cầu của CN. Theo ông Nguyễn Tấn Định, phó ban quản lý Hepza, thiếu sót ngay từ đầu của TP là trong quy hoạch hạ tầng các KCX-KCN, các công ty hạ tầng không dành đất để xây nhà lưu trú. Khi nhận ra thiếu sót này thì quỹ đất không còn, trong khi nhiều DN đang có nhu cầu xây dựng nhà lưu trú nhưng không tìm ra đất để xây.

Nhiều trở ngại

TP.HCM đang quy hoạch tạo quỹ đất khoảng 48 ha gần các KCX-KCN để mời gọi các DN xây nhà lưu trú cho khoảng 144.000 CN.

Hiện tại, các dự án xây nhà lưu trú của các DN kinh doanh, chủ công ty hạ tầng đang gặp không ít trở ngại. Nhiều chủ đầu tư kêu “kêu trời” vì vay vốn xây dựng nhà lưu trú không dễ và đang lỗ.

Nhà lưu trú Hiệp Phước có sức chứa 540 CN nhưng hiện chỉ có 120 công nhân vào ở. Ông Đoàn Hồng Tâm - phó tổng giám đốc công ty cổ phần KCN Hiệp Phước, cho biết: “Trước khi xây nhà lưu trú, các DN đăng ký lượng CN vào ở khá đông, nhưng đến khi xây xong lại không mặn mà nữa. Giá cho thuê ở nhà lưu trú này là 200.000đ/người/tháng, công nhân có nhu cầu vào ở nhưng do các DN không hỗ trợ chi phí nhà ở nên ít CN vào". Ông cũng nhẩm tính với giá cho thuê hiện nay, nếu lấp đầy chỗ trống thì khoảng 35 năm nữa nhà lưu trú Hiệp Phước mới thu hồi vốn!

Ông Trần Mạnh Châu - tổng giám đốc Sadeco, cũng chia sẻ khó khăn của công ty: "Ban quản lý Hepza yêu cầu Sadeco nhận trách nhiệm xây nhà lưu trú. Thời điểm đó chương trình vay vốn kích cầu chưa dành cho xây nhà lưu trú nên Sadeco vất vả lắm mới vay được vốn xây dựng. Tháng 7-2007, Sadeco xây xong 1.100 chỗ ở nhưng để trống hoác do CN không vào ở. Hepza phải họp nhiều lần với các hiệp hội, công đoàn các DN trong KCX Tân Thuận để giải quyết tình trạng này nên bây giờ mới lấp đầy. Nhưng đến nay Sadeco vẫn lỗ trên 3 tỉ đồng".

Hiện giá phòng của nhà lưu trú này từ 90.000-170.000đ/người/tháng, Sadeco định tăng giá để bù lỗ nhưng CN năn nỉ quá nên thôi. “Biết xây chắc chắn không lời nhưng không hình dung lỗ đến như vậy”, ông Châu than. Theo kế hoạch, Sadeco phải xây thêm hai nhà lưu trú nữa nhưng do chậm nguồn vốn nên Hepza yêu cầu chuyển giao cho một công ty khác.

Còn ông Nguyễn Văn Lợi - giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng sản xuất dịch vụ du lịch Thiên Phát, chủ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân Linh Trung 2 - cho biết công ty thuê đất 8 tỉ đồng từ năm 2007, đến nay vẫn chưa vay được vốn ngân hàng nên dự án đang “trùm mền”.

Theo nhiều DN, lý do khiến họ khó vay vốn ngân hàng là phương án đầu tư không hiệu quả, thời gian thu hồi vốn quá dài...

Sở Xây dựng vừa kiến nghị UBND TP kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi thuế đối với các dự án nhà lưu trú, như miễn thuế thu nhập DN trong bốn năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong chín năm tiếp... UBND TP cần kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, quy định các chủ DN phải trích một tỉ lệ nhất định lợi tức đóng vào quỹ tài chính phát triển nhà lưu trú cho CN.

HỒ VĂN - TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên