Ông Hạ Kiến Khuê - Ảnh: AP
Thông tin này được báo South China Morning Post dẫn các nguồn tư liệu mới khẳng định. Theo đó, chỉ một tháng sau khi bắt tay dự án gây tranh cãi liên quan tới hai bé gái sinh đôi được chỉnh sửa gen, ông Hạ Kiến Khuê lại bắt tay vào một nghiên cứu lâm sàng khác tiến hành trên các phôi thai người bị bỏ đi.
Những thông tin mới tiết lộ này khiến nhiều chuyên gia trong giới đặt câu hỏi, tại sao việc thử nghiệm kỹ thuật chỉnh sửa gen với các em bé (một điều yêu cầu trình độ kỹ thuật cao hơn nhiều) đã được loan tin theo kiểu kết luận ngay trước khi có đủ những kết quả về nghiên cứu cơ bản với các phôi thai.
Những thông tin liên quan tới cuộc thử nghiệm khác trên phôi thai người của ông Hạ Kiến Khuê vừa được tiết lộ đã làm dấy lên những quan ngại về đạo đức liên quan tới dự án nghiên cứu của tiến sĩ khoa học này.
Đã có ý kiến của giới chuyên môn đặt câu hỏi nghi vấn vì sao hai dự án thử nghiệm, cho thấy hai giai đoạn nghiên cứu cơ bản và nâng cao của kỹ thuật chỉnh sửa gen, đã được tiến hành cùng lúc như thế.
Trước đó, ngày 26-11 ông Hạ Kiến Khuê thông báo hai bé gái sinh đôi tên là Lộ Lộ và Na Na được chỉnh sửa gen để miễn nhiễm virus HIV đã chào đời tháng này.
Tuy nhiên cho tới nay, tất cả các bên có liên quan được đề cập trong nghiên cứu của ông Hạ Kiến Khuê đều đã bác bỏ việc họ biết về dự án nghiên cứu đó.
Ngày 27-11, Bộ khoa học Trung Quốc cho biết sẽ điều tra xem phó giáo sư của đại học Khoa học và Công nghệ miền nam (SUST) tại Thâm Quyến có vi phạm pháp luật Trung Quốc hay không.
Cũng trong ngày 27-11 ông Xu Nanping, thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, cho biết ông rất sốc trước những tuyên bố của ông Hạ Kiến Khuê, đồng thời nói thêm bộ của ông cũng sẽ tiến hành điều tra. Theo ông Xu những thử nghiệm như thế này đã bị cấm từ năm 2003.
Ông Hạ Kiến Khuê dự kiến có bài thuyết trình về chỉnh sửa gen tại hội nghị quốc tế tại Hong Kong trong sáng nay (28-11) có sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9.
Ông Hạ đã dùng kỹ thuật này để chỉnh sửa gen của các phôi thai người, sau đó thụ thai cho 7 phụ nữ, bắt đầu từ tháng 3-2017. Cho tới tháng trước một trong những thai phụ này đã sinh đôi các bé gái.
Tuy nhiên chỉ một tháng sau khi dự án nghiên cứu kéo dài hai năm liên quan tới 7 thai phụ này khởi động, ông Hạ cũng đã bắt đầu một nghiên cứu lâm sàng khoa học cơ bản khác có thời gian 3 năm liên quan tới việc chỉnh sửa gen trên các phôi thai người bị bỏ đi.
Theo dữ liệu của Chinese Clinical Trial Registry, một đơn vị thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới, nghiên cứu thứ hai này của ông Hạ được tiến hành trên cơ sở hợp tác với các nhà nghiên cứu thuộc Bệnh viện Nhân dân La Hồ ở Thâm Quyến.
Các thành viên tham gia nghiên cứu của dự án này hầu hết là cán bộ nhân viên thuộc lĩnh vực sản khoa của bệnh viện La Hồ.
Theo dữ liệu của Chinese Clinical Trial Registry, nghiên cứu thứ hai của ông Hạ Kiến Khuê có tên là "Đánh giá sự an toàn của chỉnh sửa gen với các phôi thai người, khỉ và chuột" (Evaluating the Safety of Genome Editing in Human, Monkey and Mouse Embryos).
Dự án nghiên cứu thứ hai này cũng đã được Ủy ban đạo đức y khoa của Bệnh viện Nhân dân La Hồ phê chuẩn. Đây là một bệnh viện công hàng đầu ở Thâm Quyến.
Dự án được phê chuẩn với chữ ký của các thành viên trong ủy ban này vào tháng 6-2017. Trong đó nêu mục đích của nghiên cứu nhằm đánh giá mức độ an toàn của liệu pháp gen trong điều trị các bệnh di truyền và vô sinh. Tài liệu đi kèm dự án cũng nói những người hiến các phôi thai người đã có ý kiến đồng thuận.
Nghiên cứu liên quan tới việc sử dụng mẫu của 400 phôi thai người để can thiệp, chỉnh sửa. Các mẫu này đều bị hủy bỏ sau khi sử dụng. Ngoài trường đại học và bệnh viện của ông Hạ, các đơn vị bảo trợ cho dự án nghiên cứu còn có hai bệnh viện khác tại Hồ Nam và Hà Nam và một đại học ở Côn Minh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận