09/04/2016 07:50 GMT+7

Chống ngập, nhà khoa học nói 2 KĐT bắc, nam SG không thành công

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Ngày 8-4, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP cùng Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức hội thảo “Giải pháp giảm ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và chuyên gia.

Mỗi khi mưa lớn là đường Ấp Chiến Lược, Q.Bình Tân (TP.HCM) bị ngập sâu kéo dài - Ảnh: Hữu Khoa
Mỗi khi mưa lớn là đường Ấp Chiến Lược, Q.Bình Tân (TP.HCM) bị ngập sâu kéo dài - Ảnh: Hữu Khoa

Tại hội thảo, ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP - cho biết hệ thống thoát nước TP được lắp khoảng 40% nên chưa đáp ứng nhu cầu thoát nước, công tác quản lý đô thị còn hạn chế, công tác dự báo chưa lường hết biến đổi khí hậu.

Để giải quyết thoát nước, ông Long đề xuất các nhóm giải pháp gồm: thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP; xây dựng hệ thống hồ điều tiết; quy hoạch thủy lợi chống ngập nước...

Không đồng tình với ý kiến xây dựng hồ điều tiết, ông Lê Thành Công, giám đốc Công ty tư vấn thiết kế DC, cho rằng TP có hệ thống kênh rạch rất tốt để trở thành những hồ điều tiết nước, thay vì phải xây dựng hệ thống hồ điều tiết. Còn GS Nguyễn Minh Hòa cho rằng để giải quyết nạn ngập nước thì bằng mọi giá TP.HCM phải khơi thông lại hệ thống kênh rạch để thoát nước.

“Trong quá trình xây dựng, các công trình lấy mất phần diện tích chứa nước (hồ, ao, kênh, rạch) thì bắt buộc phải trả lại phần diện tích đã san lấp này. Nếu kiên quyết xử lý tình trạng san lấp vô tội vạ thì việc chống ngập sẽ sáng sủa hơn”.

Ngoài ra, GS Hòa đề xuất cần quy hoạch cô lập vùng ngập, giải quyết dứt điểm theo từng vùng.

Trong khi đó, TS Bùi Việt Hưng - Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM - cho biết qua nghiên cứu đánh giá khả năng điều tiết dòng triều của các vùng đất ngập nước ven sông Soài Rạp, thông qua tác động của các dự án san lấp ven sông đã làm gia tăng mực nước đỉnh triều trên sông Sài Gòn.

Trong đó, xác định có sự thay đổi một số khu vực các quận ven sông phía thượng nguồn sông Sài Gòn cũng bị ngập triều. Từ đó, ông Hưng cho rằng việc xây dựng các cống kiểm soát triều ở TP chưa thể giải quyết hết ngập úng triều. Do vậy, cần có sự phối hợp với các tỉnh Đồng Nai, Long An để tìm ra giải pháp tổng thể chống ngập nước.

Theo TS Nguyễn Ngọc Hiếu - Trường đại học Việt Đức, từ những năm 2000 trở lại đây, TP.HCM bắt đầu mở rộng đô thị xuống phía Nam và phía Đông, nhất là trong giai đoạn gần đây đã tiến về khu vực vốn có nền đất trũng thấp với cao độ từ 1m đến 1,5m, trong khi theo quy hoạch phát triển đô thị thì cốt cao độ phải đạt 2m.

Ông Hiếu cho rằng điều này khiến các khu đô thị mới tại các khu vực trũng thấp nói trên đang đối mặt với nạn ngập lụt. Không đồng tình với ý kiến này, một số nhà khoa học cho rằng không nên đặt vấn đề TP phát triển về phía vùng đất cao sẽ tốt hơn so với vùng thấp vì TP đã quy hoạch hai khu đô thị vệ tinh là khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (nằm trên vùng đất cao) và khu đô thị Hiệp Phước Nhà Bè đã không thành công...

Không đồng tình với Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP trong việc triển khai quy hoạch 752/QĐ tổng thể chống ngập nước đã được phê duyệt vào năm 2001, ông Lê Thành Công cho rằng cần phải làm quy hoạch mới vì quy hoạch cũ có nhiều thông số kỹ thuật đã lạc hậu sẽ không đưa ra được phương án chống ngập nước tốt nhất.

Đồng tình với ý kiến này, GS Nguyễn Tất Đắc đề nghị TP cần rà soát lại quy hoạch về chương trình chống ngập nước. Đồng thời, GS Đắc đề nghị đơn vị quản lý hệ thống thoát nước cần tiếp tục tham khảo ý kiến các nhà khoa học, các nhà chuyên môn về thoát nước.

Các giải pháp chống ngập nước giai đoạn 2016-2020

Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, TP có các giải pháp chống ngập gồm:

Giải pháp ngắn hạn: tăng cường công tác quản lý, xử lý cấp bách các điểm ngập do hệ thống cống cũ bị hư hại, bổ sung ngăn triều, nạo vét thông thoáng dòng chảy tại các cửa xả...; tăng cường xử lý công trình lấn chiếm kênh rạch, nạo vét khơi dòng chảy; lắp đặt trạm bơm phụ trợ để tăng cường thoát nước.

Giải pháp trung hạn: nạo vét cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài 32km; dự án nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm dài 8,2km; xây dựng, cải tạo 200km cống thoát nước; xây dựng ba hồ điều tiết nước.

Giải pháp dài hạn: xây dựng tám cống kiểm soát triều; nạo vét, cải tạo bốn trục tiêu thoát nước chính, gồm các rạch: Bà Tiếng, Thủ Đào, Ông Bé và Thầy Tiên.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên