14/06/2013 08:08 GMT+7

Nhà khoa học lẫn dân làng Kim Lan đều khóc đưa Nishimura

THU HÀ
THU HÀ

TT - Ngày 11-6, ông bà Masanari đến VN lần thứ hai. Lần trước cách nay đã hơn 10 năm, ông bà đến khám phá mảnh đất xa lạ mà con trai Nishimura nhất quyết tìm đến, chọn làm nơi gửi gắm những giấc mơ trong lòng đất của mình.

O4IH6vdL.jpgPhóng to
Cha của nhà khảo cổ Nishimura (bìa trái) và Noriko trong vòng tay chia sẻ của những người bạn VN - Ảnh: Nguyễn Khánh
fs0GgxCt.jpgPhóng to
Đúng 12g20 phút, tang lễ của TS. Nishimura Masanari được bắt đầu, hàng trăm người bạn của ông xếp hàng chờ vào lượt viếng - Ảnh: Nguyễn Khánh
pny0bODT.jpgPhóng to
Vợ và cha TS. Nishimura Masanari (bên trái) trong tang lễ của người chồng và người con trai yêu dấu - Ảnh: Nguyễn Khánh
6UvkpW3y.jpgPhóng to
Một người bạn của ông khóc nức nở khi nhìn thấy di ảnh của TS.Nishimura Masanari - Ảnh: Nguyễn Khánh
CTVZULX1.jpgPhóng to
Giáo sư sử học Phan Huy Lê chia sẻ nỗi mất mát với cha của TS. Nishimura Masanari- Ảnh: Nguyễn Khánh
prPWRrSp.jpgPhóng to

Suốt hơn 20 năm, tiến sĩ Masanari có nhiều cống hiến cho ngành khảo cổ Việt Nam bằng tất cả tài năng và nhiệt huyết - Ảnh: Nguyễn Khánh

BJfkOsES.jpgPhóng to

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ cảm xúc của mình trong những cuốn sổ tang - Ảnh: Nguyễn Khánh

Hm6XX3Ck.jpgPhóng to
Gia đình TS. Nishimura Masanari cảm ơn sâu sắc tình cảm mà những người bạn Việt Nam đã có mặt tại nhà tang lễ - Ảnh: Nguyễn Khánh
loJ8Zzc2.jpgPhóng to
13g30 phút, quan tài của TS. Nishimura Masanari được đưa đi an táng tại nghĩa trang xã Kim Lan, một địa danh mà ông cùng với những người bạn của mình đã dành rất nhiều thời gian để khai quật được nhiều cổ vật gốm sứ rất có giá trị - Ảnh: Nguyễn Khánh
MkqRyo9R.jpgPhóng to
Vẻ mặt buồn bã của một người dân xã Kim Lan, đối với họ TS. Nishimura Masanari không chỉ là một nhà khoa học mà còn là một người bạn Nhật Bản thân thiện và hết mình - Ảnh: Nguyễn Khánh

Và lần này ông bà đến để nhìn thấy con lần cuối trước khi tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng tự anh đã chọn khi còn sống: cánh đồng làng gốm Kim Lan ven sông Hồng, dòng sông mẹ - cái nôi của nền văn minh VN.

Ông Masanari bản lĩnh và cương cường như một người Nhật chân chính, hình ảnh mà người ta thường thấy sau mỗi trận động đất, sóng thần, nhưng có thể thấu hiểu được nỗi đau ghê gớm của ông khi ông nói trong tang lễ Nishimura, con trai Nhật Bản của ông, nay đã trở thành người con của VN: “Khi tôi nhìn thấy những vết xước trên trán, trên cằm con trai tôi, nước mắt tôi nhòa đi” và: “Con chúng tôi đã rất yêu VN, đã ở VN hơn 20 năm để làm việc và cống hiến cho đất nước này. Tôi đã muốn đưa thi hài con trai tôi về Nhật, nhưng lúc còn sống nó luôn nói nó muốn được ở VN mãi mãi, vì vậy chúng tôi sẽ để nó ở lại đây. Có lẽ quyết định này sẽ làm Nishi vui lòng”.

Rất nhiều người thân thiết, quen biết Nishi và vợ của anh Noriko, cả những người không quen biết anh chị, nghe báo chí, tivi nói về vị GS khảo cổ người Nhật bỏ trường ĐH Nhật đầy đủ tiện nghi nghiên cứu sang VN lăn lê trên các hố khảo cổ, nắng chang chang và mưa thối đất cũng chang nắng đến tiễn đưa anh. Nhất là bà con bên làng Kim Lan thô tháp, mộc mạc và ồn ào, cứ bưng mặt khóc tu tu, chả kể gì đến kiêng khem, nghi lễ.

Giới khảo cổ và lịch sử đến đưa tiễn Nishi gần như đủ hết vì 20 năm qua, nói như GS Tống Trung Tín - viện trưởng Viện Khảo cổ: “Nishi đặt dấu chân lên hầu hết di chỉ khảo cổ VN, khắp Bắc - Trung - Nam, ở đâu anh cũng có bạn thân. Anh đi tất cả đám cưới, chia buồn với tất cả các đám tang của gia đình bạn bè”. Viện Khảo cổ đã đề nghị Viện hàn lâm Khoa học xã hội tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp khoa học xã hội cho PGS.TS Nishimura vì những cống hiến của anh với khảo cổ VN. Ai cũng thấy điều đó thật xứng đáng, nhưng thật muộn màng.

Trên khoảng sân rộng mênh mông nắng chang chang của nhà tang lễ, mái đầu bạc của GS Phan Huy Lê trĩu xuống: “Biết bao giờ mới lại có được một nhà khảo cổ tầm cỡ quốc tế am hiểu khảo cổ học VN và yêu VN như Nishi. Không chỉ nghiên cứu, anh ấy đã làm cầu nối cho rất nhiều nghiên cứu sinh VN sang Nhật với các dự án nghiên cứu và đào tạo”. TS Nguyễn Quốc Tuấn - viện trưởng Viện Tôn giáo - khóc: “Tôi vừa từ Nhật về, chuyến đi này cũng nhờ Nishi giúp lên chương trình và gặp gỡ đồng nghiệp bên đó. Nishi còn ấp ủ bao nhiêu dự định liên kết nghiên cứu và đào tạo Việt - Nhật. Tôi lúc nào cũng ngạc nhiên vì sao em tốt với các nhà khoa học VN đến thế”.

Các nhà nữ khảo cổ học VN không ai nói được gì, họ giúp Noriko chăm sóc hai con nhỏ. Hai em chưa biết mất cha là thế nào, đang loay hoay kêu nóng trong chiếc áo tang bằng vải xô trắng theo phong tục của VN. Cậu nhỏ Susu (5 tuổi) được đưa cho một cây gậy chống để đi đưa tiễn cha, còn gõ cộc cộc xuống sàn theo tiếng mõ tụng kinh của hai vị sư. TS cổ nhân học Nguyễn Kim Thủy và TS khảo cổ Bùi Thu Phương vội vã lau nước mắt khi nhìn thấy cảnh ấy.

Trong cái nắng nung người của buổi chính ngọ (nhà tang lễ quá đông người xếp hàng, Viện Khảo cổ đang tổ chức tang lễ cho anh vào giờ trống duy nhất: giữa trưa), Noriko bé nhỏ và âm thầm đứng chào hỏi tất cả bạn bè, đồng nghiệp, học trò của chồng. Lắng tai mới nghe được giọng chị rất khẽ: “Cảm ơn, Noriko sẽ ở lại”.

Người cha của Nishimura đã gửi gắm các bạn VN: “Có một bài hát của người Nhật mà người già hay hát: Con người ta chết đi sẽ thành đám mây bay trên bầu trời. Mỗi khi nhớ đến họ, hãy nhìn lên bầu trời và sẽ thấy. Con trai tôi đã hóa thành đám mây bay trên bầu trời VN, nó để lại ba người thương yêu nhất: vợ và hai con trai, mong các bạn VN hãy yêu mến và giúp đỡ họ”. Tất cả những người dự tang lễ đều tự hứa trong lòng với người cha Nhật vừa mất con rằng sẽ làm tròn lời gửi gắm của ông, vì ai cũng muốn nhìn thấy từ trên trời cao, đám mây mang tên Nishimura đang mỉm cười.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên