Một buổi trưng bày vắc xin COVID-19 của Công ty CNBG, đơn vị thuộc SinoPharm - Ảnh: REUTERS
"Chúng ta (Trung Quốc) nên học hỏi những cái tốt ở các nước khác, chẳng hạn vắc xin dùng công nghệ mRNA. Họ đã dành nhiều năm để nghiên cứu và đã tìm cách phát triển vắc xin mRNA ngừa COVID-19 chỉ trong vài tháng" - ông Chung Nam Sơn, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Trung Quốc, phát biểu tại một diễn đàn khoa học ở thành phố Quảng Châu của Trung Quốc vào hôm 11-12.
Ông Chung nói thêm: "Tính cấp bách của COVID-19 đã đẩy nhanh công tác nghiên cứu trong lĩnh vực này. Trung Quốc nên học hỏi từ các quốc gia khác những khía cạnh như công nghệ và cơ chế phân phối vắc xin mRNA".
Theo báo South China Morning Post, Trung Quốc đã vượt qua thái độ dè dặt ban đầu về vắc xin mRNA để bắt đầu phát triển vắc xin dùng công nghệ này cho riêng mình. Trong khi đó, phương Tây có vắc xin mRNA của Hãng Moderna (Mỹ) và Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức).
Ứng viên vắc xin mRNA đầu tiên của Trung Quốc đang được phát triển chung bởi Học viện Khoa học quân sự, Công ty công nghệ sinh học Walvax Biotechnology và Công ty Suzhou Abogen Biosciences. Tuy nhiên, dữ liệu thử nghiệm giai đoạn cuối vẫn chưa được công bố.
Hiện nay cũng không có thông tin nào về việc liệu cơ quan quản lý dược phẩm của Trung Quốc sẽ cấp phép vắc xin mRNA của Công ty BioNTech của Đức hay không. Công ty này đã ký thỏa thuận với Công ty Fosun Pharma để phân phối và sản xuất vắc xin cho Trung Quốc.
Ông Chung Nam Sơn cũng nói thêm, tất cả các quốc gia nên cởi mở về việc sử dụng các loại vắc xin khác nhau, nếu việc tiêm trộn mang lại hiệu quả bảo vệ cao hơn.
Ông Chung dự báo Trung Quốc có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), nước này đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 cho 1,17 tỉ người, tương đương 82,5% dân số. Tính đến ngày 11-12, Trung Quốc cũng đã tiêm hơn 120 triệu mũi vắc xin tăng cường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận