Từ ba em cũ, tôi đi tiếp cận đưa về thêm bốn em và phát triển thêm nhà Bình Chánh dành cho trẻ nữ. Chúng tôi cùng ăn, cùng ở với các em như một gia đình thực thụ.
Phóng to |
Chị Tâm với đám trẻ con em những phụ nữ ở khu Gò Mả Lạng, TP.HCM - Ảnh: CTV |
Tập làm mẹ
Nhật sử dụng ma túy nặng “đô” nên khi cai nghiện cho em cả nhà rất cực. Mọi người thay phiên thức canh cho Nhật. Sau một tháng cai, Nhật lên cân thấy rõ, sức khỏe hồi phục. Nhật xin phép rời nhà, tôi đồng ý vì em quá lớn tuổi so với quy định. Nhật hồi gia nhưng tôi vẫn thường xuyên ghé nhà em để động viên.
Cuối cùng, Nhật đi làm nghề biển, theo tàu cá đánh bắt xa bờ. Thỉnh thoảng em vẫn ghé nhà Hi Vọng, còn mua quà cho các em. Không riêng gì gia đình em mà cả chính quyền địa phương nơi em cư trú đều mừng cho sự thay đổi này, bởi em từng là đàn anh của một băng đảng chuyên đi cướp giật.
Sau Nhật còn nhiều em khác nhập nhà Hi Vọng để cai nghiện ma túy. Công tác giáo dục, giúp đỡ các em cai nghiện ma túy không dễ chút nào, lại càng khó khi các em biết mình bị nhiễm HIV/AIDS. Tâm sinh lý của các em luôn luôn thay đổi, vui buồn lẫn lộn, việc tái sử dụng ma túy khó
tránh khỏi. Nếu giáo dục viên phụ trách không phát hiện được hiện tượng “phê” của các em thì coi như hỏng việc. Muốn tập cho các em quen với cuộc sống gia đình, tôi phải quên đi sở thích cá nhân để sống với các em như một gia đình thật sự.
Vất vả cai nghiện rồi, còn phải chuẩn bị cho các em kế sinh nhai để sau này tự lập. Tôi đi tìm trường dạy nghề xin cho các em học. Ngay cả việc này cũng khó khăn bởi các em có HIV, không ai muốn nhận. Cuối cùng tôi cũng xin được một chỗ. Mạnh, Huy, Nguyên, Toàn học sửa xe gắn máy, Bình học điện lạnh. Nhà trường cho ở trọ miễn phí, nhưng các em phải đóng tiền cơm, mỗi em 10.000 đồng/tuần.
Trường dạy nghề cũng mang tên Hi Vọng, ở tận Thủ Đức rất xa. Các em được ăn ở tại trường, cuối tuần về thăm nhà. Qua sáu tháng học tập, đa số đã nhận được chứng chỉ học nghề.
Thầy Linh về nhà Hi Vọng cùng tôi phụ trách, chăm sóc, giáo dục các em. Hình ảnh ngồi xe lăn của thầy, tinh thần và nghị lực của thầy đã tác động đến các em rất nhiều. Các em nhận ra một điều: thầy như vậy mà còn vượt qua được những khiếm khuyết của thân thể. Thầy dạy đàn, tiếng Anh, hội họa, vi tính, các em bắt đầu đua nhau học tập.
Nhờ có thầy, tôi có được thời gian rảnh đi ra ngoài tiếp cận và giúp đỡ những em ngoài đường phố. Tôi tiếp cận và giúp những em nữ vào nhà mở để các em không còn cảnh kiếm sống bằng nghề “đi khách”. Tôi giúp các em ở độ tuổi 20-23 cai nghiện ma túy, thuốc cai nghiện mua của bác sĩ Tiến với giá rẻ. Những em ở độ tuổi dưới 18, tôi đưa về giúp các em cai tại nhà Hi Vọng.
Tôi còn đi tiếp cận trên đường phố, chăm sóc cho bệnh nhân AIDS vào giai đoạn cuối tại cộng đồng. Không thể làm ngơ vì người bệnh cần sự hướng dẫn chăm sóc, nhiều bệnh nhân tuổi đời còn quá trẻ...
Tôi tự nhủ phải luôn sống thật tốt, sống để trả nợ đời, để trả ơn những ân nhân đã cưu mang đùm bọc tôi suốt mười mấy năm qua. Mỗi ngày tôi đều phải học, học từ người lớn đến các em nhỏ những điều hay lẽ phải, để tôi có thể nuôi dạy các con cho tốt. Người ta đến trường để học lấy con chữ, học kiến thức, còn tôi tìm đến mọi người để học cách yêu thương con người, học cách sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời khốn khó như mình.
Hi vọng và hi vọng
Năm 2009, tôi bị tai nạn giao thông và tình cờ phát hiện mình đang mắc căn bệnh nan y. Tinh thần tôi suy sụp, cơ thể gần như không còn sự sống, người gầy rạc đi.
Đúng lúc này quanh tôi không còn ai. Những đứa con trai lớn đã lập gia đình và ra riêng. Có đứa về bên cha, mẹ ruột ở rất xa, có đứa ra đi về bên kia thế giới với căn bệnh AIDS giai đoạn cuối. Chỉ còn những đứa bé chưa biết an ủi, chưa biết chăm sóc cho tôi. Ngược lại tôi phải lê tấm thân bệnh hoạn lo chợ búa, cơm nước cho bọn trẻ.
Nhưng tôi lại có những người bạn yêu thương. Khi biết tinh thần tôi tuột dốc, các bạn sát cánh động viên, lo tiền nong, thuốc men, trị bệnh... Mỗi người giúp một chút, gần bốn tháng trời tôi mới dần dần lấy lại tinh thần. Những quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ của các anh, chị, em, bạn bè thân hữu đã vực tôi dậy, giúp tôi vượt qua những ngày khó khăn, khiến tôi ấm lòng.
Rồi những câu nói thơ ngây của các bé nhỏ, những lần về thăm của các con lớn, những cú điện thoại của những đứa con đang ở xa... tất cả như tiếp cho tôi thêm nghị lực. Tôi lại thấy mình dạt dào hạnh phúc, lại đứng lên làm nhiệm vụ người mẹ ở nhà Hi Vọng.
Tôi quan niệm con người ta dù có giàu sang đến đâu, khi nhắm mắt lìa trần cũng chẳng mang được thứ gì. Thế thì tại sao khi còn sống ta không sẻ chia những gì ta có dù là ít ỏi. Và tôi san sẻ yêu thương cho tất cả những đứa trẻ bất hạnh mà tôi biết.
Khi các con nói: “Má Tâm ơi, con thích cái này. Má Tâm ơi con thích cái kia!”, có tiền là tôi mua ngay cho chúng. Hôm nay mua cho đứa này, ngày mai mua cho đứa kia chứ không thể nào đủ tiền mua một lần cho tất cả các con - những đứa con ở trong nhà và những đứa con trên hè phố. Mỗi món quà là một niềm vui.
Tôi cố gắng dành dụm, chắt chiu số tiền lương ít ỏi làm vốn buôn bán, mơ ước có một số vốn đủ mở một tiệm tạp hóa hoặc mở quán cơm xã hội để có thể giúp được những người cùng cảnh nghèo khó như tôi, lại có thể tự nuôi thân và nuôi các con mình. Tôi còn mơ ước có được một căn nhà nhỏ, một mai tôi có đi về nơi xa thì vẫn còn có căn nhà dành cho các con bé bỏng của tôi tá túc, có chốn đi về.
Các bé con của tôi nay bệnh mai đau. Mọi thứ đều phải lo toan, tôi vừa là cha vừa là mẹ của chúng. Tôi phải lo cho các con của mình có được một tinh thần lạc quan, hồn nhiên của tuổi thơ, phải lo dinh dưỡng đủ đầy, lo cho uống thuốc đúng giờ để kéo dài cuộc sống. Những đứa lớn trưởng thành, ra riêng cũng thường xuyên bệnh - chúng đều nhiễm HIV. Vậy là số tiền ít ỏi lại đội nón ra đi, tay trắng vẫn hoàn tay trắng.
Hi Vọng của tôi thật xa vời, nhưng tôi vẫn cứ hi vọng vì tương lai và hạnh phúc các con của mình. Hi Vọng để tiếp tục sống, để tiếp tục yêu thương. Tôi đã nhìn thấy được tình yêu thương của các anh, chị, cô, bác và các con dành cho mình.
Với tôi như thế là quá đủ, đủ để đi nốt quãng đời còn lại. Viết đến đây, tôi chợt nhớ câu thơ của một người nào đó viết mà tôi không nhớ tên: “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười”. Quả không sai chút nào đối với tôi!
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5: Kỳ 6:
_____________________
Đón đọc số tới:
Trí tuệ Việt với công nghệ cao
Họ đều là những người còn rất trẻ, có hoàn cảnh, trình độ học vấn, ngành nghề khác nhau nhưng cùng chung khát vọng ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống, trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm kỹ thuật cao phục vụ xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận