Vở tuồng do các diễn viên từ 19 - 21 tuổi đảm nhiệm - Ảnh: T.ĐIỂU
Tích Triệu Đình Long cứu chúa là câu chuyện về vua Tống vì tuổi già bệnh trọng, bị Thái sư Tạ Thạch Sư cướp ngôi.
Triệu Đình Long là con rể của Tạ Thạch Sư, được giao nhiệm vụ đưa Thứ phi và Hoàng tử nhà Tống đi trầm hà (đẩy xuống sông). Là trung thần của nhà Tống, Triệu Đình Long không muốn làm việc bất trung bất nghĩa này, nhưng cũng không thể chống lệnh của cha vợ với lực lượng phản loạn hùng mạnh trong tay.
Trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc ấy, người vợ trung trinh tiết hạnh của ông - nàng Mai Hương, đã dâng cho ông "diệu kế": dùng chính vợ con của Triệu Đình Long thế mạng cho Thứ phi và Hoàng tử. Triệu Đình Long vì lòng tận trung đã đau đớn chấp nhận kế sách của vợ, hi sinh tình thân.
Nhưng nhờ sự giúp sức của em gái vợ Mai Xuân, em nuôi Năng Danh cùng sự trợ giúp của thần linh, sự may mắn ngẫu nhiên mà cuối cùng cả Thứ phi và Hoàng tử cùng vợ con của Triệu Đình Longg được cứu sống… Gia đình Triệu Đình Long được đoàn tụ trong niềm hạnh phúc vô bờ.
Cùng lúc đó, những trung thần tận trung đã cùng nhau dấy binh về triều chống lại phe tạo phản, bảo vệ ngôi vị của nhà Tống…
Đêm diễn kết thúc trong nhiều lời khen ngợi từ khán giả. "Vở diễn hay quá. Xem sướng mê cả người. Tôi đã xem vở này lần thứ 2. Lần trước là do các nghệ sĩ gạo cội của diễn, lần này lại toàn là diễn viên trẻ đóng" - một khán giả lớn tuổi chia sẻ với người bạn đi cùng sau khi vở diễn kết thúc.
Đây cũng là điều đặc biệt của vở diễn khi một tác phẩm kinh điển hoàn toàn do các diễn viên, nhạc công rất trẻ, vừa tốt nghiệp đảm nhiệm.
Ông Tạ Văn Sốp - phó giám đốc nhà hát - cho biết toàn bộ diễn viên, nhạc công tham gia vở này là lứa diễn viên, nhạc công thuộc chương trình liên kết đào tạo giữa Nhà hát Tuồng Việt Nam và Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, khóa 2014 - 2018. Các diễn viên, nhạc công còn rất trẻ, mới 19 - 21 tuổi và họ đã diễn tròn vai cho các vai tuồng mẫu mực, từ ông già cho tới trẻ nhỏ.
Trong niềm vui mừng Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa tuyển được một lứa diễn viên trẻ tài năng làm lực lượng kế cận, người ta lại chạnh lòng khi biết nhiều năm qua nhà hát này không thể tuyển được diễn viên, 30 biên chế được phân bổ bị bỏ suốt thời gian dài.
Để có lớp diễn viên, nhạc công này, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã phải phối hợp cùng Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội đi về 10 tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ để tuyển dụng học viên. Khóa học tuyển được 32 học sinh nhưng chỉ còn 29 học sinh hoàn tất khóa học.
Chương trình liên kết đào tạo này nằm trong đề án phát triển nguồn nhân lực Nhà hát Tuồng Việt Nam năm 2013 - 2020, tầm nhìn 2025 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, do bộ cấp kinh phí khoảng 4 tỉ đồng trong 4 năm.
Nhà hát đang có kế hoạch sẽ lập đoàn kịch Tuổi trẻ (hay đoàn kịch Thể nghiệm xung kích) từ lứa diễn viên mới này.
Quan phò mã Triệu Đình Long được nhạc phụ Tạ Thạch Sư giao nhiệm vụ đưa Thứ phi và Hoàng tử nhà Tống đi trầm hà - Ảnh: T.ĐIỂU
Triệu Đình Long đau đớn chấp nhận kế sách của vợ yêu Mai Hương là dùng vợ con để thế mạng cho Thứ phi và Hoàng tử - Ảnh: T.ĐIỂU
Cảnh đoàn viên giữa Tạ Đình Long với vợ con và Thứ phi với Hoàng Tử - Ành: T.ĐIỂU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận