22/05/2015 09:26 GMT+7

Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM: áp lực từ hào quang cũ

Q.THI
Q.THI

TT - Việc Nhà hát Sân khấu nhỏ, nơi được coi là bộ mặt của Hội Sân khấu TP.HCM, phải tạm ngưng sáng đèn trước thềm đại hội của hội vào tháng 6 là thông tin đáng buồn, dù lý do tạm ngưng để sửa chữa là có thể chấp nhận.

Vở Tình lá diêu bông - một trong những vở mới của Sân khấu kịch 5B - Ảnh: T.T.D.
Vở Tình lá diêu bông - một trong những vở mới của Sân khấu kịch 5B - Ảnh: T.T.D.

Đạo diễn Ái Như - người từng gắn bó với nhà hát hơn 20 năm trước khi “ra riêng” với sân khấu Hoàng Thái Thanh - cho hay chị nghĩ việc nhà hát phải dừng lại để sửa chữa là hợp lý.

“Ngay từ năm 2009 thì mọi người đều thấy sân khấu 5B cần phải sửa chữa. Cái đầu tiên mà khán giả không thích là việc không có thang máy. Những nghệ sĩ như chúng tôi xách giỏ leo cầu thang lên đến sân khấu cũng phải dừng lại nửa chừng để... thở, huống hồ chi là khán giả lớn tuổi. Chưa kể hàng ghế quá cao, trời mưa to thì nhà hát lại bị dột...” - Ái Như chia sẻ.

Nhưng không đơn thuần là chuyện cơ sở xuống cấp, không có thang máy, ghế quá cao, máy lạnh không lạnh... những người gắn bó với nhà hát bao năm còn nhận ra nơi đây có nhiều vấn đề khác. Có cả chuyện giám đốc Việt Anh và phó giám đốc Mỹ Uyên phải chạy tiền lương trả cho nhân viên.

Trong hoàn cảnh sân khấu khó khăn chung, các sân khấu tư nhân khác cũng phải chật vật với doanh số bán vé thì một sân khấu vừa xã hội hóa, vừa phải mang trọng trách “định hướng”, thể nghiệm như Nhà hát Sân khấu nhỏ lại càng gặp khó.

NSƯT Thanh Hoàng - người gắn bó với nhà hát từ những năm 1990 (với nhiều cương vị tác giả, đạo diễn, diễn viên, giám đốc) - cho hay nhắc đến sân khấu 5B Võ Văn Tần, Q.3, là người ta thường nhớ tới những hào quang cũ.

Từ những năm 1980, nơi đây là cái nôi của tất cả ngôi sao sân khấu Sài Gòn như Minh Trang, Thành Lộc, Hồng Vân, Kim Xuân...

Thanh Hoàng nói: “Một vấn đề của sân khấu là những hào quang ngày xưa vô hình trung là một áp lực. Mọi người luôn đánh giá nhà hát như một đơn vị từng có những tác phẩm đỉnh cao. Điều này không sai. Nhưng từ lúc các tên tuổi nổi tiếng của nhà hát 

bỏ ra làm sân khấu riêng, nếu so sánh nguồn lực giữa những người làm nhà hát hôm nay với các tên tuổi ngày xưa quả là khập khiễng. Những người mới không đủ lực để tạo ra nhiều vở diễn đỉnh cao như cũ”.

Nếu không đòi hỏi ở nhà hát đỉnh cao, thì các diễn viên nòng cốt của nhà hát những năm gần đây như Việt Anh, Thanh Hoàng, Mỹ Uyên, Lê Bình, Công Ninh... vẫn đủ sức thu hút khán giả như bao sân khấu khác.

Nhưng một cái khó ở đây được Thanh Hoàng kể ra là: “Giờ đây, có nhiều sân khấu để cạnh tranh, chưa kể sức cạnh tranh rất lớn của truyền hình, điện ảnh... thì cơ chế của Nhà hát 5B không đủ linh hoạt để đáp ứng”.

Anh ví dụ nếu ở các đơn vị sân khấu tư nhân khác, họ có thể nhanh nhạy áp dụng một xu hướng nào đó. Nếu không được, một tuần sau họ có thể thay đổi theo hướng khác.

“Nhà hát có cái khó là một nửa là cơ chế xã hội hóa, nhưng nửa còn lại phải tuân theo những trình tự thủ tục về quản lý nhà nước. Điều đó khiến phản ứng của nhà hát với thị trường rất chậm, một khi đợi quyết định được một cái gì đó thì các nơi khác đã chuyển sang thử nghiệm cái mới rồi”.

Một vòng luẩn quẩn nữa của sân khấu được Thanh Hoàng đề cập là nhà hát là đơn vị tự thu tự chi của Hội Sân khấu, nghĩa là phải tồn tại bằng tiền bán vé, nhưng lại bị quy định là không được chạy theo thị hiếu thị trường.

Các nghệ sĩ ở đây tự tin rằng họ có thể tạo ra những sản phẩm giải trí vui vẻ, có bài học mà không cần phải dung tục, tầm thường. Điều đó có thể và phù hợp với sân khấu bộ mặt của hội. Nhưng Thanh Hoàng cũng thừa nhận rằng lớp khán giả của sân khấu hào quang trước đây đã lớn tuổi, không còn muốn đến sân khấu nữa.

Còn khán giả trẻ chọn những xu hướng giải trí ở các sân khấu khác. Một thực trạng đáng buồn là sân khấu đang ngày càng vắng đi lượng khách vãng lai.

Cho nên, cơ sở vật chất nay mai có thể sửa xong, vì tiền đã được rót. Nhưng để tránh tình trạng bình mới rượu cũ thì phải chăng nhà hát cần một sự thay đổi khác về quản lý? Nhà hát từng gắn bó với ký ức nhiều người, vì vậy nó đáng được kỳ vọng những điều tốt đẹp ở tương lai.

Thời hoàng kim của sân khấu 5B Võ Văn Tần là vào những năm 1980 đầu năm 1990 với các vở diễn nổi tiếng như Dư luận quần chúng, Trong hào quang bóng tối, Lôi vũ, 20 phút với một thiên thần, Gái giang hồ quốc tế, Tiếng chim hót trong vườn ngọc lan (kịch nước ngoài), Mùa hạ cay đắng (Nguyễn Quang Lập), Dạ cổ hoài lang (Thanh Hoàng)...

Những vở diễn đã góp phần tạo nên các tên tuổi tinh hoa của sân khấu TP.HCM như Thành Lộc, Việt Anh, Minh Trang, Hồng Vân, Quốc Thảo... và tạo nên những ký ức tốt đẹp của khán giả về Nhà hát 5B.

 

Q.THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên