26/03/2020 09:02 GMT+7

Nhà hàng, quán ăn tạm ngưng kinh doanh: lăn tăn 'công suất 30 khách'

NGUYỄN TRÍ - BÔNG MAI
NGUYỄN TRÍ - BÔNG MAI

TTO - Ngay sau lệnh đóng cửa các tụ điểm vui chơi giải trí, nhà hàng, quán ăn... của UBND TP.HCM, sáng 25-3, nhiều nhà hàng đã đóng cửa hoặc thu gọn quy mô sức chứa theo yêu cầu.

Nhà hàng, quán ăn tạm ngưng kinh doanh: lăn tăn công suất 30 khách - Ảnh 1.

Quán cà phê tại Q.1, TP.HCM thông báo "Tạm nghỉ, quyết thắng đại dịch" - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy vậy, không ít người kinh doanh bày tỏ sự "lăn tăn" về quy định trên. Cụ thể, vin vào cụm từ "công suất trên 30 khách", nhiều địa điểm kinh doanh vẫn mở cửa.

Sắp xếp lại còn 30 khách

Các tuyến phố ẩm thực sôi động như Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận), Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp), Hai Bà Trưng (Q.1)... sáng 25-3 trở nên im lìm khi hầu hết nhà hàng thay nhau đóng cửa.

Vừa cất dọn những chiếc ghế cuối cùng trên tầng 1 của quán, chị Hoàng Thanh Hương - chủ chuỗi Bach Restaurant (đường Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp) - cho biết từ quy mô với sức chứa hơn 100 khách, ngày 25-3, chị phải cất bớt bàn ghế để đảm bảo giảm còn 30 khách trở lại ở tầng trệt, nhà hàng cũng dán thông báo về việc này tại lối ra vào.

Trưa cùng ngày, vẫn có nhiều quán xá hoạt động trên "con đường ẩm thực" Phan Xích Long. Tuy nhiên, bàn ghế ở những nơi này đều được xếp lại, ghế ngồi của khách bây giờ là nơi các tài xế chờ lấy đồ ăn đi giao... Bước ra từ cửa hàng pizza, cầm hộp pizza trên tay, anh Hoàng - một tài xế - cho biết bình thường để hoàn thành 24 đơn hàng, anh phải làm từ 7h30 sáng đến gần 18h. Tuy nhiên, sau quyết định của UBND TP, hôm nay anh Hoàng có đơn liên tục. "Từ sáng đến giờ đã có 17 đơn nên khoảng 14h là được về sớm" - anh Hoàng cho biết.

Bên trong cửa hàng cà phê Đ.Đ, chị Vũ Trần Ngọc Duyên (trưởng ca) phụ giúp các đồng nghiệp chuẩn bị trà sữa đưa tài xế đi giao. "Bình thường sẽ bán 24/24, ca sáng 4 người, ca chiều 6 người, ca khuya 2 người, nhưng chiều hôm qua cửa hàng đã cắt ca khuya, giờ còn 3 người ca sáng và 3 người ca chiều. Mọi người đảo ca qua lại, ai cũng thông cảm, còn đi làm được là may rồi" - chị Duyên nói. Theo chị Duyên, do công việc trong mùa dịch bị thay đổi, cấp quản lý của cửa hàng đã bị giảm lương từ 10-20%, còn nhân viên giảm 10%.

Nghỉ kéo dài là... mệt

Anh Trần Quốc Thịnh - đại diện hệ thống Lẩu gà ớt hiểm 109 (Q.Bình Thạnh) - cho biết hiện đã đóng cửa tất cả chuỗi với 14 nhà hàng với quy mô sức chứa hàng ngàn khách. Theo anh Thịnh, nên ủng hộ chủ trương của TP. "Làm quyết liệt để đẩy lùi dịch bệnh rồi cho kinh doanh lại bình thường, còn hơn để kéo dài trong khó khăn" - anh Thịnh nói.

Vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh mở cửa

Theo phản ảnh từ bạn đọc, chúng tôi tìm đến các tuyến đường gần sân bay Tân Sơn Nhất như Bạch Đằng, Trường Sơn, Phan Đình Giót (Q.Tân Bình). Tại đây vẫn xuất hiện nhiều hàng quán ăn uống mở cửa kinh doanh, kể cả những quán có số lượng bàn ghế khá nhiều, không gian lớn. Cụ thể, mặc cho các quán lớn khác treo thông báo đóng cửa, một quán cơm lớn trên đường Phan Đình Giót vẫn mở rộng cửa, bàn ghế ngay ngắn, khách vào ăn cơm, quán vẫn bán.

Tuy vậy theo anh Thịnh, trong văn bản chỉ đạo của TP có một số ý chưa rõ ràng, đặc biệt là cụm từ "công suất 30 khách". "Công suất 30 khách ở đây nên hiểu là tính trên một suất, một ngày, hay trên một diện tích? Chỗ này, TP cần phải hướng dẫn chi tiết hơn, nếu không dễ dẫn tới trường hợp mỗi người hiểu một ý, dễ lách quy định và không tạo được sự công bằng" - anh Thịnh nói. 

Tương tự, chị Hương - chủ chuỗi Bach Restaurant - băn khoăn: "Nhiều cán bộ khu vực khi đi kiểm tra cũng lăn tăn, còn nhà hàng không biết nói sao về quy định của TP".

Trong khi đó, do phải đóng cửa 3 nhà hàng với quy mô sức chứa lên đến cả ngàn khách, chị Nguyễn Thị Ngân - chủ nhà hàng Dê và Cua 245 (Q.Phú Nhuận) - cho biết chủ trương của TP thì nhà hàng nghiêm túc thực hiện. Nhưng đóng vài tuần thì được, chứ nếu đến cả tháng thì khổ. 

"Tiền thuê mặt bằng chỉ riêng cơ sở trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) đã rất cao và tôi phải thương lượng để giảm giá. Nếu chủ cho thuê chia sẻ giảm giá vài chục phần trăm thì tốt, còn không chỉ có phá sản" - chị Ngân lo lắng nói.

"Chạy đua" tìm ý tưởng kinh doanh mới

Theo anh Thịnh, khi 14 cửa hàng của hệ thống Lẩu gà ớt hiểm đồng loạt đóng cửa, anh phải nghiên cứu và đẩy mạnh sản phẩm "làm sẵn và giao tận nhà". Theo đó, anh tăng cường quảng cáo trên mạng, chọn 4 điểm và phân bố nhân viên túc trực để nhận đặt hàng qua hotline, trang mạng để giao sản phẩm tận nhà cho khách.

Tại quán Ẩm thực Rau và Cá (Q.Phú Nhuận), chị Phạm Lê Tài (chủ quán) và các nhân viên tất bật nhận đơn, giao đồ ăn trưa cho khách. Để đồng hành cùng khách hàng sau khi đóng cửa, quán của chị vừa tung ra chính sách miễn phí vận chuyển đồ ăn vừa giảm giá phần cơm từ 39.000 đồng xuống còn 35.000 đồng.

Nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê cất bớt không quá 30 bàn ghế để tiếp tục hoạt động Nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê cất bớt không quá 30 bàn ghế để tiếp tục hoạt động

TTO - Ngay sau "lệnh" đóng cửa của UBND TP.HCM, dù vẫn còn lăn tăn, nhưng sáng 25-3, nhiều cửa hàng, nhà hàng khắp thành phố trống trơn hoặc thu gọn quy mô sức chứa.

NGUYỄN TRÍ - BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên