29/01/2024 08:14 GMT+7

Nhà hàng nhờ bên thứ 3 xuất hóa đơn, lấy thuế 15%, có đúng không?

Công ty lữ hành của tôi tổ chức tour du lịch cho khách. Đoàn khách ăn tại nhà hàng nhưng nhà hàng không xuất hóa đơn, nói rằng nhờ bên thứ ba xuất hóa đơn cho công ty tôi và lấy thuế 15%.

Nhà hàng nhờ bên thứ 3 xuất hóa đơn, lấy thuế 15%, có đúng không? - Ảnh minh họa: NGỌC THÀNH

Nhà hàng nhờ bên thứ 3 xuất hóa đơn, lấy thuế 15%, có đúng không? - Ảnh minh họa: NGỌC THÀNH

Nhà hàng có đúng không? Tôi phải xử lý thế nào?

Bạn đọc Minh Nguyễn ([email protected]) gửi câu hỏi tới Tuổi Trẻ Online.

- Luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:

Luật sư Tào Văn Dũng

Luật sư Tào Văn Dũng

Theo quy định tại khoản 1, điều 4 nghị định 123 về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ năm 2020: "Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất; xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại điều 10 nghị định này.

Trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại điều 12, nghị định này.

Theo quy định trên, khi nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống cho khách hàng, phải nhân danh nhà hàng để xuất hóa đơn cho khách hàng, việc nhờ bên thứ ba xuất hóa đơn là không đúng quy định.

Yêu cầu chịu thêm thuế suất giá trị gia tăng 15% là vi phạm pháp luật.

Thứ nhất, giá bán đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Theo quy định tại điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 sửa đổi bổ sung các năm 2013, 2016: "Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng". Đây là loại thuế do người tiêu dùng sau cùng chịu.

"Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu)".

Như vậy, người chịu thuế là người tiêu dùng sau cùng nhưng người nộp thuế là các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp khi niêm yết giá bán phải rõ ràng giá đã có thuế giá trị gia tăng hay chưa để bảo đảm thu được khoản thuế này và trách nhiệm là người nộp lại khoản thuế này.

Giá niêm yết là giá hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó.

Như vậy, giá bán của sản phẩm, dịch vụ nói chung và dịch vụ ăn uống nói riêng khi được niêm yết được hiểu là giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Thứ hai, về thuế suất 15%: Theo quy định tại điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 sửa đổi bổ sung các năm 2013, 2016 thì mức thuế suất giá trị gia tăng đối với dịch vụ ăn uống là 10%; trong thời gian dịch bệnh COVID-19 được giảm xuống còn 8%, chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2022. Kể từ ngày 1-1-2023, mức thuế giá trị gia tăng trở về 10%.

Như vậy, việc nhà hàng yêu cầu thêm mức thuế suất giá trị gia tăng là 15% khi xuất hóa đơn là vi phạm pháp luật.

Hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa tùy theo mức độ vi phạm sẽ có những mức hình phạt tương xứng:

- Xử phạt hành chính đối với hành vi không xuất hóa đơn: Theo quy định tại khoản 5, điều 24 nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020, mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua.

- Xử phạt hành chính đối với hành vi trốn thuế theo quy định tại điều 17 nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020, mức phạt tiền có thể lên đến gấp 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế, buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước.

- Xử lý hình sự: Đối với người trốn thuế và pháp nhân trốn thuế với hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa:

+ Người phạm tội trốn thuế: Theo quy định tại điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 và điểm a, khoản 47, điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

+ Pháp nhân phạm tội trốn thuế: Theo quy định tại điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 và điểm b, khoản 47, điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì mức phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỉ đồng.

Anh cần liên hệ với nhà hàng, trình bày rõ lý do để được xuất hóa đơn giá trị gia tăng mà không phải chịu thêm khoản phí thuế suất giá trị gia tăng.

Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao

Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].

Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ bỏ quy định lập riêng hóa đơn thuế VAT 8%Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ bỏ quy định lập riêng hóa đơn thuế VAT 8%

TTO - Bộ Tài chính cho biết theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, quy định phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ có thuế suất giá trị gia tăng (VAT) 8% khiến doanh nghiệp phải xuất số hóa đơn tăng gấp đôi, gây tốn kém cả chi phí và nhân công.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên