Phóng to |
Một người biểu tình ở New York giương biểu ngữ: “Hãy đánh thuế lên giới nhà giàu” - Ảnh: Getty Images |
Toàn bộ 400 người trong danh sách của tạp chí Forbes đều có tài sản trên 1,05 tỉ USD. Người giàu nhất nước Mỹ vẫn là nhà sáng lập Tập đoàn Microsoft Bill Gates, với tổng tài sản tăng 5 tỉ USD so với năm ngoái, lên 59 tỉ USD. Đứng thứ hai là nhà đầu tư Warren Buffett. Tổng tài sản của ông Buffett giảm 6 tỉ USD, xuống còn 39 tỉ USD do cổ phiếu Tập đoàn Berkshire Hathaway giảm giá.
Dù nền kinh tế Mỹ đang ì ạch, thị trường chứng khoán New York liên tục trồi sụt, nhưng trong 12 tháng qua tổng tài sản của toàn bộ thành viên Câu lạc bộ Forbes 400 đã tăng 12%, lên tới 1.530 tỉ USD. Ngược lại, theo điều tra mới đây của Cục Dân số Mỹ, số người nghèo Mỹ (thu nhập dưới 30 USD/ngày) đã tăng lên mức kỷ lục 46,2 triệu người.
Xung đột giai cấp hay sự công bằng
Thông tin này càng đổ thêm dầu vào lửa của cuộc tranh luận “xung đột giai cấp” giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Trước đó Tổng thống Obama đã công bố kế hoạch tăng thuế đánh lên giới nhà giàu, có thu nhập trên 250.000 USD/năm, trong vòng 10 năm tới để tạo nguồn thu khoảng 1.500 tỉ USD nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách. Chính quyền Washington gọi dự luật này là “luật Buffett”, lấy theo tên tỉ phú Warren Buffett.
Ông Buffett từng kêu gọi chính phủ tăng thuế lên nhà giàu và báo động việc những người giàu nhất như ông và các bạn bè ông phải đóng thuế với tỉ lệ thấp hơn những người làm công cho ông. Trong bài xã luận trên báo New York Times mang tên “Đừng chiều chuộng những người siêu giàu nữa”, tỉ phú Buffett khẳng định việc giới siêu giàu chỉ phải đóng thuế khoảng 17% thu nhập, trong khi những người làm công ăn lương phải nộp thuế tới 37-41% là điều quá bất hợp lý.
Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa đang muốn duy trì đặc quyền đặc lợi của giới nhà giàu đã kịch liệt phản đối dự luật này. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Paul Ryan mô tả chính sách của ông Obama là “gây xung đột giai cấp”. “Xung đột giai cấp chỉ càng thêm chia rẽ quốc gia này - hạ nghị sĩ Ryan lớn tiếng khẳng định - Nó sẽ tấn công những người tạo ra công ăn việc làm (giới nhà giàu)”. Chủ tịch hạ viện John Boehner cũng mô tả đề xuất của ông Obama là “khoản tăng thuế 1.500 tỉ USD lên những người tạo ra công ăn việc làm Mỹ”.
Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế chỉ trích luận điệu của Đảng Cộng hòa chỉ là sự bịa đặt để lừa dối cử tri và bảo vệ giới nhà giàu. “Việc nói rằng giới nhà giàu đã tận dụng lợi thế chính trị và không đóng phần thuế công bằng không phải là gây xung đột giai cấp - nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz nhấn mạnh - Đó là sự thật”. Chuyên gia Stiglitz cho rằng sự tồn tại của các lỗ hổng trong luật thuế Mỹ tạo điều kiện cho giới nhà giàu đóng thuế ít không tự nhiên xuất hiện, mà là kết quả của những khoản “đầu tư chính trị” của họ.
Các nhà kinh tế cũng chỉ ra rằng luận điểm “luật Buffett tấn công những người tạo ra công ăn việc làm” của Đảng Cộng hòa cũng là dối trá. Bởi giàu có không đồng nghĩa với chuyện tạo ra việc làm. Trên thực tế rất nhiều người giàu Mỹ không quản lý những công việc kinh doanh tạo ra việc làm cho người lao động. Do đó giới chuyên gia khẳng định việc tăng thuế lên giới nhà giàu sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến thị trường lao động.
Thuế đánh vào tài sản
Theo khảo sát của Hãng ABC News và báo Washington Post hồi tháng 7, khoảng 72% người được hỏi ủng hộ việc nâng mức thuế lên những người có thu nhập trên 250.000 USD/năm để giúp giảm thâm hụt ngân sách. Đó là biện pháp được sự ủng hộ mạnh nhất trong số chín phương thức giảm thâm hụt và nợ công Mỹ. Giáo sư Stiglitz cũng cho rằng chẳng có lý do gì để biện hộ việc giám đốc một quỹ đầu tư có thu nhập hàng trăm nghìn USD mỗi năm mà lại đóng thuế với tỉ lệ thấp hơn các công nhân bình thường.
Theo hai giáo sư luật Bruce Ackerman và Anne Alstott thuộc Đại học Yale, trên thực tế việc tăng thuế đánh vào thu nhập của giới nhà giàu Mỹ là chưa đủ. Theo họ, sự bất bình đẳng nghiêm trọng nhất tại Mỹ không phải là thu nhập mà là tài sản. Nhóm 1% những người giàu nhất nước Mỹ kiếm tương đương 21% thu nhập quốc gia, nhưng sở hữu tới 35% tổng tài sản quốc gia. Hai chuyên gia này đề xuất chính quyền Washington cần áp thuế đánh trực tiếp lên tài sản của giới nhà giàu. Trên thực tế, từ năm 2008 Pháp, Na Uy, Thụy Sĩ và năm quốc gia khác thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) đã đưa ra loại thuế này.
10 tỉ phú giàu nhất nước Mỹ năm 2011 1. Bill Gates, đứng đầu danh sách với tài sản 59 tỉ USD, cựu chủ tịch Hãng phần mềm Microsoft hiện là một trong những nhà từ thiện hào phóng nhất thế giới. Ông đã quyên 28 tỉ USD để làm từ thiện toàn cầu tính đến nay. 2. Warren Buffett, người giàu thứ hai nước Mỹ với tài sản 39 tỉ USD. Ông luôn cổ xúy việc tăng thuế thu nhập cao hơn nữa đối với các tỉ phú Mỹ. “Trong khi nhiều người Mỹ đang vật lộn để trang trải cuộc sống hằng ngày thì những người siêu giàu như chúng ta lại được miễn giảm thuế” - ông nói. 3. Larry Ellison, tỉ phú giàu thứ ba nước Mỹ với tài sản 33 tỉ USD. Ông từng hưởng ứng lời kêu gọi của Bill Gates và Warren Buffet, quyên hàng triệu USD cho ngành y tế và giáo dục. 4. Charles Koch, giữ vị trí thứ tư, sở hữu tài sản trị giá 25 tỉ USD. Là tổng giám đốc điều hành Hãng công nghiệp Koch Industries, công ty tư nhân lớn thứ hai nước Mỹ, với doanh thu hằng năm hơn 100 tỉ USD. 5. David Koch, em trai của Charles Koch, đứng sau anh mình cũng với số tài sản 25 tỉ USD, cùng điều hành Tập đoàn Kock Industries, là công dân giàu nhất thành phố New York. 6. Christy Walton, tài sản 24,5 tỉ USD, trở thành người phụ nữ giàu nhất thế giới do thừa kế gia sản từ người chồng quá cố John Walton và hưởng cổ tức từ chuỗi siêu thị bán lẻ lớn nhất trên thế giới Wal-Mart. 7. George Soros, đứng thứ bảy trong 10 tỉ phú giàu nhất nước Mỹ với tài sản lên đến 22 tỉ USD, nổi tiếng từ năm 1992. Ông cũng là người làm từ thiện nổi tiếng khi quyên góp hơn 8 tỉ USD cho y tế, giáo dục và các hoạt động quyền vì con người trong 32 năm qua. 8. Sheldon Adelson, tài sản 21,5 tỉ USD, là vua sòng bạc ở Mỹ và thế giới. Năm 2010, tài sản của ông đã tăng 7 tỉ USD. Hơn 90% lợi nhuận của Sheldon Adelson đến từ châu Á. 9. Jim Walton, tài sản 21,1 tỉ USD, là một trong những người thừa kế chuỗi siêu thị Wal-Mart, hiện là chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành của Ngân hàng Arvest thuộc sở hữu gia đình Walton. 10. Alice Walton, tài sản 20,9 tỉ USD, là tỉ phú giàu thứ mười nước Mỹ, cũng là một trong những người thừa kế của dòng họ Walton. Nữ tỉ phú này đang chuẩn bị mở bảo tàng nghệ thuật riêng cho bà vào tháng 11. MỸ LOAN (Theo Forbes) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận