Mới đây ARMY (cộng đồng người hâm mộ nhóm nhạc BTS) đồng loạt bày tỏ sự phẫn nộ và kêu gọi tẩy chay đối với HYBE, công ty chủ quản nhóm nhạc này, khi HYBE áp dụng chính sách “làm tiền” đối với họ.
Công ty HYBE đã áp dụng chiến lược dynamic pricing (tạm dịch: định giá động) này vào các buổi hòa nhạc tại Mỹ sắp tới của rapper Suga (BTS) và nhóm nhạc đàn em TXT.
Dường như công ty này đã nhắm trước độ nóng của nghệ sĩ nên quyết định áp dụng chiến lược này vào việc bán vé, nhằm khiến người hâm mộ phải bỏ ra nhiều tiền hơn.
Chiến lược bào mòn người hâm mộ
Định giá động là cách định giá sản phẩm, dịch vụ linh hoạt theo giá của đối thủ cạnh tranh, mùa cao điểm và những yếu tố khác. Cách định giá này cho phép doanh nghiệp thay đổi giá phù hợp với mức khách hàng sẵn sàng chi trả vào thời điểm đó.
Khi cạnh tranh tăng thì doanh nghiệp sẽ giảm giá để thu hút người mua. Trái lại khi nhu cầu vẫn đang tăng cao thì sẽ tăng giá bán theo thời gian thực.
Khi áp dụng chiến lược này vào ngành công nghiệp giải trí, nghệ sĩ càng nổi tiếng thì giá vé các đêm diễn sẽ càng cao, thậm chí cao hơn rất nhiều so với giá gốc.
Hiện nay cộng đồng hâm mộ nhóm BTS đang kêu gọi tẩy chay chiến lược "định giá động" của HYBE, vì cảm thấy họ chính là đối tượng chính cho công cuộc "làm tiền" này. Bởi lâu nay, các đêm diễn của BTS thường cháy vé rất nhanh do nhu cầu khổng lồ.
Theo tờ Sport Kyunghyang, một người hâm mộ nói về đêm nhạc của Suga (BTS) tại Mỹ: "Chiếc vé có giá 400 USD (gần 9,4 triệu đồng) đã tăng giá lên mỗi ngày, và ngay thời điểm tôi nhấp chuột vào để mua thì nó đã lên đến 1.800 USD (hơn 42,2 triệu đồng)".
Không chỉ với BTS, TXT, chiến lược định giá động còn xuất hiện ở hòa nhạc của Taylor Swift tại Mỹ, Harry Styles, Coldplay và BlackPink tại Anh.
Ngoài tăng giá vé, HYBE còn đổi cách tính phí trên Weverse, mạng xã hội nơi người hâm mộ có thể trực tiếp tương tác với thần tượng K-pop.
Người hâm mộ sẽ phải trả thêm một khoản phí để sử dụng các tính năng phụ đề, không quảng cáo hay phát lại chương trình trực tiếp sớm hơn trên Weverse DM và Weverse by Fans.
Tuy mang lại nguồn thu cực lớn cho phía công ty chủ quản, nhưng chiến lược lại vô tình trở thành một "cú tát" vào người hâm mộ.
Bởi phần lớn người hâm mộ đều là học sinh, sinh viên, những bạn trẻ chỉ vừa mới ra trường nên giá vé thay đổi liên tục trong quá trình hay thậm chí có thể tăng đột biến cũng sẽ trở thành mối lo cho người hâm mộ.
Trục lợi nhờ thần tượng?
Thực tế hiện nay, việc giá vé các buổi biểu diễn, fanmeeting (giao lưu với người hâm mộ), giá các goods (vật phẩm lưu niệm) ngày càng tăng cao, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ đầu năm 2023 đến nay.
Tuy có thể nói các giao dịch này là thuận mua vừa bán, nhưng việc các công ty giải trí “tranh thủ” kiếm tiền từ chính tình yêu thương của người hâm mộ dành cho thần tượng là một việc làm dường như không thể chấp nhận được.
Theo thông tin từ các cộng đồng hâm mộ, giá vé hòa nhạc thần tượng K-pop trung bình ở Thái Lan trong năm 2023 là 5.270 baht (khoảng 3,6 triệu đồng). Mức này tăng 17,9% so với năm 2019 (khoảng 3 triệu đồng) và tăng 59,6% so với năm 2013 (2,2 triệu đồng).
Trước đây, giá vé đắt nhất cho một buổi hòa nhạc K-pop rơi vào khoảng 6.000 baht (4,1 triệu đồng) và giá rẻ nhất là 1.050 baht (728.000 đồng). Giá vé hiện tại đang tăng quá nhanh, có trường hợp lên đến 10 triệu đồng/đêm diễn.
Không chỉ K-pop
Hiện tượng tăng giá vé đêm diễn và vật phẩm lưu niệm cũng được ghi nhận tại làng giải trí Thái Lan.
“Trong năm 2022, chúng tôi đã chi trả tầm 50 - 60 triệu đồng cho 2 đợt hòa nhạc và mua các vật phẩm lưu niệm của thần tượng” - chị T.A. (23 tuổi) và chị T.V. (22 tuổi) nói với Tuổi Trẻ Online.
Theo chị T.A., giá vé hòa nhạc của thần tượng năm nay đã tăng lên hơn rất nhiều so với năm ngoái. Cụ thể, giá vé ở hạng cao nhất năm 2022 là 6.500 baht (4,5 triệu đồng) nhưng năm nay đã lên đến 8.500 - 9.500 baht (5,9 - 6,5 triệu đồng).
Khác với hòa nhạc của thần tượng Hàn Quốc, hòa nhạc của các nghệ sĩ Thái Lan thường kèm theo các “phúc lợi” tùy theo từng hạng vé và hạng vé càng cao thì sẽ càng nhiều “phúc lợi”.
Các “phúc lợi” này bao gồm chụp ảnh riêng với thần tượng, được buổi gặp mặt riêng theo nhóm với thần tượng,… và những ưu đãi này cũng là một cách để "ép" người hâm mộ phải rút hầu bao.
Thẻ bo góc - chiêu bài bán album hiệu quả
Ngoài ra, các công ty giải trí còn phát hành những chiếc thẻ bo góc in ảnh thần tượng tặng kèm trong mỗi album để khiến người hâm mộ dễ dàng mở hầu bao hơn.
Do mỗi album chỉ có một chiếc thẻ ảnh và ảnh này lại được cho vào ngẫu nhiên, nên làm phát sinh hiện tượng một người mua nhiều album cùng một lúc để có thể sở hữu trọn bộ những chiếc thẻ ảnh này.
Tuy nhiên, một số người hâm mộ đã chọn cách bỏ ra từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng để mua lại những chiếc "thẻ bo góc" mà không cần mua thêm album.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận