14/11/2024 10:27 GMT+7

Nhà giáo vì cộng đồng: Người thầy với những dự án cho vùng cao

LTS: Nhiều nhà giáo, bên cạnh công việc chuyên môn, quản lý, luôn đau đáu với xã hội và âm thầm, bền bỉ có nhiều nỗ lực, đóng góp để giải quyết các vấn đề xã hội.

Nhà giáo vì cộng đồng: Người nổi tiếng bất đắc dĩ - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Xuân Khang chơi kéo co với học sinh Trường phổ thông liên cấp Marie Curie - Ảnh: TRUNG KIÊN

Thầy Nguyễn Xuân Khang - chủ tịch hội đồng giáo dục Trường phổ thông liên cấp Marie Curie, Hà Nội - không muốn nói nhiều về những gì mình đã làm. Nhưng dù không muốn thì ông cũng trở thành người "nổi tiếng" bất đắc dĩ.

Sự tử tế vẫn luôn là điều nhiều người hướng đến và lan tỏa nó như nguồn năng lượng tích cực để có thể tin yêu hơn vào cuộc đời.

Làm đến nơi đến chốn, làm hết trách nhiệm

Nhà giáo vì cộng đồng: Người nổi tiếng bất đắc dĩ - Ảnh 2.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Ảnh: Trung Kiên

"Đã không nhận giúp thì thôi, đã nhận thì không thể làm hời hợt được, phải làm đến nơi đến chốn, làm hết trách nhiệm của mình" - thầy Nguyễn Xuân Khang chia sẻ về "hành trình cảm xúc" của mình, một hành trình xuất phát từ tình cảm chợt đến, nhưng đã được thầy và cộng sự thực hiện bằng kế hoạch bài bản, chu toàn.

Dự án trồng một vạn cây xanh tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang) là dự án đầu tiên thầy Khang "bén duyên" với mảnh đất cực Bắc. Ông nói dự án xuất phát từ cảm xúc đến bất chợt từ sự kiện có ba học sinh lớp 8 Trường Marie Curie ra mắt cuốn sách nhỏ "Một mẩu rừng cho bạn". Đây là cuốn sách khích lệ những bạn nhỏ chung tay bảo vệ rừng.

"Năm 2021, tôi được mời đến dự buổi ra mắt sách. Tại đây, đơn vị tài trợ cho các cháu nhỏ viết sách đã nhắc lại việc Thủ tướng phát động trồng 1 tỉ cây xanh. Ở điểm cầu trực tuyến phía Mèo Vạc, đại diện địa phương cũng cho biết họ đang triển khai dự án trồng 1 triệu cây xanh.

Trong cảm xúc về việc làm nhỏ bé nhưng ý nghĩa của học trò, tôi phát biểu: "Tôi xin được trồng 1 vạn cây xanh ở Mèo Vạc được không?". Phía đầu cầu Mèo Vạc họ đồng ý. Việc trao đổi chỉ ngắn gọn, đơn giản vậy thôi và tôi đã triển khai mọi việc sau một tuần lễ" - thầy Khang kể lại.

Nhà giáo vì cộng đồng: Người nổi tiếng bất đắc dĩ - Ảnh 3.

Thầy Nguyễn Xuân Khang với học sinh Trường phổ thông liên cấp Marie Curie - Ảnh: TRUNG KIÊN

"Chốt" một dự án lớn nhẹ như lông hồng nhưng những công việc thầy Khang xử lý kế tiếp lại cẩn trọng, bài bản. Một nhóm công tác đã được thầy cử lên Hà Giang để khảo sát đất đai, làm việc với địa phương về cây giống, phương thức trồng cây và các thủ tục cần thiết.

Và 5 tháng sau đó, 2 vạn cây sa mộc đã được trồng theo hình thức sử dụng người địa phương trồng và chăm sóc cây.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, thầy Khang cho biết đợt kiểm tra gần đây, những cây sa mộc trồng đợt 1 đã cao chừng 2,5m. Thầy và Trường Marie Curie, Hà Nội đang triển khai trồng tiếp đợt 2 với khoảng 2-3 vạn cây nữa, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.

Thời điểm chuẩn bị cho năm học 2022-2023, truyền thông khi đó đưa tin nhiều về việc giá sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đắt gấp 3-4 lần sách cũ. Nhiều người chỉ trích nhà xuất bản, bày tỏ lo ngại khi gánh nặng dồn lên vai người dân.

Khi đó, huyện Mèo Vạc chỉ có hai trường tiểu học và THCS xã Pả Vi không được hưởng tiêu chuẩn cấp sách giáo khoa miễn phí. Thầy điện thoại cho lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Mèo vạc ngỏ ý xin được tặng sách giáo khoa cho toàn bộ học sinh, giáo viên.

Mọi việc cũng được xử lý rất nhanh chóng. Ngoài sách giáo khoa, học sinh được tặng thêm sách truyện, sách tham khảo, ba lô, vở, bút viết trước khi năm học mới bắt đầu.

Nhà giáo vì cộng đồng: Người nổi tiếng bất đắc dĩ - Ảnh 4.

Thầy Nguyễn Xuân Khang trò chuyện với một nữ sinh trong dự án đào tạo giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc (Hà Giang) - Ảnh: VĨNH HÀ

Những dự án "mất ngủ"

Khi nhóm thầy, trò mang sách lên Mèo Vạc trở về, thầy Khang nghe cộng sự nói các trường tiểu học ở Mèo Vạc đang thiếu giáo viên tiếng Anh. Cả huyện chỉ có một giáo viên tiếng Anh, trong khi năm học kề cận, học sinh từ lớp 3 bắt buộc phải học tiếng Anh theo chương trình mới.

Thầy Khang nhớ lại: "Nếu như việc tặng sách giáo khoa khá đơn giản với tôi thì việc dạy tiếng Anh cho 18 trường tiểu học ở Mèo Vạc, với hơn 2.600 học sinh lớp 3, phức tạp hơn rất nhiều. Cả đêm tôi đã suy nghĩ về điều đó. Và tôi quyết tâm, nhận lời giúp".

Cách thức hỗ trợ được thống nhất là Trường Marie Curie cử giáo viên dạy trực tuyến cho học sinh lớp 3 toàn huyện Mèo Vạc theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trường có 104 giáo viên dạy tiếng Anh bao gồm cả giáo viên nước ngoài và Việt Nam, nhưng việc rút giáo viên ra dạy cho Mèo Vạc sẽ gây xáo trộn việc dạy học ở trường.

Thầy Khang suy nghĩ và quyết định không rút giáo viên đã bố trí dạy cho trường mình, thay vào đó thầy bỏ tiền tuyển thêm giáo viên, chỉ để thực hiện dự án dạy trực tuyến cho học sinh ở Mèo Vạc.

Vì không đồng ý việc gom học sinh nhiều lớp để dạy chung mà duy trì việc dạy cho từng lớp đơn lẻ nên thầy Khang phải tuyển 22 giáo viên mới đảm nhiệm được.

Nhà giáo vì cộng đồng: Người nổi tiếng bất đắc dĩ - Ảnh 5.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Ảnh: TRUNG KIÊN

Trong năm học đầu tiên triển khai dạy trực tuyến tiếng Anh, thầy Khang hai lần tổ chức cho 22 giáo viên lên Mèo Vạc để tiếp xúc trực tiếp với học sinh. Ông muốn thầy - trò gặp nhau, có tương tác ngoài đời thật để thầy hiểu trò, trò gần gũi, tin tưởng vào thầy.

Các cô giáo cũng có trải nghiệm, nắm tình hình thực tế để điều chỉnh cách dạy học, cách phối hợp với giáo viên địa phương trong việc quản lý học sinh…

Đến nay đã sang năm học thứ ba thầy Nguyễn Xuân Khang và giáo viên Trường Marie Curie, Hà Nội triển khai dạy trực tuyến cho học sinh tiểu học ở Mèo Vạc. Chỉ còn hơn một học kỳ nữa, lứa học sinh này sẽ hết tiểu học.

Sáng kiến hỗ trợ của thầy Khang đã lan tỏa, một số sở GD-ĐT đã ký kết hỗ trợ các địa phương miền núi khó khăn trong việc cử giáo viên dạy trực tuyến cho học sinh để giải quyết trước mắt việc thiếu giáo viên.

Về phần mình, thầy Khang lại nghĩ đến một việc khó mới: đào tạo giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc. Và thầy lại thêm nhiều đêm mất ngủ để tính toán với câu hỏi: Nên hay không và nên thì làm thế nào?

Rồi thầy quyết định dành 12 tỉ đồng để đào tạo khoảng 30 giáo viên dạy tiếng Anh là người địa phương. Những sinh viên sư phạm tiếng Anh được lựa chọn và cam kết sẽ trở về dạy học tại Mèo Vạc sau khi tốt nghiệp sẽ được nhận học bổng của thầy trong 4 năm học.

Trên thực tế, số sinh viên được lựa chọn là 33 người. Mỗi sinh viên nhận mức tối thiểu là 5 triệu đồng/tháng. Các em không phải thi lại, đạt kết quả học tập loại khá, giỏi sẽ được tăng mức học bổng. Ngoài ra thầy Khang cũng quyết định sẽ mua xe máy cho những sinh viên tốt nghiệp bắt đầu đi dạy.

Theo kế hoạch, lần lượt từ năm 2025-2028, năm nào cũng sẽ có sinh viên nhận học bổng tốt nghiệp, ra nghề.

"Tôi nghĩ nếu có rơi rụng ít nhiều thì ít nhất Mèo Vạc cũng có thể có khoảng 20 giáo viên tiếng Anh. Và để phòng xa, ngay khi bắt đầu triển khai, tôi đã lập một quỹ riêng cho việc cấp học bổng cho số sinh viên đó đủ trong 4 năm học. Nên cho dù tôi ở đây hay không ở đây thì dự án này sẽ vẫn được người kế nhiệm thực hiện đúng cam kết" - thầy Khang nói.

"Món nợ" canh cánh trong lòng

Nhà giáo vì cộng đồng: Người nổi tiếng bất đắc dĩ - Ảnh 6.

Thầy Nguyễn Xuân Khang với học sinh Trường phổ thông liên cấp Marie Curie - Ảnh: TRUNG KIÊN

Năm 2023, thầy Nguyễn Xuân Khang gây một bất ngờ nữa khi quyết định đầu tư 100 tỉ đồng để xây dựng một trường phổ thông bán trú tại Mèo Vạc.

Dự án xây trường cho Mèo Vạc cũng được thầy Khang quyết định ngay trong cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo huyện và Phòng GD-ĐT Mèo Vạc, Trường Marie Curie và những sinh viên tiếng Anh nhận học bổng của thầy Khang. Nhưng riêng về việc này, ông nói không phải là "cảm xúc bất chợt" mà là điều đau đáu từ lâu.

Ông cho biết: "Năm 1979, tôi 30 tuổi và cùng với nhiều thanh niên thời đó, tôi viết tâm thư xin đi bộ đội, lên biên giới. Nhưng vì không đủ sức khỏe, tôi bị loại. Nhiều bạn bè tôi thì đã đi, trong đó có người đã hy sinh, có người sau này trở về nhưng mang thương tật đầy mình. Tôi luôn nghĩ mình có một món nợ.

Có những người đã hy sinh xương máu trong khi tôi được học hành, thành đạt. Tôi định sau khi hoàn thành việc xây dựng cơ sở 2 của Trường Marie Curie ở Hà Nội, tôi sẽ tích lũy để có kinh phí xây tặng một tỉnh biên giới một ngôi trường. Nhưng rồi sau nhiều dự án kế tiếp làm cho Mèo Vạc, tôi muốn thực hiện điều đã ấp ủ đó sớm hơn".

Hiện tại Trường Marie Curie - Mèo Vạc đã hoàn thiện phần thiết kế, dự kiến sẽ khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2026 và bàn giao cho Mèo Vạc theo hình thức "chìa khóa trao tay". Ông cho biết 100 tỉ sẽ được tính toán, xây dựng một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất.

Nặng lòng với giáo dục vùng khó

Ông Bùi Văn Thư - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mèo Vạc (Hà Giang) - chia sẻ năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên học sinh lớp 3 học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó môn tiếng Anh là môn học mới (trước đây tiếng Anh chỉ là môn học tự chọn ở tiểu học).

Toàn huyện khi đó chỉ có duy nhất một giáo viên tiếng Anh trong khi có tới 76 lớp 3 và 2.609 học sinh. Đây là vấn đề trăn trở của ngành giáo dục chưa biết phải giải quyết thế nào vì không thể bỏ trắng môn học không dạy.

"Giữa lúc đó, thầy Nguyễn Xuân Khang đồng ý giúp đỡ. Đã gần 5 học kỳ trôi qua, việc dạy học trực tuyến tiếng Anh theo chương trình hỗ trợ của thầy Khang và Trường Marie Curie đã đi vào ổn định. Không chỉ có việc dạy tiếng Anh trực tuyến, Mèo Vạc cũng nhận được sự hỗ trợ của thầy Nguyễn Xuân Khang ở nhiều việc khác.

Cùng với sự giúp đỡ thiết thực, chu đáo của thầy Khang và nhà trường, chúng tôi cảm nhận được tấm lòng của một nhà giáo nặng lòng với giáo dục vùng khó. Điều đó động viên chúng tôi rất nhiều trong hành trình vượt khó để đảm bảo mục tiêu giáo dục" - ông Thư nói.

Đam mê công việc

Có một điều hiếm ai biết là đã gần 80 tuổi, nhưng thầy Khang không đi đâu xa hơn ngôi trường của mình, dù ông có điều kiện tài chính để đi du ngoạn khắp nơi. Ông thấy đủ khi ra vào ngôi trường, ngắm nhìn bọn trẻ, chơi cùng bọn trẻ.

"Ai sống trên đời cũng có niềm say mê, hay nói cách khác là mong muốn. Người ta đi du lịch đây đó để thưởng ngoạn cái hay cái đẹp cũng là một mong muốn chính đáng. Tôi không thích đi, vì cái tôi say mê là công việc", thầy Khang chia sẻ.

Trăn trở với những đứa trẻ Làng Nủ

Nhà giáo vì cộng đồng: Người nổi tiếng bất đắc dĩ - Ảnh 3.

Thầy Nguyễn Xuân Khang trong một hoạt động giao lưu với phụ huynh, học sinh - Ảnh: TRUNG KIÊN

Khi sự cố ở Làng Nủ Bảo Yên (Lào Cai) xảy ra, thầy Nguyễn Xuân Khang là người đầu tiên quyết định sẽ nhận nuôi tất cả những đứa trẻ ở Làng Nủ. Sau khi quyết định, ông cử nhóm công tác lên tận nơi để xác minh từng trường hợp và quyết định hỗ trợ 22 cháu bé từ 3 tuổi đến 17 tuổi.

Ông bày tỏ quan điểm: "Tôi muốn giúp bọn trẻ được ấm no, có nghĩa đủ mặc ấm, đủ ăn no và được học hành. Và tôi muốn đồng hành với bọn trẻ cho tới khi chúng đủ 18 tuổi. Trong thời gian đó có thể có những vấn đề cần thiết, chính đáng, tôi sẵn sàng hỗ trợ thêm ngoài số tiền cấp hằng tháng là 3 triệu đồng/ cháu bé".

Quyết định của thầy Khang một lần nữa lại tạo nên hiệu ứng. Nhiều người khác cũng gửi tiền giúp trẻ Làng Nủ. Nhưng việc này lại khiến người thầy âu lo.

Ông nói: "Lẽ ra bọn trẻ được nhiều người giúp tiền, phải mừng, nhưng tôi lại thấy lo. Vì tôi đã nhận trách nhiệm giúp các cháu, không có nghĩa chỉ cấp tiền. Mà hơn thế, tôi muốn nhìn thấy bọn trẻ lớn lên, thành người tử tế, được học hành đầy đủ. Nhưng thực tế hiện nay khiến tôi không khỏi trăn trở.

Có cháu hiện nay tôi biết đã nhận được từ các nhà hảo tâm vài ba tỉ đồng, có cháu nhận được 6-7 tỉ đồng. Có những người lớn hiện vẫn đang đứng ra xin tiền cho các cháu và để có nhiều người thương xót đã thông tin sai lệch về tình cảnh của các cháu. Tôi nhận thấy không có tiền thì khó sống, nhưng có nhiều tiền thì sống khó. Sống khó ở đây là có thể bọn trẻ sẽ sinh hư, sẽ lơ là học hành và sẽ nhiễm thói xấu".

Nói đến nỗi trăn trở này, thầy Khang kể lại một kỷ niệm với ông từ năm 2011, khi Nhật Bản xảy ra thảm họa động đất sóng thần. Qua một tờ báo, ông đọc được chuyện một cậu bé 9 tuổi mất hết cha mẹ. Khi xếp hàng chờ nhận phần ăn cứu trợ, cậu bé được một viên cảnh sát nhường ổ bánh mì của mình. Nhận ổ bánh, nhưng cậu bé đã mang đặt lên bàn để đồ ăn đang được phát và quay lại xếp hàng chờ đến lượt.

"Câu chuyện đó khiến tôi rung động. Đứa trẻ rõ ràng được giáo dục để có lòng tự trọng, có kỷ luật cho dù gặp phải biến cố lớn và chỉ còn lại một mình. Những ngày này, tôi lại nhớ đến câu chuyện đó" - thầy Khang kể lại và cho biết ông đang phải suy nghĩ, bàn với các thầy cô giáo của bọn trẻ ở Làng Nủ cách để bảo vệ bọn trẻ. Làm sao để chúng không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính lòng tốt không đúng cách.

Nhà giáo vì cộng đồng: Người nổi tiếng bất đắc dĩ - Ảnh 4.TP.HCM gặp gỡ tri ân những nhà giáo đi B, nhà giáo nội đô

Sáng 11-11, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức gặp gỡ những nhà giáo đi B, nhà giáo nội đô nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên