Nhà giáo ưu tú Trần Chút - Ảnh: H.T.
Anh là người không bảo thủ, nhìn đời nhìn người rất thông thoáng, luôn rộng lượng với bạn bè, lớp đàn em và bao dung với học trò. Với anh, ai cũng có điểm tốt nào đó mà mình cần phải học, chứ không phải chỉ có mình mới đúng. Tại hội thảo 100 năm chữ quốc ngữ do Hội Ngôn ngữ học TP.HCM tổ chức ngày
21-12-2019, anh được mời ngồi chủ tịch đoàn. Và ý kiến của anh tại hội thảo này được nhiều người đồng thuận.
Trước và sau hội thảo, có nhiều ý kiến về các giáo sĩ và đặt câu hỏi đại thể: "Giáo sĩ Alexandre de Rhodes có phải là "ông tổ chữ quốc ngữ" và xứng đáng để chúng ta tôn vinh hay không?".
Các tham luận tại hội thảo về cơ bản thống nhất tiến trình hình thành chữ quốc ngữ. Nhưng với anh Trần Chút, thì bằng việc chỉnh hợp, bổ sung kết quả của người đi trước qua các tác phẩm Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latin và Phép giảng tám ngày, Alexandre de Rhodes là người có công tổng kết giai đoạn hình thành của chữ viết tiếng Việt bằng hệ thống chữ Latin.
Và nhân dân Việt Nam đã tự nguyện chọn chữ quốc ngữ là chữ viết tiếng Việt. Giá trị của chữ quốc ngữ ngày càng được nâng cao, được dùng làm cơ sở để xây dựng chữ viết cho nhiều ngôn ngữ dân tộc ít người ở Việt Nam. Với sự thật này, chúng ta cần tôn trọng và vinh danh không chỉ Alexandre de Rhodes mà phải tri ân, ghi nhận công lao của các nhà truyền giáo đã truyền bá chữ quốc ngữ.
Đó là một ví dụ điển hình về cách nhìn đời nhìn người của anh. Về chuyên môn, có thể nói anh dành trọn đời cho ngành ngôn ngữ học. Không có nỗ lực của anh thì không có Hội Ngôn ngữ học TP.HCM hôm nay.
Chúng tôi, lớp đàn em, tiếp nhận thành quả của anh để lại. Anh thường gợi ý chúng tôi, năm nay hội nên làm gì? Và anh là người đầu tiên không chỉ đóng góp trí lực mà còn vật lực. Trong sinh hoạt đời thường, chúng tôi hay mời anh đi ăn sáng, uống cà phê, nghe anh nói chuyện đời bằng suy nghĩ của riêng anh để có những tiếng cười rổn rảng.
Hễ chúng tôi "alô" là khoảng chừng mươi phút anh có mặt với nụ cười vui. Sáng chủ nhật cận Ngày Quốc khánh (2-9) vừa rồi, tôi "alô", anh báo đi xuống lầu phải cần có người dìu. Vu Gia xác minh anh còn khỏe hay không bằng cách nhắn tin và anh trả lời tin nhắn rất rành mạch. Vu Gia cười ha hả rằng anh sẽ không sao.
Ấy vậy mà bây giờ chúng tôi chỉ còn biết tưởng tiếc về anh. Thương lắm, anh Trần Chút!
Yêu nghề đến tận tụy
Tôi học được ở thầy tình yêu nghề, yêu đến tận tụy, đằm thắm, bền chặt. Tôi học được ở thầy niềm tin vào con người, niềm tin vào đồng nghiệp và học trò. Mỗi khi gặp khó khăn khiến mình nản chí, tôi lại nghĩ đến thầy, đến những tiền nhân đã trọn đời cống hiến cho mái trường này, và kéo tay mình đứng dậy để tự bước đi tiếp.
Cách đây mấy năm, nghe tin thầy mắc phải căn bệnh nan y, chúng tôi lo lắng, hốt hoảng đến thăm thầy. Nhưng khi gặp thầy thì dường như chúng tôi lại trở thành những người được quan tâm, an ủi, vỗ về. Thầy gầy hơn trước, vẫn từ tốn, chậm rãi, cầm tay tôi rồi bảo thầy không sao đâu, thầy vẫn khỏe, em đừng lo.
Thầy vẫn mỉm một nụ cười hiền lành, đôn hậu, như thể cuộc đời này không có một vết trầy xước nào. Trong những năm tháng chống chọi với căn bệnh quái ác, thầy vẫn đều đặn ủng hộ quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của khoa văn. Mỗi lần nhận món quà gửi cho sinh viên từ thầy, chạm vào những ngón tay gầy nồng ấm, chúng tôi đều xúc động và biết ơn thầy.
Thầy chưa bao giờ là một người sôi nổi, chưa bao giờ nói lớn tiếng, nhưng thầy làm điều gì cũng quyết liệt, đến cùng, tin vào lẽ phải và sự chính trực của mình. Thầy yêu thương cũng quyết liệt, đến cùng. Và những gì thuộc về thầy sẽ mãi mãi ở lại trong chúng tôi, dáng hình ấy, giọng nói ấy, nụ cười ấy, bàn tay xương xương thường đưa lên mỗi khi kể chuyện ấy.
HỒ KHÁNH VÂN (giảng viên khoa văn học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM)
Nhà giáo ưu tú Trần Chút sinh năm 1940 tại Gio Linh, Quảng Trị. Năm 1960, sau tốt nghiệp phổ thông, ông được tuyển thẳng vào khoa ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Học xong đại học, ông vào làm việc tại Viện Ngôn ngữ học (1964), nay thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Sau năm 1975, ông được chuyển vào Nam công tác, giữ chức vụ phó trưởng khoa ngữ văn đầu tiên, rồi làm trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho tới ngày nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, ông được mời làm phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến. Ông là phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, chủ tịch đầu tiên của Hội Ngôn ngữ học TP.HCM và là chủ tịch danh dự Hội Ngôn ngữ học TP.HCM hiện nay.
Bên cạnh việc quản lý, giảng dạy, nhà giáo ưu tú Trần Chút với bút danh Hồng Dân đã tham gia việc biên soạn các sách giáo khoa ngữ văn của Bộ GD-ĐT. Tối 1-10, nhà giáo ưu tú Trần Chút giã biệt cõi đời, thọ 81 tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận