Nhà đóng gói, sơ chế, bảo quản thanh long ở xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận được thực hiện từ nguồn vốn vay nước ngoài nhưng bỏ hoang hơn 2 năm - Ảnh: ĐỨC TRONG
Nhà đóng gói, bảo quản, sơ chế thanh long ở xã Hàm Minh là một phần của Dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP).
Dự án thực hiện từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong đó tỉnh Bình Thuận được phân bổ hơn 55 tỉ đồng để đầu tư xây dựng 5 nhà sơ chế, đóng gói, bảo quản thanh long.
Dự án hoàn thành năm 2016 với vốn đầu tư hơn 10 tỉ đồng.
Ông Phan Văn Tấn - phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận - cho biết sở dĩ công trình không hoạt động là do năng lực của đơn vị tiếp nhận ban đầu hạn chế.
Để tránh thêm lãng phí nguồn vốn vay từ nước ngoài, UBND Bình Thuận đã thu hồi công trình và bàn giao cho Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ và sản xuất thanh long Bình Thuận (liên hiệp HTX) tiếp quản.
Tuy nhiên, công trình trên đã bộc lộ nhiều bất cập sau khi liên hiệp HTX tiếp nhận và đưa vào vận hành sau hơn 2 năm .
Hệ thống máy làm lạnh kho bảo quản thanh long đặt ngoài trời nhưng không mái che và giá đỡ quá thấp khiến nước tràn vào và luôn trục trặc mỗi khi vận hành - Ảnh: ĐỨC TRONG
Do bỏ hoang hơn 2 năm nên cây cối mọc um tùm trên hệ thống máy điều hòa của công trình - Ảnh: ĐỨC TRONG
Tại công trình, cây cối mọc um tùm, hoang phế và nhiều hạn mục máy móc hư hỏng, trục trặc. Điển hình là hệ thống máy làm lạnh cho kho bảo quản thanh long.
Theo ông Trác Anh - chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ - sản xuất thanh long Bình Thuận - hệ thống máy làm lạnh đặt ngoài trời nhưng không có mái che nên mưa xuống là ướt, dễ xảy ra chập điện.
Hạng mục quan trọng nhất của công trình là bộ giá đỡ của hệ thống làm lạnh cũng quá thấp, hễ mưa là nước ngập và cây cối dễ leo bám nên càng làm cho máy móc mau xuống cấp, hư hỏng.
Ngoài ra, thiết kế hệ thống cửa nẻo của công trình không phù hợp, quá thấp khiến xe cộ ra vào gặp nhiều khó khăn mỗi khi giao nhận hàng.
Xuống cấp rõ nhất bức tường và nền gạch bên trong công trình. Nhiều chỗ nứt toác hình chân chim, nền sụt lún. Hệ thống máy bơm nước bỏ hoang, rỉ sét và không hoạt động được.
Nguy hiểm nhất là hệ thống dây điện của công trình. Nhiều dây điện bong tróc lớp vỏ, lòi đồng, dễ chập điện và cháy nổ.
Để vận hành lại được hệ thống máy móc, liên hiệp HTX phải tu bổ một số hạng mục nhưng không thấm vào đâu do hệ thống đã xuống cấp và có quá nhiều bất cập.
Vết nứt bên trong công trình - Ảnh: ĐỨC TRONG
Hệ thống dây diện bong tróc lớp vỏ, dễ xảy ra chập điện và cháy nổ - Ảnh: ĐỨC TRONG
Hệ thống dây diện bong tróc lớp vỏ, dễ xảy ra chập điện và cháy nổ - Ảnh: ĐỨC TRONG
Được biết, công trình trên được xem bề thế nhất trong các của tỉnh Bình Thuận được thực hiện từ nguồn vốn vay nước ngoài. Công trình có diện tích lớn, nằm sát quốc lộ 1 và ngay trung tâm "thủ phủ" thanh long của cả nước.
Nếu vận hành hiệu quả, trái thanh long nơi đây sẽ tăng thêm chuỗi giá trị và có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận