Bên cạnh các mảng truyền thống như giày da, dệt may..., làn sóng nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam đang có sự chuyển dịch vào đa dạng lĩnh vực.
Nhà đầu tư Trung Quốc nhắm mảng năng lượng, bán lẻ thực phẩm
Ông Zhou Hao - ủy viên hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển gas đô thị - PV Gas City (mã chứng khoán PCG) - vừa chính thức đăng ký mua 4,7 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp này. Thời gian thực hiện giao dịch bắt đầu từ hôm nay 22-5 đến ngày 20-6.
Ước tính nhà đầu tư Trung Quốc này có thể bỏ ra khoảng 31,5 tỉ đồng để mua vào. Khi thương vụ hoàn tất, ông Hao trở thành cổ đông lớn và sở hữu 24,9% vốn điều lệ tại Gas City.
Gas City là thành viên trong hệ sinh thái của Tổng công ty Khí Việt Nam, kinh doanh các sản phẩm khí gas tiêu thụ nội địa. Tập đoàn năng lượng ENN Trung Quốc (Xin'Ao Gas) là đối tác chiến lược của Gas City từ cuối năm 2010.
Trong dàn ban lãnh đạo, cổ đông lớn tại doanh nghiệp này cũng xuất hiện nhiều người đến từ Trung Quốc. Điều này cũng lý giải vì sao nhiều tài liệu liên quan đến việc tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên được doanh nghiệp thể hiện bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Trung.
Theo báo cáo tài chính, trong quý 1-2024, Gas City đạt doanh thu thuần hơn 90 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Song sau khi trừ giá vốn và các chi phí khác, doanh nghiệp lại bị lỗ ròng sau thuế gần 5 tỉ đồng, lỗ nặng nhất trong vòng bốn năm qua. Đến cuối quý đầu năm nay, doanh nghiệp lỗ lũy kế 46 tỉ đồng.
Giải trình với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, ông Lyu Zhi Ming - giám đốc Gas City - cho biết nguyên nhân chủ yếu là do tỉ suất giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần kỳ này tăng so với cùng kỳ năm trước, khiến hiệu quả kinh doanh kỳ này giảm.
Về mảng năng lượng, vào giữa tháng này lãnh đạo Tập đoàn Sungrow Renewables (Trung Quốc) cũng cho biết sẽ xây dựng nhiều dự án điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam với tổng mức đầu tư hơn 1 tỉ USD.
Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, Công ty cổ phần phát triển năng lượng sạch Hướng Linh (có cổ đông quốc tịch Trung Quốc) đã nộp hồ sơ đề nghị mua lại 61,3% cổ phần của Điện gió Hướng Linh 3, tương đương hơn 255 tỉ đồng. Trước đề xuất trên, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị phải xin ý kiến Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… và các đơn vị liên quan để có cơ sở thẩm định, xem xét.
Gần đây Công ty cổ phần đầu tư và công nghệ Bách Hóa Xanh (chuỗi siêu thị bán lẻ thực phẩm, công ty con của Thế Giới Di Động) vừa bán thành công 5% cổ phần cho CDH Investment (Trung Quốc). Mặc dù không tiết lộ giá trị thương vụ, song Bách Hóa Xanh chia sẻ số tiền nhận về dùng phát triển kinh doanh.
Ông Thomas Lanyi - giám đốc khu vực Đông Nam Á của quỹ đầu tư - nhận định: "Việt Nam là một trong những thị trường ưu tiên của CDH Đông Nam Á nhờ vào lợi thế triển vọng cơ cấu và kinh tế vĩ mô vượt trội, chúng tôi đặc biệt lạc quan về tương lai của mảng bán lẻ tạp hóa có tổ chức".
Xây nhà máy, tiếp cận thêm khách hàng Việt
Không dừng ở việc mua cổ phần, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng chi bộn tiền để đầu tư, xây dựng nhà máy, phát triển dự án, đồng thời tiếp cận thị trường Việt Nam.
Điển hình như đầu quý 2 này, Tập đoàn BOE Bắc Kinh nhận giấy chứng nhận đầu tư của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để tập trung lắp ráp và sản xuất màn hình cho máy vi tính, tivi, bảng giá điện tử... Tập đoàn này cũng có dự án tương tự tại Đồng Nai, đã khai thác vào 5 năm trước.
Ở mảng xe, mới đây Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) ký kết hợp đồng liên doanh xây nhà máy tại Thái Bình. Hay hãng xe máy điện Yadea đang gấp rút xây nhà máy thứ hai tại tỉnh Bắc Giang... Hai năm nay nhiều hãng xe Trung Quốc khác cũng đổ bộ vào thị trường Việt Nam, thông qua các thương hiệu như Haval, Wuling Mini EV, Haima...
Xét theo địa phương, Bình Dương vốn là nơi hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài, riêng doanh nghiệp Trung Quốc có hơn 1.600 dự án với tổng vốn trên 10 tỉ USD. Trong khi đó, phía Bắc Ninh cho biết quý 1-2024 đã cấp phép 105 dự án vốn đầu tư nước ngoài FDI, hơn một nửa thuộc nhà đầu tư Trung Quốc.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến quý đầu năm 2024, Trung Quốc có hơn 4.400 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỉ USD, đứng hạng 6/145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có đầu tư tại nước ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận