Liên quan việc UBND TP.HCM chỉ đạo dừng đầu tư dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT), chuyển sang đầu tư công, nhà đầu tư của dự án cho hay sẽ có công văn đề nghị lãnh đạo TP.HCM xem xét lại.
TP vẫn cần nhà thi đấu Phan Đình Phùng và doanh nghiệp vẫn muốn làm
Ông Dương Quốc Tuấn, chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa (nhà đầu tư), cho hay trước khi TP có văn bản dừng dự án thì Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa (gọi tắt Tổng công ty) đã có văn bản giải trình, đề xuất đến Tổ công tác về dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng.
Quan điểm nhà đầu tư là rất mong muốn thực hiện dự án và sẽ làm hết sức, không buông xuôi. Minh chứng là nhà đầu tư đã chấp nhận chờ đợi quy định pháp luật mới về đầu tư để thực hiện dự án.
Về lý do tổ công tác cho rằng dự án nhà thi đấu không còn tính "cấp bách, cần thiết" và nếu tiếp tục thực hiện dự án sẽ có "rủi ro" do có điểm yếu về pháp lý, là nguyên nhân chủ yếu để dừng dự án, ông Tuấn cho rằng lý do này là chưa "thỏa đáng, thuyết phục".
Bởi lẽ ông Tuấn chỉ ra rằng báo cáo của tổ công tác (số 12542, ngày 22-9-2023) thì việc xây dựng nhà thi đấu vẫn cần thiết cho TP.HCM, nhất là chuẩn bị cho kế hoạch tổ chức đại hội thể thao toàn quốc lần thứ X sẽ diễn ra tại TP vào năm 2026.
Tổ công tác cũng đánh giá dự án đủ điều kiện để tiếp tục triển khai theo hình thức hợp đồng BT theo quy định chuyển tiếp tại khoản 4, điều 101 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
"Vì vậy tổ công tác đã báo cáo kiến nghị xin ý kiến Thành ủy để tiếp tục triển khai dự án. Đồng thời, trên cơ sở chấp thuận chủ trương của Thành ủy, UBND TP báo cáo xin ý kiến Thủ tướng về việc tiếp tục ký kết hợp đồng BT, chấp thuận quỹ đất thanh toán hợp đồng BT.
Tuy nhiên đến nay tổ công tác lại báo cáo cho TP dừng dự án. Là nhà đầu tư gắn bó với dự án này với TP hơn 10 năm nay, tôi rất buồn", ông Tuấn nói.
Sẽ giải quyết hậu quả việc dừng dự án theo pháp luật
Một lý do để tổ công tác cân nhắc khi dừng dự án là việc lựa chọn nhà đầu tư chưa bảo đảm theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo báo cáo (ngày 24-4-2024) của tổ công tác, dự án đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương thí điểm đầu tư công theo hình thức BT từ năm 2008. Tháng 3-2010, Công ty TNHH An Tạo và Tổng công ty đền bù giải tỏa được chỉ định làm chủ đầu tư, sử dụng mặt bằng 257 Trần Hưng Đạo thanh toán hợp đồng.
Năm 2011, do không đủ năng lực, Công ty An Tạo rút khỏi dự án, UBND TP xin Thủ tướng chấp thuận chỉ định Tổng công ty Đền bù giải tỏa được đơn phương tiếp tục thực hiện dự án.
Ngay sau đó, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có chỉ đạo "UBND TP quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện về việc thay đổi nhà đầu tư...". Trên cơ sở đó, UBND TP có công văn chấp thuận Tổng công ty Đền bù giải tỏa tiếp tục là nhà đầu tư.
Từ năm 2011-2016, UBND TP tổ chức thiết kế nhà thi đấu. Qua các lần thay đổi thiết kế thì mức đầu tư dự toán được điều chỉnh từ 988 tỉ đồng lên 1.352,7 tỉ đồng (năm 2013) và 1.954 tỉ đồng (năm 2016).
Tháng 1-2018, UBND ra quyết định chỉ định liên danh Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa - Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt là nhà đầu tư. Tháng 6-2018 UBND TP và nhà đầu tư đã ký tắt thỏa thuận đầu tư và dự thảo hợp đồng BT.
"Dự án bị chậm có nguyên nhân khách quan, chủ quan như Luật Đầu tư công thay đổi... nhưng chủ đầu tư không có lỗi. Chúng tôi sẽ gửi văn bản đề nghị lãnh đạo TP xem xét lại việc dừng dự án. Trường hợp TP vẫn quyết dừng thì chỉ còn cách giải quyết theo quy định pháp luật. Đến nay, chi phí đầu tư chúng tôi đã bỏ vào dự án là hơn 90 tỉ đồng. Nhưng chi phí cơ hội, lãi vay, chờ đợi hơn 10 năm qua thì thiệt hại rất lớn...", ông Tuấn chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận