Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, trả lời họp báo sau phiên đấu giá chiều 10-11 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM . Ảnh: T.V.N
Số cổ phần nói trên, tương ứng với 3,33% vốn điều lệ của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), được chào bán cạnh tranh trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) chiều nay, 10-11.
Như vậy, với hơn 48 triệu cổ phần bán ra với giá 186.000 đồng/cổ phần, ước tính tổng giá trị thu về đạt gần 9.000 tỉ đồng.
Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online, nhà đầu tư nước ngoài nói trên có trụ sở đặt tại Singapore.
Tuy nhiên, đây là một doanh nghiệp mới hoàn toàn chứ không phải là tập đoàn F&N Dairy Investments và F&Nbev Manufaturing như các đồn đoán trước phiên đấu giá.
Trước đó, tại phiên đấu giá, 19 nhà đầu tư đã rượt đuổi nhau rất kịch tính khi đặt mua với khối lượng lên đến 78.843.000 cổ phần VNM, tức gấp đôi số lượng mà SCIC chào bán trong đợt thoái vốn thứ hai này.
Mức giá một cổ phần mã VNM được các bên đưa ra rượt đuổi kịch tính từng phút một, từ 160.100 đồng vọt lên mức 186.000 đồng và chốt ở mức giá cao nhất này.
Tổng khối lượng đăng ký đặt mua cũng giữ nguyên mức 78.843.000 cổ phần suốt phiên đấu giá cho dù SCIC chỉ chào bán 48.333.400 cổ phần.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC, việc bán hết thành công đợt thoái vốn lần hai là sự ghi nhận đáng khích lệ, với nhiều thay đổi trong quy chế chào bán, mở rộng nhiều cơ hội tham gia cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Dự kiến trong thời gian tới, SCIC sẽ tiếp tục thực hiện các đợt thoái vốn tiếp theo tại các doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn còn nắm giữ nhiều tỉ lệ chi phối.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10-11, giá cổ phiếu của Vinamilk (mã VNM) tăng hết biên độ, đạt mức 173.800 đồng/cổ phiếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận