Tuy nhiên, qua đánh giá của các chuyên gia và công ty nghiên cứu tư vấn bất động sản, phân khúc đất nền đang được các nhà đầu tư quan tâm trở lại, giá giao dịch tăng hơn trước. Thậm chí, nhiều người đang kỳ vọng đây sẽ là phân khúc "hot" trong thời gian tới.
Một bộ phận khác lại chọn cách đầu tư vào đất nền khu đô thị. Nhất là sau thời gian dài "ngủ quên" do dự án chậm tiến độ, nhiều chủ nhân các lô đất này muốn bán nhanh, thậm chí chấp nhận "lỗ" để thu tiền về. Mua được giá rẻ, nhiều nhà đầu tư chờ "hái quả ngọt" khi có thông tin dự án rậm rịch khởi động lại.
Lợi thế nhất của đất nền tại các khu đô thị mới mở là được hưởng hạ tầng đồng bộ của toàn khu vực, kết nối giao thông tốt và đặc biệt là mật độ xây dựng tốt hơn hẳn nhà trong các khu dân cư cũ. Đặc biệt, nếu mua sớm và chọn những khu vực xa trung tâm một chút nhưng có triển vọng hạ tầng phát triển kết nối để "đón lõng" trước thì khả năng sinh lời dự báo cũng sẽ cao hơn nhiều.
Với những nhà đầu tư sành sỏi, có thông tin thì chọn cách bám theo các quy hoạch "trên giấy". Họ tìm mua và đợi sẵn ở khu vực gần các dự án lớn trong tương lai. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư này cũng khá mạo hiểm bởi nếu không nắm vững thông tin thì chính lô đất họ "ôm" lại có nguy cơ nằm trong diện giải tỏa làm đường.
Thế nhưng, xu hướng đầu tư đất nền đang được ưa chuộng cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đây là sản phẩm mang tính đặc thù của thị trường bất động sản, đáp ứng cho cả 2 mục đích an cư và đầu tư. Bởi vậy, phân khúc này chưa bao giờ hết "hot".
Niềm tin giá đất tăng dần theo thời gian hoặc giữ giá tốt hơn những tài sản khác khiến người Việt Nam luôn ưu tiên loại sản phẩm này, thậm chí họ còn mua đất nền để chờ cơ hội tăng giá hoặc làm của để dành, của hồi môn. Cũng có người cho rằng, mua nhà phố hoặc đất nền mang lại cho chủ sở hữu cảm giác mình là người chủ thực sự của tài sản có giá trị. Người sử dụng được toàn quyền quyết định, từ thiết kế xây dựng, kinh doanh hay cho thuê...
Mặt khác, hiện thị trường chung cư tại Việt Nam đang bão hòa và bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó phải kể đến các vụ tranh chấp sở hữu chung - riêng, bất đồng về cách quản lý và cung ứng dịch vụ trong các tòa nhà, nhiều chi phí phát sinh thêm... vẫn đang diễn ra khắp nơi. Điều này khiến tâm lý muốn sở hữu nhà ở riêng lẻ hoặc đất nền ngày càng bộc lộ rõ.
Điểm qua 3 đô thị lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, thời gian 2 năm trở lại đây đều diễn ra các cơn "sốt" đất nền, nhất là với các khu vừa được quy hoạch hạ tầng hấp dẫn. Thậm chí, mới có "tin đồn" mở đường đã khiến người mua lao vào cuộc chiến "săn đất" khiến giá bị đẩy lên vù vù. Đơn cử như khu vực quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) nơi có hàng loạt dự án hạ tầng lớn được công bố cũng tạo nên cơn sốt đất; hay như TP.HCM cũng trải qua cơn sốt đất nền tại khu đông thành phố…
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng cũng cảnh báo việc không để đất tăng giá theo "tin đồn". Muốn vậy, ngành chức năng cần nắm bắt thông tin, triển khai các giải pháp ổn định thị trường, tránh để xảy ra tình trạng giá đất tăng "ảo" do thổi giá, gây tác động xấu đến thị trường bất động sản.
Để phòng ngừa tình trạng "sốt" đất nền, theo Bộ Xây dựng, các địa phương cần công khai thông tin quy hoạch các khu vực cũng như tiến độ triển khai dự án từ giao thông, hạ tầng và cả bất động sản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận