08/04/2009 02:05 GMT+7

Nhà dài về với buôn làng

ĐÌNH ĐỐI
ĐÌNH ĐỐI

TT - Nhà dài - một kiến trúc văn hóa truyền thống độc đáo của người Ê Đê ở Đắc Lắc - giờ lại xuất hiện giữa buôn làng sau một thời gian vắng bóng.

qhOuOuKS.jpgPhóng to

Khách du lịch nước ngoài thích thú khi tham quan nhà dài của người Ê Đê ở buôn Kô Thông (TP Buôn Ma Thuột) - Ảnh: Đ.Đối

Già làng Ma Rin ở buôn Kô Thông (TP Buôn Ma Thuột) nói ông rất chạnh lòng trước thực tế nhà dài, một nét văn hóa kiến trúc độc đáo của người Ê Đê, bị chính chủ nhân của nó xa rời. Nguyên nhân dẫn đến điều đó thì nhiều, nhưng tựu trung lại chỉ nằm gọn trong câu nói của già Ma Rin: “Để cái nhà dài lại thì chiếm nhiều đất lắm, trong khi gia đình nào cũng nhiều con cháu. Đứa nào cũng cần đất, cần tiền để làm cái nhà mới. Nhà bêtông, nhiều tầng chứ không phải nhà dài như xưa nữa…”. Dù vậy, trong sâu thẳm già Ma Rin vẫn tin một ngày nào đó có điều kiện hơn, cuộc sống không bắt con người ta có sự lựa chọn ngoài ý muốn thì ngôi nhà dài truyền thống của ông cha mình lại được dựng lên như xưa.

Niềm hi vọng của già Ma Rin đến nay đã bắt đầu được chứng thực.

Đau đáu ngôi nhà máu thịt

Hồi ấy khoảng năm 1997-1998, nhà Y Luynh (Buôn Ma Thuột) túng thiếu phải bán đi một phần đất để lấy tiền cho con cái ăn học và đầu tư vào sản xuất. Y Luynh tâm sự: “Mình đã bấm bụng quên đi cái nhà dài thân thương của ông bà để lại, nhường một mảnh đất cho người khác”. Phần còn lại anh xây một ngôi nhà trệt cấp bốn để ở. Giờ đây sau hơn mười năm làm ăn tích cóp cùng sự hỗ trợ của con cái đã thành đạt, Y Luynh đã làm lại ngôi nhà dài đúng nghĩa trên mảnh đất của tổ tiên mình.

Kiến trúc nhà dài

Theo quan niệm của người Ê Đê, ngôi nhà không chỉ là nơi cư trú của gia đình mà còn thể hiện phong cách, nếp sống, sự giàu sang, đẳng cấp của gia đình đó trong cộng đồng. Nhà dài có ba ngăn: sân sàn, ngăn khách và ngăn ở. Mỗi ngăn được sử dụng theo mục đích, yêu cầu của từng ngăn, sao cho mọi người nhìn vào đều phân biệt được cả hình thức và nội dung của từng ngăn trong ngôi nhà dài.

Ngay cả cửa sổ bên hông nhà nhìn vào ai cũng biết trong ngôi nhà dài này đã có bao nhiêu phụ nữ lập gia đình, bao nhiêu chưa có gia đình... Ðó là nét văn hóa độc đáo mà cộng đồng dân tộc này lưu truyền, gìn giữ từ xa xưa đến hôm nay.

Hay như Amí Chil ở buôn Alêa (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột) lâu nay chịu khó ở trong ngôi nhà tuềnh toàng, cũ nát để dành dụm của nả cho con ăn học bằng người. Đến năm 2008 vừa rồi, họ đã dựng lại một ngôi nhà dài rất bề thế. Hôm khánh thành, Amí Chil làm thịt một con lợn mời khách.

Amí tâm sự: “Có tiền làm nhà là nhờ con cái góp vào đó. Chúng nó đã trưởng thành và đều làm trong cơ quan nhà nước. Vợ chồng già như Amí vào cuối đời mà được ở trong ngôi nhà dài như thế là mãn nguyện lắm rồi”. Cô con gái thứ ba của bà - chị H’Dim, hiện là biên dịch kiêm phát thanh viên Đài PT-TH Đắc Lắc - nói rằng hình ảnh ngôi nhà dài từ lâu đã thấm vào máu thịt của người Ê Đê, bởi vậy khi có điều kiện ai cũng nghĩ đến một ngôi nhà dài truyền thống.

Nhiều buôn làng khác cũng vậy, nay có thêm nhiều nếp nhà dài mới được dựng lên rất đẹp. Buôn Đinh ở Đắc Lắc là một trong những nơi có số nhà dài được dựng lại nhiều nhất.

Trở về với nhà mình thôi

Ở buôn Đinh (xã Cư Dlây Mnông, huyện Cư M’Gar), hồi đó nhà Y Tuê trúng liền hai vụ cà phê. Ông Ama Tuê - cha của Y Tuê - mừng quá, họp cả nhà lại bàn muốn làm cái nhà dài như tổ tiên để ở, điều ông hằng mong ước. Ngôi nhà dài với giá hơn 200 triệu đồng làm xong nhưng Y Tuê không chịu ở. Y Tuê thích một ngôi nhà mái bằng như ở phố: “Nay đời sống đã hiện đại, cái nhà dài không còn phù hợp nữa, phải thay đổi thôi… Phải làm cái nhà như người Kinh kia kìa, có phòng ngủ, phòng ăn, phòng vệ sinh ngay trong nhà cho tiện”. Ông Ama Tuê chiều con, xây thêm cái nhà nữa nhưng bụng không vui…

Những năm đó buôn làng có nhiều nhà xây bằng gạch, bêtông, 2-3 tầng, có mái bằng, sân thượng như nhà trên phố của người Kinh. Nhưng cái nhà kín quá, cửa đóng hoài, ít ai thăm ai. “Nó không như cái nhà dài của ông bà mình, ai đến chơi cũng được, ai cũng ngồi chung với nhau, gần gũi lắm”, ông Ama Tuê nói. Hôm chúng tôi gặp lại Y Tuê, anh mời một chóe rượu cần thơm nồng và sóng sánh ngay trên ngôi nhà dài của gia đình. Y Tuê cho hay: “Cái nhà xây trệt theo kiểu người Kinh ấy bây giờ dùng làm nhà kho chứa cà phê rồi. Mình không ở trong đó nữa, nó không giống cái nhà của người mình. Ở cũng tiện lắm nhưng không sướng cái bụng, không ưng con mắt”.

Già Ama Tuê khoe: “Cả buôn giờ có gần 200 gia đình, ai cũng có nhà dài truyền thống của mình. Hồi trước khổ quá, bán nhà dài để lấy tiền làm ăn. Giờ có tiền rồi, trở về với nhà dài của đồng bào mình thôi”.

Nét văn hóa độc đáo

yRMIEocZ.jpgPhóng to
Nhà dài của Amí Chil ở buôn Alêa - Ảnh: Đ.Đối

Nhà dài bây giờ không chỉ nằm khép mình trong các buôn của người Ê Đê nữa, mà đã trở mình vươn lên thành những địa chỉ du lịch của các đoàn khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Tây nguyên. Hầu như ngày nào ở buôn cổ Kô Thông (TP Buôn Ma Thuột) cũng có khách đến tham quan và thích thú với những ngôi nhà dài, nằm song song với nhau, bên cạnh là những bụi hoa, cỏ, tre, trúc… tạo nên một không khí bình yên.

Những ngôi nhà dài cứ nối tiếp nhau, những chiếc cầu thang có hình khối cân đối làm bằng gỗ, được đẽo vát nối tiếp nhau từ dưới lên đến sàn nhà, trên cùng của cầu thang tạc đôi bầu sữa mẹ, một biểu trưng thể hiện chế độ thị tộc mẫu hệ của người Ê Đê.

ĐÌNH ĐỐI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên