Trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tây Trà sau khi sáp nhập bị bỏ hoang trở thành nơi nuôi bò của người dân - Ảnh: T.M.
Luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng, có ý kiến:
Tôi quá sốc khi đọc bài viết và xem hình ảnh thực trạng hoang phế, hư hỏng của trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân huyện Tây Trà sau khi sáp nhập vào huyện Trà Bồng. Hai năm sau ngày sáp nhập, từ một trụ sở sạch đẹp đã biến thành nơi nhếch nhác đến vậy!
Những tài sản công là nhà đất thuộc trụ sở các cơ quan được sáp nhập không được sử dụng nữa, về nguyên tắc theo Luật quản lý, sử dụng tài sản công thì các tài sản này phải được quản lý, bảo vệ, khai thác sao cho tiết kiệm, hiệu quả.
Nếu các tài sản công này ở các địa phương kinh tế phát triển, nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp lớn thì việc bán đấu giá thu tiền vào ngân sách là điều dễ dàng.
Ở miền núi hẻo lánh, việc bảo vệ và khai thác giá trị các tài sản này là điều cần phải được quan tâm lập kế hoạch và triển khai kế hoạch phù hợp, nếu không sẽ lãng phí tài sản của Nhà nước.
Hiện chưa có sự phân loại cụ thể về tài sản công, dẫn tới chính sách quản lý không sát với thực tế. Chuyện ở huyện Tây Trà, tài sản không thể định giá và bán đấu giá như quy định chung bởi vùng này quá heo hút, kinh tế kém phát triển.
Cần tính tới tính đặc thù của địa phương để có giải pháp quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả. Cần phải có ngay các giải pháp tận dụng tài sản cho các mục đích khác nhau và cải tạo, sửa chữa, sử dụng tài sản và tránh tình trạng bỏ hoang các công trình, dẫn đến hư hỏng.
Luật quản lý, sử dụng tài sản công đã quy định các nguyên tắc quản lý để đảm bảo tránh lãng phí, nhưng khác với các hành vi khác, việc quản lý mà để lãng phí tài sản công hiện nay rất ít khi được xử lý mạnh tay nên tình trạng của công không ai xót vẫn diễn ra.
Hiện nay, Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có quy định tại điều 219 về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Thế nhưng, lâu nay hầu như người ta chỉ quan tâm hành vi gây thất thoát mà rất ít xử lý hành vi gây lãng phí. Cần xử lý đúng mức các hành vi gây lãng phí tài sản nhà nước theo quy định hiện hành.
Địa phương đã cố gắng thu xếp
Ông Đặng Minh Thảo, bí thư Huyện ủy Trà Bồng, cho biết đã cố gắng hết sức để phát huy hiệu quả của các công sản này. Trụ sở UBND và Huyện ủy Tây Trà (cũ) chuyển cho Đảng ủy, UBND xã Trà Phong sử dụng.
Trụ sở Công an huyện cũng giao về cho Công an xã Trà Phong. Nhiều khối nhà khác được chuyển cho các trường làm nhà công vụ dành cho giáo viên công tác ở miền núi sinh hoạt, số khác chuyển làm nhà sinh hoạt cộng đồng của địa phương...
"Dù đã cố gắng nhưng thực tế không thể sử dụng hết công năng bởi các khối nhà này từng là nơi làm việc của cả một huyện với nhiều phòng ban, còn nay chỉ là nơi làm việc của một xã. Đây chỉ là phương án bảo vệ tài sản, huyện cố gắng hết sức để tài sản nhà nước không xuống cấp, hư hỏng", ông Thảo nói.
Vì sao không định giá, đấu giá các nhà công sản này? Ông Thảo cho rằng khó thực hiện bởi đơn giá nhà nước làm cơ sở định giá không phù hợp với thực tế địa phương.
Trụ sở huyện Tây Trà trước sáp nhập đặt ở xã Trà Phong, cách TP Quảng Ngãi tầm 100km. Đời sống khó khăn, việc bán đất vốn đã khó, bán được tài sản gắn liền trên đất cực khó.
"Việc sắp xếp, bố trí làm trường học là giải pháp hay và đã thực hiện. Tuy nhiên, địa bàn miền núi rộng nhưng dân cư thưa thớt nên không thể chuyển học sinh từ các xã về đây học được.
Thực tế ngành giáo dục miền núi phải vào tận các làng, mở điểm trường lẻ để phổ cập giáo dục. Còn các điểm trường chính ở xã đã đáp ứng nhu cầu dạy và học", ông Thảo cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận